Khắc phục những bất cập trong thực tiễn

Tại phiên thảo luận về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV hôm qua, 14.11, đại diện nhiều địa phương được mời dự thính kỳ họp đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các ĐBQH, đã tập trung vào những nội dung cốt lõi của yêu cầu sửa đổi luật lần này. Các đại biểu kỳ vọng, ý kiến của ĐBQH được tiếp thu nghiêm túc để việc sửa đổi lần này có thể khắc phục những bất cập đang có trong luật hiện hành, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng đất.

Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Hà Tĩnh NGUYỄN THỊ THÚY NGA:
Các ý kiến tập trung vào nội dung cốt lõi của yêu cầu sửa đổi luật

Cá nhân tôi hoàn toàn thống nhất về sự cần thiết ban hành Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Đất đai 2013, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Theo dõi phiên thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) của Quốc hội, tôi thấy ý kiến của các ĐBQH đã tập trung vào các nội dung cốt lõi của yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai lần này, góp phần từng bước tháo gỡ vướng mắc từ thực tiễn… Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này tiếp tục kế thừa các chính sách hiện hành để bảo đảm sự ổn định, đồng thời quán triệt và thể chế đầy đủ các định hướng chỉ đạo trong Nghị quyết số 18-NQ/TW đó là bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước và bảo đảm sinh kế bền vững cho người có đất bị thu hồi.

Thực tiễn tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 đã đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, sử dụng đất đai. Các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành đồng bộ và kịp thời, đúng quy định, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; các văn bản được ban hành đều bám sát chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; giúp cho Luật sớm đi vào cuộc sống, giải quyết kịp thời các vấn đề bức thiết thực tế đang đòi hỏi…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất sản xuất không thực hiện được việc chuyển đổi ngành nghề, nhiều hộ gia đình, địa phương còn lúng túng trong xác định, lựa chọn ngành nghề để chuyển đổi. Bên cạnh đó, để xác định một cách đầy đủ giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường là việc rất khó khăn khi trên địa bàn tỉnh chưa có thị trường bất động sản thực sự hoạt động công khai, minh bạch; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Nhà nước nhiều lần thay đổi nên việc áp dụng tại các địa phương thiếu nhất quán; việc xác định nguồn gốc đất đai đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc...

Trên cơ sở đó, các cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể hơn các chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu đưa ra tiêu chí xác định những trường hợp nào là cấp bách, thật cần thiết để thu hồi đất; quy định chi tiết, cụ thể Khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai 2013, nhất là thu hồi đất đối với các dự án Nhà ở đô thị, hạ tầng khu dân cư nông thôn... Bên cạnh đó, cần làm rõ nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất (về các chỉ tiêu loại đất chính, kỳ quy hoạch, thời điểm lập quy hoạch…); tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh chưa thống nhất với Luật Quy hoạch, cần làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quy hoạch tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái VŨ QUỲNH KHÁNH:
Phân cấp định giá đất nên giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định

Trước tiên, tôi cho rằng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã cơ bản thể chế hóa các định hướng trong Văn kiện Đại hội Đảng Khóa XIII, các nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội. Đặc biệt, dự thảo luật đã thể chế hóa 3 mục tiêu tổng quát, 6 nhóm mục tiêu cụ thể, 6 nhóm giải pháp và 8 nhóm chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW; giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.

Trong phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tôi đánh giá rất cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các ĐBQH nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập trong thực hiện Luật Đất đai hiện hành. Từ thực tiễn địa phương, qua các buổi TXCT cho thấy, cử tri và Nhân dân đang rất quan tâm đến việc xác định giá đất. Hiện nay, khung giá đất do Nhà nước quy định đã lạc hậu, thấp hơn nhiều lần so với giá đất trên thị trường. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc và khiếu kiện kéo dài, gây rào cản trong công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương hiện nay.

Do đó, những ý kiến ĐBQH đề nghị về nội dung này rất khách quan, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này; cơ chế xác định giá đất cần minh bạch; có sự thẩm tra, giám sát kỹ lưỡng của HĐND địa phương.

