Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Kiểm soát chặt cảng cá và hoạt động khai thác trên biển
Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư, việc quản lý đội tàu tại các địa phương hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu pháp luật Việt Nam và khuyến nghị của EC.

Các thành viên trong tổ hợp tác Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, hỗ trợ nhau bốc dỡ hải sản sau phiên biển. Ảnh minh họa: Đinh Hương - TTXVN
Thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC), chứng minh nỗ lực, kết quả chống khai thác IUU của Việt Nam trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), lực lượng chức năng tại địa phương đã nghiêm túc, nỗ lực kiểm soát chạt chẽ tàu cá ra vào cảng, xuất nhập bến, giám sát và quản lý hoạt động trên biển.
Ngư dân Nguyễn Thanh Hiền, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận, chủ tàu cá NT 91334 TS chia sẻ: "Tàu cá của gia đình đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình ngay từ khi mới mua tàu, việc lắp đặt này là bắt buộc theo Luật Thủy sản. Khi ra vào cảng, chúng tôi phải bật thiết bị giám sát hành trình liên tục. Nếu thiết bị mất tín hiệu trong thời gian dài sẽ bị phạt rất nặng. Ngoài ra, nếu không có thiết bị này, tàu cá sẽ không được phép cập cảng ở các tỉnh khác. Trong trường hợp thiết bị mất tín hiệu tạm thời, chúng tôi phải báo ngay cho công ty cung cấp thiết bị để kiểm tra và khắc phục, đảm bảo kết nối liên tục”.
Để quản lý chặt chẽ đội tàu cá, Ninh Thuận cũng như 27 tỉnh thành ven biển đã chỉ đạo các địa phương và cơ quan chuyên môn phối hợp thực hiện tổng rà soát số lượng tàu cá đã đăng ký trên địa bàn. Theo Cục Thủy sản và Kiểm ngư, việc quản lý đội tàu tại các địa phương hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu pháp luật Việt Nam và khuyến nghị của EC. Cả nước đã thống kê, rà soát và cập nhật thông tin tàu cá vào cơ sở dữ liệu quốc gia (VNFishbase).
Việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá đối với tàu cá đã có tiến bộ. Với các tàu cá không đủ điều kiện hoạt động (chưa đăng ký, chưa đăng kiểm, chưa được cấp giấy phép khai thác, chưa lắp thiết bị giám sát hành trình -–MS) đã được các địa phương đã thống kê, lập danh sách và giao các tổ chức, cá nhân quản lý, giám sát để đảm bảo không đi hoạt động.
Việc xử lý tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép) đến nay đã cơ bản hoàn thành. Tại Kiên Giang, 100% tàu cá thuộc diện này đã hoàn tất đăng ký. Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Kiên Giang, nhấn mạnh rằng việc xử lý triệt để tàu cá "3 không" giúp giảm thiểu rủi ro tai nạn trên biển, nâng cao hiệu quả khai thác và ngăn chặn khai thác bất hợp pháp.
Cục Thủy sản và Kiểm ngư cho biết, đơn vị đã tổ chức trực ban 24/7 để theo dõi, giám sát hành trình tàu cá trên biển đối với các tàu cá, nhất là các tàu có chiều dài từ 24m trở lên để kịp thời phát hiện các tàu cá vi phạm quy định VMS (vượt ranh giới cho phép khai thác, mất kết nối VMS) và thông báo đến các cơ quan chức năng để điều tra, xác minh thông tin và xử lý vi phạm theo quy định.
Tại địa phương, việc quản lý, giám sát tàu cá có chiều dài từ 15 – 24 m trên hệ thống VMS cũng đã được thực hiện, tổ chức trực ban để theo dõi, giám sát, kịp thời phát hiện các tàu cá vi phạm quy định VMS và thông báo đến các cơ quan chức năng điều tra, xác minh thông tin và xử lý vi phạm.
Các địa phương đã lập và cập nhật hàng tuần danh sách tàu cá vi phạm khai thác IUU, tàu cá nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU lên cơ sở dữ liệu VMS để các cơ quan chức năng đối chiếu, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tất cả các cảng cá (bao gồm cảng cá tư nhân) đã được công bố mở đều phải tổ chức triển khai thực hiện việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản, xử lý vi phạm khai thác IUU (nếu có) theo quy định.
Tại các cảng cá, các địa phương đều đã bố trí các lực lượng chức năng (Ban quản lý cảng cá, Chi cục Thủy sản, Thanh tra, Bộ đội biên phòng) để thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ xuất, nhập cảng của tàu cá, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật và các cảng cá thực hiện giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng theo quy định. Việc kiểm soát tàu cá ra vào, xuất nhập bến và hoạt động trên biển đã có nhiều tiến bộ.
Đại tá Hoàng Văn Mẫn, Chính ủy Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Quảng Nam cho biết, ngay trong tháng đầu năm 2025, các đơn vị tuyến biển đã hoàn thiện việc lập hồ sơ, sổ đăng ký, sổ quản lý, sổ thống kê đối với lao động nghề cá và phương tiện tàu thuyền trong toàn tỉnh. Đơn vị phối hợp với Chi cục Thủy sản và cơ quan chức năng của địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động tại các cửa biển, vùng biển ven bờ, các đảo, bãi ngang, khu vực neo đậu tàu thuyền, nhằm “khóa chặt cửa biển” đối với tàu cá không đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác.
Để khẳng định những nỗ lực, kết quả chống khai thác IUU của Việt Nam, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện cao điểm thực thi pháp luật, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; áp dụng Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Đồng thời, kiên quyết ngăn chặn, không để tàu cá, ngư dân địa phương tiếp tục vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí, điều động, tăng cường nhân lực, kinh phí, trang thiết bị cho các cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU một cách hiệu quả. Kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác IUU, ảnh hưởng đến nỗ lực chung gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của cả nước.
Cùng với nỗ lực kiểm soát kiểm soát tàu tàu cá, chấm dứt tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, các cơ quan chức năng cũng nhanh chóng xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm. Thời gian qua, đã có 39 vụ hình sự được khởi tố và 12 vụ đưa ra xét xử công khai liên quan đến các hành vi vi phạm như tổ chức xuất cảnh trái phép, lừa đảo, tháo gỡ thiết bị VMS, làm giả tài liệu... Điển hình, Công an tỉnh Kiên Giang mới đây đã khởi tố vụ án hình sự liên quan đến tàu cá KG-95541-TS do bà N.T.K.C làm chủ, bị điều tra về hành vi tổ chức xuất cảnh trái phép.
Việc xử phạt vi phạm hành chính trong khai thác IUU cũng được tăng cường, đặc biệt đối với hành vi ngắt kết nối VMS và khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Việc xử lý nghiêm minh không chỉ giúp quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà còn cải thiện hình ảnh quốc gia trong mắt cộng đồng quốc tế, hỗ trợ quá trình gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU của EC.