Khắc phục 'lỗ hổng' trong quản lý, sử dụng vũ khí và công cụ hỗ trợ
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (Luật ban hành năm 2017 và có hiệu lực thi hành từ 1-7-2018) qua 5 năm có hiệu lực đã góp phần quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện luật đã phát sinh nhiều 'lỗ hổng' không đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Quy định bất cập
Theo thống kê của Bộ Công an, 5 năm qua, toàn quốc đã phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao gây án. Trong đó, số vụ đối tượng sử dụng vũ khí quân dụng gây án chỉ chiếm 1,1%; sử dụng vật liệu nổ chiếm 0,8%; sử dụng công cụ hỗ trợ 2,8%; súng tự chế chiếm 5,3%; vũ khí thô sơ 36%; sử dụng dao và phương tiện tương tự dao chiếm 54%.
Như vậy, tội phạm sử dụng súng tự chế, vũ khí thô sơ, vũ khí tương tự vũ khí thô sơ, dao và phương tiện tương tự dao gây án đang diễn biến rất phức tạp. Riêng tội phạm sử dụng các loại dao gây án chiếm tỷ lệ rất cao (chiếm 58,6% tổng số vụ, 54% tổng số đối tượng), nhiều vụ có tính chất rất manh động, tàn ác gây bức xúc dư luận xã hội, hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Tình trạng các nhóm thanh thiếu niên đã hoán cải các loại dao sắc, nhọn, hàn thêm tuýp sắt dài từ 1 m đến 2 m để mang đi giải quyết mâu thuẫn, đe dọa người dân, gây bức xúc dư luận xã hội.
Nhưng thực tế điều tra các vụ việc như trên hoặc tương tự, cơ quan cảnh sát điều tra chỉ xử lý hình sự được đối tượng dùng súng tự chế, dao có tính sát thương cao khi có đủ căn cứ kết luận đối tượng phạm tội về các tội danh khác như: giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích… Cơ quan chức năng không xử lý hình sự được đối tượng về hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ bởi luật hiện hành không quy định dao là vũ khí; không quy định súng tự chế thuộc nhóm vũ khí quân dụng.
Trên địa bàn Tuyên Quang đã xảy ra những vụ việc đối tượng sử dụng súng tự chế, dao sắc nhọn gây ra hậu quả nghiêm trọng. Ví như, ngày 29-10-2023, tại thôn Trung Mường, xã Côn Lôn (Na Hang), do mâu thuẫn cá nhân đối tượng N.V.P. (người trong thôn) đã có dùng dao nhọn đâm vào vùng bụng, ngực anh N.V.C, ở thôn Nà Thưa, cùng xã Côn Lôn. Hậu quả, anh C. tử vong tại chỗ và P. đã phải lĩnh mức án 20 năm tù. Hay như, ngày 7-12-2023 tại thôn Bảy Trăm, xã Hùng Đức (Hàm Yên), ông M.V.T. đã dùng súng kíp bắn trúng người ông L.V.Ph. (cả hai đều cùng thôn Bảy Trăm). Hậu quả khiến ông Ph. bị thương nhiều chỗ phải đi bệnh viện điều trị. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đang củng cố hồ sơ xử lý đối tượng T. theo quy định pháp luật.
Theo Trung tá Phạm Văn Trường, Đội trưởng, thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Tuyên Quang, các đối tượng xấu đã lợi dụng “lỗ hổng” của pháp luật để chế tạo, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại súng tự chế, dao và công cụ, phương tiện tương tự vũ khí thô sơ. Nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm tạo sức răn đe những hành vi đó sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Vì vậy, cần thiết cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định về khái niệm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ để bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
Cũng do Luật chưa quy định cụ thể khái niệm linh kiện lắp ráp súng quân dụng là vũ khí nên phát sinh bất cập lớn. Bởi đối tượng xấu đã lợi dụng “lỗ hổng” của pháp luật tháo rời súng thành các bộ phận để mua bán, vận chuyển trái phép, tình trạng này có chiều hướng gia tăng. Sau khi các đối tượng đã mua đủ các bộ phận lắp ráp thành súng sử dụng nhưng không thể xử lý hình sự đối với hành vi này.
