Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Dùng biện pháp mạnh để giải quyết dứt điểm các tồn tại
Khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế, kịp thời ngăn chặn và chấm dứt tình trạng khai thác IUU.
Đây là mục tiêu của tỉnh Thanh Hóa đợt cao điểm từ nay tới hết tháng 3 để góp phần cùng cả nước sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Tập trung kiểm soát tàu cá
Tại các địa phương ven biển ở Thanh Hóa, quản lý, giám sát đội tàu cá được siết chặt hơn trước. Trước và sau mỗi chuyến biển, lực lượng chức năng và cán bộ phụ trách tại các xã ven biển đã đến từng hộ, từng chủ tàu cá để tuyên truyền, vận động, răn đe, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp có dấu hiệu đưa tàu/ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Đồng thời, kiểm tra, nhắc nhở chủ tàu cá, thuyền trưởng duy trì tín hiệu kết nối trên biển cũng như hiểu rõ những tác hại, hệ lụy khi đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài, từ đó nâng cao ý thức chấp hành khi hoạt động trên biển.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản thành lập 3 tổ công tác trực tiếp xuống cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Biên phòng, đến từng hộ dân vận động ngư dân chấp hành việc khai thác thủy sản theo luật định, đồng thời hỗ trợ người dân thực hiện đăng kiểm tàu cá.
Cùng với đó, phối hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm nhóm tàu “3 không”, "2 không", "1 không", cũng như xác minh, xử lý dứt điểm tàu cá vi phạm ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình (VMS), vượt ranh giới cho phép trên biển.
Lực lượng Kiểm ngư, Ban Quản lý các cảng cá, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá tại các cảng cá phối hợp lực lượng Biên phòng vùng biển kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến, tàu cá ra vào cảng, tàu cá hoạt động trên biển theo đúng quy định, xử lý nghiêm, triệt để theo quy định tàu cá “3 không”, tàu cá không đủ điều kiện tham gia khai thác thủy sản.
Rốt ráo là vậy nhưng theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh này hiện vẫn còn 359 tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển kéo dài hơn 10 ngày; 697 tàu cá vừa thiếu thủ tục giấy tờ, vừa mất kết nối thiết bị giám sát hành trình hơn 6 tháng. Đáng lưu ý, hiện Thanh Hóa có 70 tàu "3 không" (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm).
Là tàu “3 không”, tàu cá TH 91391 TS của ông Phạm Gia Sơn (khu phố Toàn Thắng, phường Quảng Tiến, Thành phố Sầm Sơn) đã nằm bờ từ tháng 11/2023 tới nay. Ông Sơn cho biết, cách đây 3 tháng ông mua lại tàu vỏ gỗ 14,5m ở tỉnh bạn, nhưng tàu không có giấy chứng nhận xuất xưởng do cơ sở đóng tàu đủ điều kiện cấp, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc…
Do đó, tàu cá của ông hiện hết hạn giấy phép khai thác, không có đăng ký đăng kiểm và chưa lắp thiết bị giám sát hành trình. Ông Phạm Gia Sơn cho biết đang liên hệ với cơ quan chức năng hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ liên quan để xóa “tàu 3 không”, chứ để tàu nằm bờ ngày nào là sốt ruột ngày ấy!
Tương tự, tàu cá của gia đình anh Lê Văn Chiến (phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn) cũng thuộc diện “3 không”. Tàu của anh Chiến cũng mua lại từ tỉnh ngoài nhưng không làm thủ tục sang tên, đăng ký, đăng kiểm lại tàu cá.
Bên cạnh đó, tàu của anh Chiến là tàu vỏ gỗ, trước đây làm nghề kéo giã nhưng vì nghề này đang bị siết chặt quản lý nên anh Chiến đã tự chuyển sang nghề câu. Tuy nhiên, do chưa cải hoán tàu cá nên khi có thông báo không được phép ra khơi đánh bắt, chủ tàu mới tìm đến cơ quan chức năng để tìm hiểu và xin hỗ trợ thực hiện đăng ký, đăng kiểm, xin giấy phép khai thác.
