Khắc phục ô nhiễm tại Khu công nghiệp An Nghiệp (Sóc Trăng)

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Sóc Trăng đã vào cuộc quyết liệt, giúp hạn chế ô nhiễm tại Khu công nghiệp (KCN) An Nghiệp. Tuy nhiên, đây mới là giải pháp tạm thời, về lâu dài, cần nâng cấp công suất xử lý nước thải và xử lý dứt điểm bùn thải ở KCN này.

Nhà máy xử lý nước thải tập trung vận hành công suất tối đa để xử lý nước thải của Khu công nghiệp An Nghiệp.

Nhà máy xử lý nước thải tập trung vận hành công suất tối đa để xử lý nước thải của Khu công nghiệp An Nghiệp.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Sóc Trăng đã vào cuộc quyết liệt, giúp hạn chế ô nhiễm tại Khu công nghiệp (KCN) An Nghiệp. Tuy nhiên, đây mới là giải pháp tạm thời, về lâu dài, cần nâng cấp công suất xử lý nước thải và xử lý dứt điểm bùn thải ở KCN này.

Tỉnh Sóc Trăng có năm KCN, trong đó có KCN An Nghiệp rộng 243 ha, được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Hiện nay, cơ sở hạ tầng của KCN khá khang trang và đã thu hút được 59 dự án, với tổng vốn đăng ký là 5.807,25 tỷ đồng. Thời gian gần đây, KCN này gây bức xúc cho người dân địa phương vì nước thải của KCN làm ô nhiễm các kênh nước nội đồng. KCN An Nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung với công suất 10 nghìn m3/ngày, đêm. Vào thời điểm gây ô nhiễm, cơ quan chức năng đã xác định lưu lượng xả thải của các doanh nghiệp vào hệ thống xử lý nước thải tập trung tăng đột biến từ 36 đến 94%.

Tìm hiểu nguyên nhân, được biết, toàn khu hiện có năm nhà máy chế biến thủy sản. Từ tháng 7-2020 đến nay, các nhà máy này tăng sản lượng sản xuất đột biến so với cùng kỳ năm ngoái, do đó, lượng nước thải tăng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã không báo cáo Ban Quản lý (BQL) và đơn vị xử lý nước thải toàn KCN là Công ty TNHH Dịch vụ môi trường (DVMT) An Nghiệp khiến nước thải không được xử lý kịp thời. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH DVMT An Nghiệp với số tiền phạt hơn 1,3 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu công ty nhanh chóng khắc phục xử lý lượng nước thải phát sinh, đầu tư nâng công suất xử lý nước thải từ 10 nghìn m3 lên 20 nghìn m3/ngày, đêm để đáp ứng hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Công ty đã điều tiết vận hành, bảo đảm xử lý lượng nước thải và đưa vào vận hành bể xử lý thêm 2.000 m3/ngày, đêm. Đến đầu tháng 10-2020, việc thu gom và xử lý nước thải cơ bản đã đáp ứng.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp trước mắt, chỉ phù hợp thời điểm hiện nay khi các công ty chế biến đã giảm công suất do hết đơn hàng gia công. Tình trạng ô nhiễm vẫn có nguy cơ tái diễn khi hoạt động sản xuất tăng cao, nhất là vào dịp cuối năm. Giám đốc BQL các KCN tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thành Trong nhận định, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 cho nên nhiều nước sẽ nhập khẩu các mặt hàng chế biến thủy hải sản từ Việt Nam, tác động đến các đơn hàng của các doanh nghiệp chế biến. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đang xin vào KCN này, cho nên cần có hệ thống xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất.

Để nâng công suất nhà máy xử lý nước thải, Công ty TNHH DVMT An Nghiệp cần sớm được cơ quan chức năng giải quyết cho thuê 2,1 ha đất trong KCN An Nghiệp như đề nghị của doanh nghiệp để mở rộng nhà máy, nâng công suất xử lý lên 20 nghìn m3/ngày, đêm, đồng thời BQL Khu công nghiệp An Nghiệp được tiếp nhận quản lý tuyến kênh nội đồng Thẻ 25 để thoát nước của KCN và tưới tiêu dọc tuyến kênh này. Ngoài ra, cần có phương án xử lý bùn thải phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN. Giám đốc Công ty TNHH DVMT An Nghiệp Hà Thế Vũ cho biết, lượng bùn thải phát sinh trong quá trình xử lý nước thải khoảng từ 25 đến 30 tấn/ngày. Trước đây, bùn được chuyển cho một nhà máy sản xuất phân bón, nhưng hiện nay đơn vị này không tiếp nhận, công ty phải tự chôn lấp. Quá trình vận hành nhà máy xử lý nước thải đã lưu lại lượng lớn bùn thải. Vì vậy, công ty đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép gia hạn thời gian chôn lấp lượng bùn thải và có hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý bùn thải.

Chính quyền tỉnh Sóc Trăng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm vào cuộc để hỗ trợ giải quyết ô nhiễm ở KCN lớn nhất của tỉnh Sóc Trăng; đồng thời bảo đảm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và môi sinh cho người dân địa phương.

Nguyễn Phong

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/khac-phuc-o-nhiem-tai-khu-cong-nghiep-an-nghiep-soc-trang--623637/