Khắc phục khoảng trống pháp lý của chơi họ
Việc chơi họ là một hình thức huy động vốn được tồn tại từ rất lâu trong cộng đồng dân cư, nhưng có nhiều biến tướng phức tạp. Nên chăng cần thiết phải có chế tài mạnh, xử lý hình sự để có sự răn đe, hạn chế được hoạt động chơi họ biến tướng?
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, nhu cầu cho vay, đi vay bằng phương thức tham gia chơi họ, hụi, biêu, phường (gọi chung là chơi họ) ngày càng đa dạng, phức tạp, thậm chí có sự biến tướng. Trên thực tế đã xảy ra một số vụ việc vỡ họ gây hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân, tổ chức, khiến các cơ quan có thẩm quyền khó khăn trong xác minh họ, tên, lai lịch của người tham gia họ trong các dây họ lớn; xác định chứng cứ; xác minh đường lối giải quyết hành vi là khởi tố hình sự hay giải quyết tranh chấp dân sự…
Mới đây, PL&XH đã nhận được đơn thư của bà Vũ Thị Đính, SN 1975, trú tại xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình tố cáo bà Nguyễn Thị Mến, SN 1964, cùng trú tại xã An Đồng có dấu hiệu vi phạm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174, BLHS năm 2015. Bà Đính phản ánh, bà Mến đã dựng ra nhiều bát phường không có thật và tự đi thu tiền của nhiều người tại xã An Đồng và các xã lân cận trong thời gian dài với số tiền chiếm đoạt lên đến nhiều tỷ đồng.
Mặc dù khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân đã có nhiều đơn thư kêu cứu và trình báo nhưng cho đến nay bà Mến vẫn không chưa bị xử lý, không trả lại tiền cho những người tham gia chơi phường và cũng vắng mặt tại địa phương. Tháng 4/2020, bà Đính đã làm đơn tố giác bà Mến chiếm đoạt 70 triệu đồng của bà Đính thông qua hình thức chơi các bát phường và chiếm đoạt 600 triệu đồng bà Mến vay của bà Đính. Sau nhiều lần đòi tiền nhưng Mến không trả và đi khỏi địa phương từ tháng 9/2019. Sau khi tiếp nhận giải quyết đơn thư, cuối tháng 8/2020, CQCSĐT CA huyện Quỳnh Phụ đã ra Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm với lý do việc truy tìm, triệu tập, làm việc với bà Mến, là người bị tố giác và thu thập các tài liệu liên quan khác chưa có kết quả.
Vừa qua, CA tỉnh Nam Định đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam Phạm Thị Ngọc, SN 1968, xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo tài liệu của CQCA, Phạm Thị Ngọc làm chủ phường họ (chơi hụi) một thời gian dài và liên quan đến nhiều cá nhân trên địa bàn các huyện ở tỉnh Nam Định như: Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy… Đến năm 2020, Ngọc bị mất khả năng cân đối thu chi, dẫn đến không thể thanh toán ở nhiều dây phường (dây hụi). Bản thân bị can còn bị nợ khoảng 11 tỷ đồng.
Để có tiền thanh toán nợ và trả lãi, tiền gốc cho những cá nhân đến kỳ hạn, Phạm Thị Ngọc tự dựng lên những đường dây hụi không có thật để tiếp tục thu tiền, vàng của những người tham gia.
Bị can Ngọc đã chiếm đoạt tài sản của 93 người tại các huyện của tỉnh Nam Định như: Xuân Trường, Giao Thủy và Hải Hậu với tổng số tiền 21,288 tỷ đồng và 889,1 chỉ vàng 9999. Vụ việc đang được lực lượng chức năng tiếp tục điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật.
Luận bàn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Nghị định số 19/2019/NĐ-CP đã khắc phục được nhiều khoảng trống pháp lý về vấn đề này. Nghị định quy định khá chi tiết về nguyên tắc tổ chức họ; điều kiện làm thành viên, chủ họ; gia nhập, rút khỏi họ; văn bản thỏa thuận về họ; thứ tự lĩnh họ, lãi suất; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của thành viên, chủ họ.
“Pháp luật hiện tại chỉ quy định những người khi tham gia chơi họ có thể thỏa thuận bằng văn bản hoặc bằng miệng nên rất rủi ro. Nghị định 19 đã đưa ra quy định, chủ họ phải đăng ký với UBND cấp xã, phường. Tôi cho rằng, việc phải đăng ký với chính quyền sẽ hạn chế được rủi ro cho người tham gia nhưng trên hết vẫn là sự quản lý sát sao của chính quyền địa phương, ý thức cảnh giác và hiểu biết của những người tham gia chơi họ”, luật sư Thái cho biết.
Luật sư cũng cho biết, tuy pháp luật hình sự hiện tại đã có những tội danh về hành vi cho vay nặng lãi, tuy nhiên trên thực tế vẫn có những mập mờ và khoảng trống pháp luật trong vấn đề chơi họ. Bên cạnh đó, việc xử lý và áp dụng pháp luật còn thiếu thống nhất giữa nhiều nơi, nhiều cơ quan. Chính vì thế, việc hoàn thiện pháp luật và có những chế tài xử lý nghiêm minh đối với những hành vi này là hết sức cần thiết.
Luật sư Thái khuyến cáo, khi tham gia chơi họ, người dân cần tự trang bị cho mình các kiến thức pháp luật, nâng cao cảnh giác... chỉ nên chơi họ khi thấy rõ sự an toàn và nằm trong khuôn khổ của pháp luật quy định. Có như vậy, mới có thể tránh hoặc chí ít là hạn chế tối đa những rủi ro, hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Ngoài ra, cần lưu ý chỉ nên chơi hụi khi thấy rõ sự an toàn. Khi tham gia nhất thiết phải có sổ sách ghi chép cẩn thận, giấy tờ biên nhận rõ ràng, có chữ ký của cả hai bên về việc giao nhận tiền, biết rõ người nhận hụi sau mỗi kỳ góp hụi.
“Ở khía cạnh khác, chính quyền các cấp cũng cần nâng cao nhận thức cho người dân thông qua việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật. Cần chủ động nắm bắt thông tin để kịp thời có những biện pháp ngăn chặn khi có các dấu hiệu lừa đảo, tránh cảnh chạy theo xử lý vuốt đuôi, hay “mất bò mới lo làm chuồng”. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung những quy định pháp luật mới, dự báo được những vấn đề mới phát sinh do thay đổi từ thực tiễn cuộc sống để có những điều chỉnh phù hợp cũng hết sức quan trọng”, luật sư Thái cho hay.
"Nhiều vụ vỡ hụi xảy ra, cơ quan có thầm quyền gặp khó khi xác minh sự việc, thu thập tài liệu chứng cứ để xử lý do thông tin người tham gia dây hụi được ghi chép sơ sài. Do đó, việc khai báo với chính quyền sẽ là một căn cứ về thông tin", luật sư Thái nói và cho rằng, việc khai báo sẽ có ý nghĩa nhất định nhưng quan trọng nhất vẫn là sự giám sát của chính quyền địa phương, tuy nhiên, điều này đặt ra những vấn đề về nhân sự, khả năng chuyên môn.