Anh Lê Văn Chiến (phường Hải Bình, thị xã Nghi Sơn) chia sẻ, do thiếu hiểu biết nên đã không tuân thủ đúng quy định nên mong các cấp, các ngành tạo điều kiện, hỗ trợ việc đăng ký lại tàu cá, cũng như cải hoán tàu để tàu được ra khơi đánh bắt.
Theo đại diện Ban quản lý Cảng cá Thanh Hóa, từ đầu năm 2024 đến nay, hầu hết các chủ phương tiện tàu thuyền các cảng cá đã tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật khi đánh bắt thủy sản trên biển. Tàu cá ra vào cảng đều được kiểm soát chặt chẽ, khi tàu đầy đủ các thủ tục giấy tờ, đủ điều kiện mới cho xuất bến đi đánh bắt.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều chủ tàu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang rất chật vật để lo trang trải chi phí ra khơi. Giá xăng, dầu từ Tết Nguyên đán 2024 đến nay vẫn neo ở mức cao, cộng thêm việc giá cả các mặt hàng khác như lương thực, thực phẩm cũng tăng theo giá dầu, chưa kể nguồn lao động đi biển ngày càng thu hẹp…
Quyết liệt chống khai thác IUU
Bên cạnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ ngư dân ra khơi khai thác đánh bắt thủy sản hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Hiện Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa) đang phối hợp với các địa phương ven biển rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của tỉnh, hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định.
Ông Lê Văn Sáng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Thanh Hóa cho biết, ngành thủy sản Thanh Hóa đang tổ chức đợt cao điểm ra quân, phối hợp tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định. Ngành thủy sản tỉnh kêu gọi bà con ngư dân, nhất là chủ tàu, thuyền trưởng nghiêm túc thực hiện Công điện về việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Trong cuộc họp mới đây về IUU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang khẳng định, thời gian qua tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt việc triển khai thực hiện nhiều biện pháp, giải pháp nhằm quản lý, kiểm soát tàu cá, thủy sản khai thác, như hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác, cấp giấy chứng nhận, cam kết an toàn thực phẩm, cập nhật dữ liệu trên Vnfishbase; mở các đợt cao điểm tuần tra, xử lý, thu giữ, cấm lưu hành đối với tất cả các tàu cá vi phạm.
Hiện UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 28/3/2024. Nếu để xảy ra tình trạng tàu cá trên địa bàn tỉnh ra khơi không đảm bảo quy định, ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC, tỉnh Thanh Hóa sẽ kiểm điểm, xử lý tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm.
Thanh Hóa hiện có 5.993 tàu cá khai thác thủy sản; trong đó có 4.163 chiếc khai thác ven bờ, 716 chiếc vùng lộng và 1.114 chiếc khai thác vùng khơi. Toàn tỉnh có 2.715 tàu cá thuộc diện phải đăng ký đã nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia Vnfishbase (100%); 1.114 tàu khai thác lắp thiết bị giám sát hành trình(100%); 100% chủ tàu thuyền ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài…
Trong năm 2023, lực lượng chức năng ở Thanh Hóa đã xử phạt hành chính 61 triệu đồng đối với 10 trường hợp tàu mất kết nối VMS dài ngày khi đi đánh bắt thủy sản và 92 vụ vi phạm Luật Thủy sản với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Hai tháng đầu năm 2024, tại 3 cảng cá chỉ định của tỉnh có 136 lượt tàu rời cảng, 152 lượt tàu cập cảng. Tổng sản lượng thủy sản qua cảng đạt trên 769 tấn.
Với những biện pháp mạnh, Thanh Hóa sẽ sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại về khai thác IUU, góp phần cùng với các địa phương ven biển khác sớm gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng”.