Cùng với đó, Luật hiện hành đang có tới 30 điều quy định về thủ tục cấp các loại giấy phép, giấy xác nhận về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó, yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phải trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền cấp phép kèm theo rất nhiều các loại giấy tờ khác. Những quy định đó gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân, chưa phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ về cải cách hành chính, tăng cường tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trực tuyến.
Đồng bộ các giải pháp
Chung đặc thù các tỉnh miền núi, tỉnh Tuyên Quang cũng tồn tại tình trạng một số người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thói quen sử dụng súng tự chế để săn bắn thú rừng, ngoài ra vẫn còn một số người có sở thích sử dụng súng để săn bắn giải trí, nên cố ý che giấu việc tàng trữ súng... Xác định những khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã lãnh, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và các chỉ đạo, văn bản của Trung ương. Trong đó, tập trung huy động sức mạnh tổng hợp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội làm tốt công tác về tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động nhân dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Lực lượng Công an các cấp đã phát huy vai trò nòng cốt trong tham mưu, tổ chức thực hiện, tăng cường công tác quản lý, hạn chế thấp nhất tình trạng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trôi nổi ngoài xã hội, lọt vào tay tội phạm. Trong 5 năm (giai đoạn 2018 - 2023), tỉnh Tuyên Quang đã vận động thu hồi được 4.087 khẩu súng các loại; 8.753 viên đạn; 1.340 lựu đạn, bom, đầu đạn; hơn 165 kg thuốc nổ, 156 kíp và hàng trăm công cụ hỗ trợ, vũ khí thô sơ, linh kiện để lắp ráp vũ khí.
Công an Tuyên Quang đã phát hiện, xử lý 86 vụ với 115 đối tượng, thu giữ 29 khẩu súng các loại, 56,2 kg thuốc nổ, 847 kíp, 33 công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ. Cùng với đó, các ngành, các địa phương đã tổ chức 4.480 buổi tuyên truyền cho hơn 451.000 lượt người nắm rõ quy định của pháp luật và tổ chức ký trên 275.000 bản cam kết đối với tổ dân phố, khu dân cư, thôn, chủ hộ, học sinh, sinh viên không vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Qua công tác tuyên truyền đã làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, nhân dân, giúp giảm thiểu xảy ra những vụ việc đáng tiếc liên quan đến sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương. Anh Thèn Văn Tám, dân tộc Nùng, ở thôn Kim Thu Ngà, xã Kim Quan (Yên Sơn) chia sẻ, qua được lực lượng Công an xã và cán bộ thôn tuyên truyền anh đã hiểu rõ sự nguy hiểm và tự nguyện giao nộp khẩu súng tự chế.
Anh thấy vui vì việc làm của mình là đúng đắn, vừa bảo đảm an toàn cho chính bản thân, gia đình và xã hội. Anh sẽ tích cực vận động người thân, bà con trong thôn nếu ai còn tàng trữ hãy tự nguyện giao nộp, đặc biệt là đề cao ý thức trách nhiệm không vi phạm và tham gia tố giác khi phát hiện những vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn tỉnh, ngày 4-5 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và UBND cấp huyện liên quan đến công tác này. UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh và khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác trên (nếu có), góp phần phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự.
Công an tỉnh được giao theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giao nộp và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.
Mới đây, ngày 13-5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo các dự án luật được trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong đó có dự án Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Các đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết xây dựng dự án luật này và góp ý với những hạn chế, bất cập của các quy định hiện hành…
Trên cơ sở đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp thu, tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đề nghị xem xét điều chỉnh, đảm bảo khi luật được ban hành có tính khả thi, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, khắc phục những “lỗ hổng” của pháp luật, đáp ứng được yêu cầu quản lý của Nhà nước, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phù hợp với thực tiễn.
