Khắc phục sạt lở cần có biện pháp căn cơ
Trong điều kiện khó khăn về kinh phí, các địa phương vận dụng linh hoạt nhiều giải pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi sạt lở sớm ổn định cuộc sống. Song, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, tỉnh Long An cần có giải pháp căn cơ, tránh tình trạng sạt lở lặp đi, lặp lại và có chiều hướng lan rộng, khó khắc phục.
Sạt lở diễn biến ngày càng phức tạp
Ông Nguyễn Văn Chiểu (ấp 1, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành) vẫn nhớ như in cái đêm cách đây hơn 1 tháng, nhà cửa, đồ đạc, đất đai đổ sập xuống sông Vàm Cỏ Tây. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là vụ sạt lở nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn xã Phước Tân Hưng.
Chỉ tay về mấy ngọn dừa nước đang nằm dưới lòng sông, cách xa đất liền vài chục mét - nơi từng là mái ấm của gia đình mình, ông Chiểu nghẹn ngào: “Nửa đêm, tôi nghe tiếng động lạ, chạy ra xem thì thấy ngôi nhà dần sụp đổ xuống sông. Tôi chỉ kịp kêu mọi người trong nhà chạy thoát thân, không kịp lấy tài sản gì hết. Đồ đạc, xe cộ đều rớt xuống sông, phải nhờ lực lượng chức năng đến hỗ trợ, trục vớt. Sống ở đây gần cả đời người, tôi chưa bao giờ nghĩ nơi mình ở lại bị sạt lở nghiêm trọng đến như vậy! Phải chi trước đây có dấu hiệu thì còn biết cách xoay trở, đằng này chỉ trong một đêm là mất hết tài sản, nhà cửa”.
Trên địa bàn xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành có 2 điểm sạt lở dọc sông Vàm Cỏ Tây, trong đó 1 điểm ở ấp 8, dài khoảng 800m, điểm còn lại ở ấp 1 thuộc nơi ở của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Chiểu, với chiều dài khoảng 1,2km. Được biết, vụ sạt lở tại khu vực nhà ông Chiểu làm thiệt hại khoảng 1 tỉ đồng, trong đó, tài sản, vật dụng khoảng 500 triệu đồng, sụp, lở khoảng 1.500m2/2.000m2, ước thiệt hại hơn 500 triệu đồng.
Năm 2019, tại ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, xảy ra sạt, lở, có 9 hộ bị ảnh hưởng. Do không được khắc phục kịp thời, đến nay, tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, có khoảng 35 hộ bị ảnh hưởng, trong đó 5 hộ thiệt hại 2/3 căn nhà, phải ở trọ. Thông tin từ UBND xã Lợi Bình Nhơn, hầu hết người dân bị ảnh hưởng sạt lở tại ấp Rạch Chanh chủ yếu làm công nhân, đời sống còn nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, người dân sống dọc tuyến sông Vàm Cỏ Tây thuộc ấp Rạch Chanh cũng mong muốn chính quyền địa phương sớm bố trí nơi ở để ổn định cuộc sống, không còn ám ảnh bởi nỗi lo sạt lở.
Bà Trần Thị Thao, ngụ ấp Rạch Chanh, bộc bạch: “Năm 2019, sạt lở làm thiệt hại gần nửa căn nhà. Thấy vậy, gia đình tôi dời tất cả đồ đạc lên phòng khách, vậy mà năm nay lại tiếp tục bị ảnh hưởng sạt lở. Hiện gia đình tôi có 7 nhân khẩu nhưng chỉ sống quanh quẩn trong phòng khách. Nhiều lúc cũng muốn dọn đi nơi khác sinh sống nhưng không có tiền mua đất cất nhà nên đành bấm bụng chịu đựng”.
Cần có giải pháp căn cơ
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh xảy ra 8 điểm sạt lở, gây hư hại 6 căn nhà, tổng diện tích đất bị thiệt hại khoảng 2.000m2. Nguyên nhân gây ra sạt lở do mực nước trong các tuyến kênh, rạch bị hạ quá thấp gây giảm phản áp; đất mềm yếu; chênh lệch cao độ giữa đáy kênh, bờ kênh lớn gây ra tình trạng trượt, sụp lún;... Còn sạt lở cặp bờ sông chủ yếu thuộc đoạn sông cong lõm, địa chất yếu kết hợp dòng chảy tác động trực tiếp, xuất hiện hàm ếch gây sạt lở, làm sụp nền đất bên trên.
