Khắc phục sự cố vụ cháy Công ty Rạng Đông: Hà Nội chịu trách nhiệm cao nhất
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thành phố luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm trong việc xử lý vụ cháy Công ty Rạng Đông.
Hé lộ nguyên nhân ban đầu vụ cháy Công ty Rạng Đông
Chiều 5/9, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan, đại diện chính quyền quận, phường... về xử lý vụ cháy Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Tại cuộc họp, thượng tá Nguyễn Xuân Trường, Phó trưởng phòng PC02 Công an Hà Nội, ngay sau khi xảy ra vụ cháy đã tiếp nhận hiện trường, rà soát, ghi lời khai nhân chứng (15 công nhân, 7 bảo vệ), tổ chức điều tra theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Công an TP Hà Nội đã phối hợp chuyên gia hình sự của Bộ Công an khám nghiệm hiện trường, giám định nguyên nhân gây ra vụ cháy Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, xác định nơi xảy cháy có tổng diện tích 6.000m2.
“Do điều kiện kho chứa hàng nóng, các kết cấu lỏng lẻo rất dễ gây nguy hiểm nên sau vụ cháy, lực lượng chức năng chưa thể khám nghiệm ngay. Bắt đầu từ hôm qua, lực lượng chức năng mới khám nghiệm được, đến 11h trưa nay mới xong”, Thượng tá Nguyễn Xuân Trường cho biết.
Thượng tá Trường cho biết, đám cháy xuất phát từ tầng 3 khu sản xuất bóng đèn huỳnh quang, compact sau đó lan ra kho xưởng khác và xung quanh ngõ 342 Khương Đình.
Kho chứa hàng có kết cấu gồm 3 tầng, tầng 1 là dây chuyền dập đầu đèn và dây dẫn có diện tích 100m2, tầng 2 và tầng 3 có kết cấu khung thép, mái tôn và vách được ngăn bằng tôn. Phía trên mái có các lớp xốp cách nhiệt và sàn được trải bằng các tấm thép có kích thước 1×1,2m, mặt sàn của tầng 2 và tầng 3 có diện tích khoảng 100m2 có chứa thành phẩm của đèn compact.
Thiệt hại tài sản theo Công ty Rạng Đông báo cáo bước đầu vào khoảng 150 tỷ đồng.
Công an đang tiếp tục đánh giá hiện trường, xác định nguyên nhân cháy, xác định thiệt hại về tài sản đối với các hộ dân gần kề. Kết quả khám nghiệm hiện trường bước đầu cho thấy, tại Công ty có 5 tủ bảo quản lạnh có chứa thùng xốp, theo báo cáo của công ty Rạng Đông đây là các lọ đựng amalgam (hóa chất phục vụ sản xuất) vẫn nguyên vẹn.
"Bước đầu phát hiện 1 bóng đèn compact bật 24/24h, dù cầu dao dập nhưng không bao giờ bị tắt, có khả năng bóng đèn chập cháy, rơi xuống bên dưới toàn bộ hộp các tông. Đây mới là bước đầu nhận định, chúng tôi chưa đưa ra nguyên nhân cháy", Thượng tá Trường cho biết và nói thêm đây chưa phải kết luận cuối cùng.
Kho hóa chất khoảng 34,3kg thủy ngân chưa bị hư hỏng do hỏa hoạn
Tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông Trần Trung Tưởng cho biết, khu vực cháy là nơi sản xuất những sản phẩm truyền thống nhưng hiện nay người tiêu dùng bắt đầu không sử dụng gôm đèn huỳnh quang, đèn tròn, đèn compact.
Kho hóa chất nằm trong khu vực cháy, có khoảng 4,5 triệu viên hóa chất (22% thủy ngân), khoảng 34,3kg thủy ngân, chưa bị hư hỏng do hỏa hoạn.
Ông Tưởng cho biết sáng 29/8, đơn vị đã báo cáo sơ bộ với Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân về số lượng sản phẩm cháy trong kho. Thời điểm đó, theo sổ sách có 2 triệu đèn tròn, 1,6 triệu đèn compact (có chứa amalgam) và 480 triệu đèn huỳnh quang bị cháy.
Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho hay, sau vụ cháy, cơ quan CSĐT đã niêm phong toàn bộ kho hóa chất. Ngày 4/9, Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT, mới có kiểm tra và mở kho hóa chất.
Kết quả kiểm tra cho thấy toàn bộ 3 tủ bảo ôn đựng 2 loại thủy ngân lỏng và amalgam đều còn nguyên vẹn, không bị hư hỏng. Căn cứ theo số lượng đang nằm trong khu vực đám cháy, nếu quy ra hàm lượng thủy ngân trong khoảng 15,1-15,6 kg bị cháy. Trong khi đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam quy ra khoảng 27kg. Sau đó, Bộ TN&MT có báo cáo lượng thủy ngân bị cháy là 15,1-27 kg.