Lý Thịnh
Đồng chí Tăng Thị Dương
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh
Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân
Thời gian qua, MTTQ các cấp cùng các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với chính quyền và lực lượng chức năng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, nêu cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, trưởng các dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư gương mẫu, đi đầu trong thực hiện; tích cực phát hiện, tham gia tố giác, cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng về hành vi chế tạo, sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép để vận động thu hồi hoặc đấu tranh xử lý, đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng. Cùng với đó, tổ chức cho các gia đình, các tổ tự quản, ban công tác mặt trận ở khu dân cư ký cam kết không sản xuất, tàng trữ, mua bán, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Với việc tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục đã làm cho người dân hiểu rõ và tích cực hưởng ứng làm theo, góp phần quan trọng thực hiện Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Thượng tá Đặng Đình Cường
Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội
Công an tỉnh Tuyên Quang Cần sớm sửa đổi Luật
Qua triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc. Bộ Công an đã chủ trì xây dựng dự thảo dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) được trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Việc xây dựng dự án Luật này nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác này, đồng thời phù hợp với thực tiễn. Khi Luật mới được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý Nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này và khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng luật thời gian qua.
Đồng chí Trần Long
Trưởng Phòng Tư pháp thành phố Tuyên Quang
Coi trọng phổ biến, giáo dục pháp luật
Phòng Tư pháp thành phố đã tham mưu để UBND thành phố Tuyên Quang ban hành kế hoạch về việc triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK - VLN - CCHT) trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Đồng thời, tham mưu tổ chức Hội nghị triển khai Luật Quản lý, sử dụng VK - VLN - CCHT và pháo với thành phần tham dự là đại diện các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố, Công an thành phố, Ban CHQS thành phố và UBND các xã, phường. Phòng đã tham mưu để UBND thành phố tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam tuyên truyền về các luật, trong đó có Luật Quản lý, sử dụng VK - VLN - CCHT. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung phổ biến Luật Quản lý, sử dụng VK - VLN - CCHT và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông qua đó, các xã, phường và lực lượng chức năng tuyên truyền, vận động nhân dân không sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng các loại VK - VLN - CCHT trái phép; tích cực tố giác các hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan chức năng...
Đồng chí Nguyễn Văn Cướng
Chủ tịch UBND xã Thượng Nông (Na Hang)
Đổi mới phương pháp nắm bắt tình hình
Thời gian qua, xã Thượng Nông (Na Hang) đã triển khai có hiệu quả chỉ thị 09 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Từ năm 2020 có công an chính quy về thường trực trên địa bàn, việc quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được thực hiện một cách quyết liệt. Xã thường xuyên phối kết hợp với đơn vị, cùng với các thôn xóm tổ chức tuyên truyền pháp luật về cấm buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, đổi mới phương pháp nắm bắt tình hình trong nhân dân, để có sự phối hợp tuyên truyền kịp thời đối với những trường hợp cá biệt. Cùng với đó địa phương cũng đã chủ động phối hợp với ban ngành, đoàn thể địa phương tích cực vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, nâng cao ý thức và luôn nêu cao tinh thần tố giác tội phạm, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến vũ khí vật liệu nổ...
Ông Trần Văn Hệ
Thôn 4 Việt Thành, xã Tân Thành (Hàm Yên)
Tố giác hành vi vi phạm
Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, lực lượng công an xã, cán bộ thôn tuyên truyền, tôi đã nhận thức rõ việc sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là vi phạm pháp luật và có thể gây nguy hiểm tính mạng của bản thân và người khác. Vì thế, tôi sẽ tích cực vận động người thân, người dân chấp hành nghiêm quy định, không tham gia sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Đồng thời, tôi sẽ vận động ai còn tàng trữ vũ khí tại gia đình hãy tự nguyện giao nộp, đặc biệt là đề cao ý thức trách nhiệm không vi phạm và tham gia tố giác khi phát hiện những vi phạm liên quan đến vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.