Ngay sau khi các vụ sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương cử lực các lượng đến hỗ trợ những hộ gia đình; đồng thời, hỗ trợ kinh phí theo quy định, vận động quà từ mạnh thường quân, nhà hảo tâm giúp người dân giảm bớt khó khăn.
Chủ tịch UBND xã Lợi Bình Nhơn - Trần Văn Khiêm cho biết: “Hiện có 5 hộ trong vùng sạt lở phải ở nhà trọ, UBND xã kiến nghị chủ đầu tư xây dựng bờ kè ấp Rạch Chanh hỗ trợ 6 tháng tiền thuê trọ cho những hộ dân này. Ngoài ra, xã còn cử cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nắm tình hình khó khăn của các hộ dân để kịp thời hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau"”.
Sự giúp đỡ của chính quyền địa phương chỉ là giải pháp tạm thời. Để ổn định cuộc sống lâu dài cho người dân, cần phải có giải pháp căn cơ, trong đó việc bố trí nguồn vốn để xây dựng các bờ kè, công trình chống sạt lở là biện pháp hữu hiệu. Thông tin từ Ban Quản lý dự án Nông nghiệp (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2020, từ nguồn vốn Trung ương, địa phương, tỉnh đã xây dựng nhiều công trình chống sạt lở như kè chống xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu ven sông Vàm Cỏ Tây (TP.Tân An); kè kênh Nước Mặn (phía bờ Đông, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước); xử lý sạt lở sông Cần Giuộc (huyện Cần Giuộc); kè thị trấn Đông Thành (huyện Đức Huệ); kè chống sạt lở sông Vàm Cỏ Tây (xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An);...
Riêng năm 2021, Trung ương sẽ phân bổ vốn đầu tư các công trình như xử lý sạt lở, bảo vệ Di tích lịch sử Miễu Ông Bần Quỳ (xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ); kè chống sạt lở bờ sông Vàm Cỏ Tây (đoạn từ chợ cá phường 2 đến cầu mới Tân An); chống sạt lở ven sông Vàm Cỏ Tây (khu vực Vịnh Đá Hàn, xã Hướng Thọ Phú, TP.Tân An);… Tuy nhiên, nguồn kinh phí được phân bổ vẫn chưa đủ so với tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh hiện nay; cần phải bố trí nguồn vốn khẩn cấp mới chặn đứng được tình trạng sạt lở đang có nguy cơ lan ra diện rộng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi - Võ Kim Thuần, ngoài đề nghị bố trí nguồn vốn xây dựng, khắc phục kịp thời các điểm sạt lở, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện chỉ đạo, phối hợp Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã sử dụng nguồn ngân sách dự phòng địa phương hoặc huy động từ các nguồn hợp pháp (nếu có) khoanh vùng sạt lở nguy hiểm, cắm biển cảnh báo sạt lở để người và phương tiện không đi vào những khu vực này, bảo đảm an toàn cho tài sản và tính mạng của người dân; tổ chức kiểm tra, theo dõi thường xuyên diễn biến khu vực đã xảy ra sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở cao để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Song song đó, địa phương phải tổ chức di dời ngay người dân đến khu vực an toàn nếu sạt lở tiếp tục xảy ra, có thể đe dọa đến nơi ở của người dân. Khi xảy ra thiên tai, UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo nhanh tình hình thiệt hại và báo cáo theo mẫu Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT, ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra. UBND các huyện, thị xã và thành phố nghiên cứu thực hiện theo Điều 9, Điều 10 của Quyết định 53/2020/QĐ-UBND, ngày 21/12/2020 của UBND tỉnh về việc Quy chế tổ chức, hoạt động, nội dung chi, mức chi và quản lý, sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai tỉnh. Mọi sự cố sạt lở xảy ra phải báo cáo ngay về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy tỉnh để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Ban Chỉ huy, UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo xử lý./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khac-phuc-sat-lo-can-co-bien-phap-can-co-a119138.html