Lãnh đạo Công ty Rạng Đông đưa ra 5 biện pháp khắc phục sự cố gồm: Lắp tấm lưới mịn gom nước chảy ra cống; xây khoanh toàn bộ khu vực cháy không cho nước mặt thoát ra ngoài; che phủ bạt toàn bộ khu vực phía tiếp giáp khu dân cư; thuê doanh nghiệp môi trường hút trầm tích, rác thải cống rãnh khu vực cháy; lắp hệ thống phun sương để hạn chế hơi khuếch tán.
Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, sau vụ cháy, việc đơn vị "bắt lại" các tàn dư còn lại trong môi trường so với quy chuẩn Việt Nam và các đơn vị quan trắc khác đều không vượt. Bên cạnh đó, việc đánh giá hấp thụ thủy ngân trong môi trường không khí chỉ có trung tâm thực hiện. Trung tâm hiện có 10 thiết bị (bẫy) để thu được hơi thủy ngân. Thiết bị quan trắc này phải đặt ở hiện trường 24 giờ mới thu đủ mẫu.
Đồng thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường khẳng định không phải di dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng của vụ cháy. Tuy nhiên, kết quả quan trắc tại nhà xưởng Công ty Rạng Đông cho thấy thủy ngân cũng đã phát tán ra môi trường và nằm trong ngưỡng Tổ chức y tế thế giới cảnh báo có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền dự kiến bố trí 5 đoàn khám bệnh cho cư dân gần khu vực cháy. Đại diện Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần xem xét, làm rõ mức độ ô nhiễm thủy ngân, nếu có.
Nguyên nhân vụ cháy không có yếu tố phá hoại
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, có thể sơ bộ nhận định nguyên nhân cháy là do quá trình quản lý bảo quản nguyên vật liệu, sản phẩm trong nhà máy, không phải do phá hoại.
“Thống kê sơ bộ cho thấy, có các sản phẩm bị cháy sử dụng nguyên liệu thủy ngân (15,1kg đến 15,6kg), các nguyên liệu chưa sử dụng vẫn được bảo quản nguyên vẹn. Số hóa chất bị cháy có thể gây độc hại”, ông Chung nói.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung giao Công an thành phố khẩn trương trưng cầu các cơ quan giám định sớm kết luận nguyên nhân xảy ra vụ cháy; chỉ đạo cơ quan điều tra thu thập tài liệu liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ hóa chất, quy trình bảo quản, tiêu chuẩn sử dụng trong sản xuất; xác định chính xác số thủy ngân trong sản phẩm đã bị cháy để công bố công khai, minh bạch.
Để giải quyết những vấn đề còn khác nhau về hàm lượng thủy ngân lỏng và amalgam phát tán ra môi trường, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị Công an Thành phố không xử lý vấn đề theo hướng hành chính, phải chính thức ra quyết định trưng cầu cơ quan chuyên môn của bộ, ngành. Đặc biệt, ông yêu cầu Công an Thành phố trưng cầu cơ quan độc lập để đưa ra kết quả chính xác nhất.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan trắc không khí, chất lượng đất, nước mặt để xác định ô nhiễm, công khai minh bạch tới nhân dân và cơ quan thông tin đại chúng.
UBND TP Hà Nội cũng giao Sở Y tế phối hợp với UBND quận Thanh Xuân triển khai ngay các đoàn bác sĩ ứng trực, phục vụ thăm khám cho người dân quanh khu vực xảy ra hỏa hoạn có nhu cầu kiểm tra sức khỏe tại phường. Đồng thời giao UBND quận Thanh Xuân và 2 phường Thanh Xuân Trung, Hạ Đình tiếp tục tuyên truyền với nhân dân về việc thành phố luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm trong việc xử lý vụ việc.
Ông Nguyễn Đức Chung cũng đề nghị Công ty Rạng Đông cử đại diện thăm hỏi, động viên, cảm ơn chính quyền và nhân dân địa phương; huy động cán bộ chuyên môn cung cấp tư liệu cho cơ quan điều tra để xác định rõ nguồn gốc, số lượng hóa chất đã nhập, quy trình bảo quản; chịu trách nhiệm mời các cơ quan chuyên môn xử lý ô nhiễm trong khu vực nhà máy và xung quanh. Đồng thời, nhắc đến việc cần có phương án di dời nhà xưởng ra khỏi địa bàn dân cư.
Cùng với đó, đề nghị các cấp, ngành của Trung ương và Hà Nội có sự phối hợp, thống nhất trong thực hiện các nhiệm vụ chung, tránh gây hiểu lầm, phản cảm. Để tránh gây hiểu lầm, cơ quan chức năng, chuyên môn cần nghiên cứu, thống nhất các quy chuẩn, tiêu chuẩn để có khuyến cáo phù hợp. Thành phố cũng cần rà soát lại các cơ sở sản xuất có sử dụng hóa chất, yêu cầu hoàn thiện cơ sở kỹ thuật trong bảo quản, sử dụng đúng quy chuẩn.