Khắc phục tác động tiêu cực của nhà kính tại Đà Lạt
TP Đà Lạt (Lâm Đồng) là địa phương có diện tích nhà kính trong sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước. Bên cạnh những lợi ích to lớn, nhà kính đã và đang là tác nhân gây ra nhiều hệ lụy về khí hậu, môi trường, cảnh quan cho thành phố vốn nổi tiếng xinh đẹp và thơ mộng này.
Nhà kính trong sản xuất nông nghiệp bắt đầu xuất hiện tại TP Đà Lạt vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước cùng với làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC). Do hiệu quả kinh tế vượt trội, phong trào xây dựng nhà kính tại địa phương không ngừng mở rộng, đặc biệt trong khoảng 7 năm trở lại đây. Theo con số thống kê mới nhất, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có khoảng 4.500ha nhà kính, trong đó, TP Đà Lạt có 2.800ha, chiếm 60% diện tích. Đây cũng chính là “xương sống” của ngành NNCNC tại Lâm Đồng.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, ngụ tại tổ dân phố Hòn Bồ, phường 12, một nông dân có nhiều kinh nghiệm trong trồng rau và hoa cho biết: “So với phương pháp canh tác truyền thống thì canh tác trong nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Nhà kính cùng với các công nghệ ứng dụng đồng bộ khác, như: Điều khiển tự động, hệ thống tưới, thông gió, chiếu sáng… giúp năng suất rau, hoa tăng 2-3 lần, giá trị nông sản tăng 3-4 lần so với trồng ở ngoài trời”.
Là cán bộ đã có thời gian dài gắn bó với ngành nông nghiệp, từng là Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, có nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực NNCNC, Tiến sĩ Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định: “Công nghệ nhà kính cùng với các công nghệ ứng dụng hiện đại tạo nên bước tiến nhảy vọt về nông nghiệp, đưa Lâm Đồng trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực NNCNC. Không chỉ nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng nông sản, nhà kính còn giúp chi phí lao động giảm nhiều do kiểm soát được cỏ dại, giảm nhân công lao động, góp phần hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản. Nhà kính tạo tiểu khí hậu phù hợp với yêu cầu sinh thái cây trồng, cho năng suất cao, chất lượng tốt, giảm chi phí vật tư nông nghiệp, tiết kiệm nước tưới, quản lý tốt sâu bệnh hại, kiểm soát phân bón và thuốc bảo vệ thực vật…”.
Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty Đà Lạt GAP nêu ví dụ: "So với phương pháp canh tác ngoài trời thì canh tác trong nhà kính giúp giảm lượng phân bón 50%, thuốc bảo vệ thực vật 70-80%, lượng nước tới 50%, hạn chế thấp tác động không thuận lợi của thời tiết, đặc biệt là thiên tai, như: Mưa đá, hạn hán, dông lốc… doanh thu nhà kính mỗi năm đạt khoảng 3,6 tỷ đồng/ha, trong khi trồng ngoài trời chỉ đạt khoảng 800 triệu đồng/ha".
Cùng với nhiều công nghệ ứng dụng hiện đại, nhà kính góp phần đưa nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, giúp sản lượng nông sản xuất khẩu tăng khoảng 20%/năm, hình thành tầng lớp doanh nghiệp và nông dân “cổ cồn” với thu nhập lên tới hàng tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, như mặt trái của tấm huy chương, nhà kính đã và đang tạo nên những hệ lụy không nhỏ. Là đô thị đặc thù trong hệ thống các đô thị Việt Nam, Đà Lạt từ lâu được biết tới là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng, chứa đựng di sản kiến trúc quý báu cùng điều kiện khí hậu lý tưởng, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng. Những năm qua, do sự phát triển của nhà kính theo phương thức tự phát, thiếu kiểm soát đã và đang đe dọa nghiêm trọng tới cảnh quan, môi trường, khí hậu Đà Lạt.
Tác động tiêu cực đầu tiên của nhà kính đối với Đà Lạt chính là làm biến mất những mảng xanh bởi nhà kính hiện hầu như che phủ toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của địa phương, khiến không gian đô thị Đà Lạt trở nên phẳng lỳ, dàn trải, đơn điệu, mất hết thiên nhiên, làm ô nhiễm thị giác, ô nhiễm ánh sáng (vì nhà kính thắp đèn vào ban đêm).
Theo kết quả quan trắc của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lâm Đồng, nhà kính làm khí hậu trung bình của Đà Lạt hằng năm tăng lên, nhiệt độ ở những khu nhà kính thường cao hơn 3-5⁰C so với những khu vực khác trong cùng điều kiện thời tiết. Nhà kính dày đặc đã hạn chế khả năng thấm xuống đất của nước mưa, dẫn tới nguy cơ làm cạn mực nước ngầm, làm tập trung dòng chảy vào mùa mưa, gây nên tình trạng ngập úng, lũ lụt, xói lở đất, ô nhiễm môi trường…
Tại Hội thảo “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất NNCNC và tác động của nhà màng, nhà kính đối với cảnh quan, môi trường Đà Lạt”, các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất cho rằng, vấn đề cấp thiết hiện nay là phải quy hoạch lại diện tích nhà kính tại Đà Lạt, khắc phục ngay tình trạng phát triển nhà kính tràn lan, thiếu kiểm soát, thiếu tiêu chuẩn như thời gian qua. Theo Tiến sĩ Phạm S, thời gian tới, địa phương chỉ phát triển nhà kính bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo vùng quy hoạch, không để tình trạng nhà kính mọc tràn lan, tự phát, “len” vào các khu dân cư, các khu vực di sản kiến trúc và danh lam thắng cảnh. Với các loại cây trồng không mẫn cảm với thời tiết thì không nhất thiết đưa vào nhà kính. Tăng cường công tác trồng và bảo vệ rừng, khuyến khích nhân rộng mô hình nông nghiệp “không nhà kính”, thân thiện với môi trường.
Kiến trúc sư Trần Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Lâm Đồng cho rằng, địa phương cần nghiên cứu, ban hành quy định mức thu phí đối với nhà kính như là một loại phí môi trường để tái đầu tư vào công tác bảo vệ môi trường, ban hành các quy định cụ thể để quản lý xây dựng nhà kính, hạn chế mật độ xây dựng nhà kính trên đất nông nghiệp trong thành phố, có thể ấn định mật độ tối đa 50-60%, cần xác định những khu vực đất nông nghiệp có thể ảnh hưởng tới tầm nhìn khi được nhìn thấy từ các điểm nhìn chính trong thành phố, những khu vực này không khuyến khích làm nhà kính, không cho phép xây dựng nhà kính trong các khu dân cư. “Cần giữ gìn hình ảnh rõ ràng của các thung lũng xanh, hướng đến sự chuyển đổi dần nền nông nghiệp công nghiệp sang nền nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị, giữ cho Đà Lạt trở về đúng nghĩa là thành phố du lịch, đô thị cảnh quan, thành phố trong rừng và rừng trong thành phố như định hướng xây dựng Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, kiến trúc sư Trần Văn Việt chia sẻ.