Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Chấm dứt đánh bắt bất hợp pháp vùng biển nước ngoài
Bến Tre đang triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, tỉnh Bến Tre đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát, hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Bùi Văn Lâm, đơn vị đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, các sở, ngành có liên quan, chính quyền các cấp, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình truyền thông chống đánh bắt bất hợp pháp.
Cụ thể như: phổ biến thông tin qua hệ thống truyền thanh và truyền hình; phát tờ rơi; xây dựng pano, áp phích; tổ chức tập huấn, hội thảo chuyên đề; họp dân phổ biến thông tin trực tiếp, tuyên truyền đúng đối tượng là chủ tàu, thuyền viên trên tàu khai thác thủy sản; buộc ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài trong khai thác thủy sản…
Ngoài tuyên truyền, tỉnh Bến Tre còn tập trung thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát trên tàu cá theo quy định và tổ chức giám sát tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát. Tính từ 1/6/2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh, nhóm tàu lớn có chiều dài từ 24 m trở lên đã có 410 tàu lắp đặt thiết bị giám sát.
Hiện nay, các sở, ngành có liên quan đang triển khai lắp đặt giai đoạn 2 cho nhóm tàu lưới kéo có chiều dài từ 15 m trở lên.
Ngoài ra, lực lượng thanh tra chuyên ngành thủy sản phối hợp với lực lượng biên phòng đang quyết liệt thực hiện kiểm soát tàu cá tại các cửa biển, yêu cầu chủ tàu phái lắp đặt thiết bị theo quy định.
Để giám sát hoạt động tàu cá, tỉnh đã lắp đặt 2 hệ thống thiết bị giám sát đặt tại Chi cục Thủy sản và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng.
Bước đầu vận hành hệ thống giám sát đã cho thấy hiệu quả rất tốt trong kiểm soát tàu hoạt động trên biển.
Từ ngày 1/6/2019 đến nay, thông qua hệ thống giám sát này đã phát hiện và cảnh báo 8 lượt tàu khai thác vượt ra khỏi ranh giới vùng biển Việt Nam và yêu cầu chủ tàu, thuyền trưởng điều động tàu quay về vùng biển an toàn.
Theo ông Bùi Văn Lâm, để phát huy hiệu quả của hoạt động giám sát tàu cá trên biển, thời gian tới, bên cạnh việc quyết liệt kiểm soát tàu cá hoàn thành lắp đặt thiết bị, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng quy chế tổ chức, hoạt động giám sát tàu cá và quy chế phối hợp xử lý thông tin tàu cá vi phạm ranh giới trên biển phát hiện qua hệ thống giám sát.
Tỉnh Bến Tre còn tổ chức thực hiện tốt hoạt động phối hợp giữa 8 tỉnh ven biển khu vực phía Nam trong quản lý tàu cá khai thác thủy sản trên biển.
Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Bùi Văn Lâm cho hay, Bến Tre có hơn 350 tàu cá đánh bắt xa bờ hoạt động khai thác và về bến ở Sông Đốc tỉnh Cà Mau. Đội tàu này có đặc điểm hoạt động đánh bắt tập trung ở vùng giáp ranh các nước trong khu vực.
Đặc biệt, từ trước đến nay, hơn 95% tàu cá của tỉnh bị nước ngoài bắt giữ đều xuất phát từ đội tàu này.
Thông qua công tác phối hợp với tỉnh Cà Mau, tàu cá của của tỉnh hoạt động khai thác ở tỉnh bạn sẽ được kiểm soát, đảm bảo tuân thủ nghiêm túc các quy định trong quản lý khai thác thủy sản trên biển, nhất là công tác tuyên tuyền, giáo dục về chống đánh bắt bất hợp pháp và kiểm soát việc tuân thủ quy định lắp đạt thiết bị giám sát trên tàu.
Về lâu dài, tỉnh Bến Tre khuyến khích ngư dân chuyển đổi nghề, điều chỉnh giảm dần tỷ trọng tàu cá nghề lưới kéo trong cơ cấu nghề khai thác của tỉnh. Hiện nay, tàu lưới kéo của tỉnh chiếm tỷ trọng 69,4%.
Đáng chú ý, lưới kéo là nghề có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản và tàn phá môi trường rất lớn, thuộc nghề hạn chế phát triển. Từ năm 2015, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấm đóng mới tàu lưới kéo.
Tại tỉnh Bến Tre, đối tượng khai thác vi phạm vùng biến nước ngoài đều là tàu lưới kéo. Do vậy, kéo giảm tàu lưới kéo cũng là giải pháp hạn chế tàu khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài.
Hiện Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đang tích cực xây dựng đề án chuyển đổi nghề, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2020 và bắt đầu triển khai thực hiện chuyển đổi nghề từ năm 2021.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, tỉnh đang tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện cảng cá Bình Đại, xây mới cảng cá Ba Tri; đồng thời, rà soát, sắp xếp lại hệ thống nậu, vựa, cơ sở đóng sửa tàu, các dịch vụ hậu cần cung cấp dầu, nước đá, nhất là kêu gọi đầu tư chế biến các sản phẩm thủy sản khai thác làm tăng giá trị sản phẩm.
Bởi lẽ, cơ sở dịch vụ hậu cần tốt sẽ thu hút được tàu cá của tỉnh về lên cá, vừa góp phần phát triển kinh tế của tỉnh vừa kiểm soát, quản lý trực tiếp được đội tàu đánh bắt xa bờ, góp phần hạn chế tình trạng khai thác vi phạm vùng biến nước ngoài.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, với 65 km bờ biển, Bến Tre có thế mạnh về thủy sản, đặc biệt là khai thác thủy sản.
Hoạt động khai thác thủy sản thu hút 20.000 lao động sản xuất trực tiếp trên biển và hàng nghìn lao động trong các hoạt động dịch vụ trên bờ phục vụ hoạt động khai thác và chế biến thủy sản, đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh./.