Tôi cũng đồng tình với nhiều ý kiến của các ĐBQH về việc đề xuất phân cấp định giá đất nên giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định. Việc xác định giá đất không chỉ đơn thuần liên quan đến vấn đề kinh tế, lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân mà còn liên quan đến ổn định chính trị, xã hội nên việc xác định tính toán giá đất phải do cơ quan chức năng có trách nhiệm tổng thể cả về chính trị, xã hội xem xét, quyết định. Vì vậy, việc định giá đất giao cho HĐND cấp tỉnh xác định và hàng năm xây dựng hệ số phù hợp. Khi HĐND cấp tỉnh được giao xem xét định giá đất thì các bộ, ngành có chức năng hướng dẫn, kiểm tra việc định giá đất theo quy định pháp luật.

Mặt khác, theo tôi, trong Luật Đất đai (sửa đổi) cũng cần quy định rõ người dân tham gia giám sát việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất. Việc quy hoạch đất đai, xây dựng công trình, dự án như thế nào cần được đưa lên các website chính thống của các bộ, ngành, cơ quan để người dân đóng góp ý kiến. Đồng thời, cần có sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về Luật Quy hoạch, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đất đai (sửa đổi) về nội dung quy hoạch, thời kỳ quy hoạch, phân loại đất trong quá trình quy hoạch. Đặc biệt, hiện nay việc phân loại đất còn chưa đồng bộ nên cần bổ sung đầy đủ trong Luật Đất đai (sửa đổi) những loại đất đã được quy định ở trong các luật khác để thuận tiện cho đơn vị thực thi pháp luật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ĐINH CÔNG SỨ:
Cần sửa đổi, bổ sung điều kiện gia hạn thời gian sử dụng đất

Qua theo dõi phiên thảo luận và nghiên cứu tài liệu, tôi thấy rằng, Dự án luật có nhiều nội dung mới như: đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể để thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và HĐND các cấp; hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và chủ đầu tư; hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản; cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp…

Tuy nhiên, tôi cho rằng: hiện đang không có sự thống nhất về thời hạn xử lý các dự án chậm triển khai theo quy định của Luật Đầu tư và quy định của Luật Đất đai (sửa đổi). Cụ thể, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định dự án chậm tiến độ quá 48 tháng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất. Song nội dung này đang được quy định trong Luật đầu tư là 12 tháng. Như vậy, đã xuất hiện sự mâu thuẫn, dự thảo Luật đất (đai sửa) đổi cần nghiên cứu, chỉnh sửa cho phù hợp.

Xoay quanh việc gia hạn thời gian sử dụng đất, tôi đồng tình và đánh giá cao ý kiến của các ĐBQH khi cho rằng, Luật Đất đai cho phép gia hạn thời gian sử dụng đất 24 tháng và nhà đầu tư phải nộp khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án, điều này gây ra sự lúng túng trong thực hiện. Trên thực tế, nhiều dự án đã bị chấm dứt hoạt động theo Luật Đầu tư nhưng không thể thu hồi đất vì vướng quy định của Luật Đất đai cho phép nhà đầu tư gia hạn thời gian sử dụng đất thêm 24 tháng. Vì vậy, thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bổ sung điều kiện gia hạn thời gian sử dụng đất.

Bên cạnh đó, dự án luận cần quy định về vấn đề quy hoạch sử dụng đất 3 cấp rõ ràng để địa phương chủ động quản lý, sử dụng đất cho đúng và phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia; bổ sung các quy định cụ thể về trình tự thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án có sử dụng đất thông qua hình thức đấu thầu dự án. Đồng thời, quy định cụ thể cách xác định thời hạn sử dụng đất của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi nhận chuyển nhượng vốn đầu tư của dự án là giá trị quyền sử dụng đất; bổ sung quy định việc cưỡng chế thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai; quy định chế độ quản lý đất nông nghiệp theo các đặc tính chất lượng của từng loại đất...

DIỆP ANH - TRẦN TÂM - TRỌNG HIẾU thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/khac-phuc-nhung-bat-cap-trong-thuc-tien-i307842/