Khắc phục ô nhiễm không khí: Câu chuyện không của riêng ai

Thời gian gần đây, ô nhiễm không khí ở Hà Nội đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người, để từng bước giảm bớt tình trạng ô nhiễm không khí bên cạnh sự nỗ lực của các cấp chính quyền, cần có sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Cần những giải pháp bền vững

Môi trường không khí bị ô nhiễm đã có những tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Tiến sĩ Park Kidong - Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết: Ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Ô nhiễm không khí toàn cầu gây ra khoảng 29% trường hợp tử vong do ung thư phổi, 24% ca tử vong do đột quỵ, 25% do đau tim và 43% do bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính. Ô nhiễm không khí là “kẻ giết người vô hình”.

Sử dụng các phương tiện giao thông công cộng cũng góp phần giảm ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Sử dụng các phương tiện giao thông công cộng cũng góp phần giảm ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Theo Tiến sĩ Park Kidong, ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến tất cả các nơi trên toàn cầu, tuy nhiên người dân ở các quốc gia có thu nhập thấp chịu ảnh hưởng nặng nhất.

“Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy 97% người dân sống ở thành phố có thu nhập thấp và trung bình với hơn 1.000 dân không được đáp ứng về chất lượng không khí. Trong khi đó con số này chỉ dưới 49% ở các nước có thu nhập cao”, Tiến sĩ Park Kidong cho hay.

Theo bà Lý Bích Thủy – Viện Khoa học và Công Nghệ Môi Trường - Đại học Bách khoa Hà Nội, diễn biến nồng độ bụi PM10 trung bình năm tại một số điểm đo ở Hà Nội cho thấy: So với ngưỡng khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới hay QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, nồng độ PM10 trong xu hướng dài hạn (trong 2 thập kỷ) đều cao hơn quy chuẩn khuyến nghị.

Tương tự, nghiên cứu dài hạn tại một số điểm khác nhau trong cùng một giai đoạn cho thấy nồng độ trung bình bụi PM2.5 trong thời gian dài cao hơn một vài lần so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới và quy chuẩn hiện tại.

Phát thải từ các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Phát thải từ các phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Bà Lý Bích Thủy cho biết trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu chất lượng không khí tại một điểm tại trường. Theo đó, diễn biến của nồng độ bụi trong giờ trong ngày vào các tháng 1, 3, 5, 7, 9, 11 trong năm 2017 cho thấy tháng 1 có nồng độ bụi cao hơn tháng 7, tháng 1 biến động lớn vào ban đêm, có thể thấy nồng độ bụi cao, ngược lại vào tháng 7, biến động thấp và thấp đều. Nguyên nhân là do bụi PM2.5 bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.

Trong đó, điều kiện khí hậu bất lợi sẽ khiến nồng độ ô nhiễm tăng lên, do đó thông số khí tượng có mối tương quan ảnh hưởng rõ nét về mặt thống kê lên diễn biến của nồng độ bụi. Bà Lý Bích Thủy cho rằng để giảm thiểu ô nhiễm không khí, giảm nồng độ bụi, cần phải giảm phát thải và các nhóm giải pháp hữu hiệu khác.

Phải có sự đồng thuận của chính quyền và người dân

Trước sự ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, chính quyền thành phố Hà Nội và các chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực môi trường cũng đã chỉ ra những nguyên nhân để từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục tình trạng đó.

Tuy nhiên để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí không thể chỉ trông chờ vào sự nỗ lực của các cấp chính quyền mà bản thân mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp cũng cần có sự chung sức, đồng lòng. Sở dĩ trong các nguyên nhân gây ô nhiễm không khí hầu hết đều đến từ chính ý thức của mỗi người.

Mỗi người dân cần có ý thức tự giác trong việc chung tay bảo vệ môi trường, từ hành động nhỏ nhất như đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không đốt rác thải bừa bãi... (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Mỗi người dân cần có ý thức tự giác trong việc chung tay bảo vệ môi trường, từ hành động nhỏ nhất như đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không đốt rác thải bừa bãi... (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Đơn cử, nguyên nhân ô nhiễm không khí đến từ phát thải của các phương tiện giao thông, Giáo sư Hoàng Xuân Cơ – Khoa Môi trường, Trường Đại Học Khoa Học Tự Nhiên cho biết phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm. Những người đi xe máy, ô tô, mỗi ngày họ đi hàng chục kilômét, thậm chí hàng trăm kilômét, nhân lên sẽ gây ra lượng khí thải rất lớn.

“Chúng ta không chỉ là nạn nhân mà chính chúng ta cũng là thủ phạm gây ô nhiễm. Bạn dùng điện, điện từ đâu? Điện từ than, điện than gây ô nhiễm. Một ngày gia đình bạn dùng bao nhiêu số, nhân lên với hệ số phát thải thì bạn sẽ biết gia đình mình mỗi ngày đóng góp vào hệ số phát thải là bao nhiêu!”, Giáo sư Cơ nhấn mạnh.

Bà Hoàng Thị Hương Giang – Điều phối viên của Tổ chức ICLEI (Chính quyền địa phương hành động vì mục tiêu phát triển bền vững) kêu gọi sự vào cuộc của chính quyền và người dân, mong muốn sự liên kết mạnh mẽ hơn nữa giữa các sở, ban ngành.

“Hà Nội có hơn 8 triệu dân nên không thể chỉ trông chờ vào Nhà nước, nếu như người dân cùng nhau không sử dụng bếp than tổ ong, giảm sử dụng điện, giảm sử dụng rác thải nhựa, túi nilon, giảm phát thải… thì chúng ta có thể đương đầu với cuộc chiến ô nhiễm không khí!” - bà Hoàng Thị Hương Giang nhấn mạnh.

Bà cũng cho rằng trong bối cảnh ô nhiễm nặng nề như hiện nay, đây vừa là thách thức nhưng cũng là “cú hích” và thời cơ để Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đưa ra một chiến dịch hay kế hoạch huy động sức mạnh của cộng đồng như trồng cây, không đốt rác... Để làm được như vậy, cần có sự đồng hành vào cuộc và phối hợp giữa các Sở, ban ngành và cộng đồng người dân.

Nguyễn Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khac-phuc-o-nhiem-khong-khi-cau-chuyen-khong-cua-rieng-ai-98205.html