Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Kiên Giang nhiều chuyển biến tích cực

Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang cho biết từ tháng 8/2024 đến nay, tỉnh không có tàu cá ngư dân vi phạm khai thác đánh bắt thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Chông (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) kiểm tra tàu cá hoạt động khai thác đánh bắt trên ngư trường. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Chông (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) kiểm tra tàu cá hoạt động khai thác đánh bắt trên ngư trường. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang cho biết, từ tháng 8/2024 đến nay, tỉnh không có tàu cá ngư dân vi phạm khai thác đánh bắt thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài. Công tác phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) chuyển biến tích cực.

Nâng lên ý thức tuân thủ pháp luật

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đến nay, việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác đối với nhóm tàu cá “3 không” đã thực hiện 1.850/2.099 tàu; cấp 2.653/3.505 tài khoản tàu cá từ 15 m trở lên, sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản eCDT; 100% tàu cá tham gia khai thác thủy sản lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và tàu cá hoạt động trên biển được theo dõi, giám sát 24/7 qua hệ thống giám sát hành trình; hỗ trợ 3 đợt cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình cho 22.350 lượt tàu cá số tiền hơn 3,8 tỷ đồng.

Tiếp đến, lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm IUU, điều tra, xác minh, xử lý dứt điểm 14 vụ/19 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ và tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài; xử phạt 290 vụ/339 thiết bị giám sát hành trình, xử phạt 480 vụ/490 tàu vi phạm khai thác trên biển; đồng thời, cơ quan chức năng đã đưa ra xét xử 2 vụ, 6 bị cáo và khởi tố 15 vụ liên quan IUU.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, tỉnh quyết tâm, nỗ lực thực hiện hiệu quả 4 nhóm khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) và chỉ đạo của Trung ương về IUU.

Hơn 5 tháng liên tiếp không có tàu cá vi phạm khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài, cho thấy ý thức tuân thủ pháp luật của ngư dân trong hoạt động khai thác đánh bắt nâng lên, không vi phạm chủ quyền và luật pháp của các quốc gia lân cận. Bà con thể hiện tinh thần trách nhiệm và giữ gìn uy tín, hình ảnh quốc gia, thương hiệu thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Không vi phạm khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài giúp ngư dân tránh được các rủi ro bị bắt giữ, xử lý của lực lượng chức năng nước sở tại, góp phần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nước láng giềng.

Ông Nguyễn Cao Cường, Tổ trưởng Tổ an toàn nghề cá thành phố Hà Tiên chia sẻ: “Hoạt động trên biển, tôi và thuyền trưởng, thuyền viên của mình cùng các ngư dân thành viên trong tổ chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về thủy sản, cam kết không vi phạm IUU. Trước khi ra biển, chuẩn bị giấy tờ theo quy định để trình báo Trạm Biên phòng Pháo Đài, kiểm tra thiết bị giám sát hành trình tàu cá duy trì hoạt động 24/24 giờ khi đánh bắt trên ngư trường, không khai thác trong vùng cấm, vùng biển nước ngoài, không đánh bắt mang tính hủy diệt làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản… Qua đó, góp phần cùng tỉnh và cả nước gỡ bỏ “Thẻ vàng” của EC áp cho thủy sản Việt Nam đã 7 năm qua, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh làm tổn hại đến biển để phát triển kinh tế biển bền vững.”

Hiện nay, nghề cá Kiên Giang đang giai đoạn tái cấu trúc ngành khai thác, thực hiện chương trình quốc gia phát triển khai thác thủy sản hiệu quả bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Sắp xếp đội tàu khai thác thủy sản theo hướng không tăng thêm số lượng, chú trọng đầu tư phát triền, nâng cấp tàu cá đánh bắt xa bờ, giảm dần tàu cá đánh bắt ven bờ.

Cạnh đó, chuyển sang nghề ít xâm hại đến nguồn lợi thủy sản, chuyển đổi một phần lao động từ nghề khai thác ven bờ sang nuôi trồng thủy sản và nghề khác. Tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên ngư trường.

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Rạch Giá chia sẻ, thời gian gần đây, tỉnh không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản là tín hiệu đáng mừng.

Bà con khai thác vùng biển trong nước bước đầu cho hiệu quả khá, nỗ lực vượt khó khăn và dần ổn định. Những ngư dân có nhiều phương tiện chọn 1 hay 2 đôi tàu cùng thuyền trưởng, thuyền viên giỏi, kinh nghiệm kết hợp đầu tư thiết bị, ngư cụ… để vừa đánh bắt hiệu quả, vừa giảm chi phí chuyến biển.

Để ngư dân đánh bắt ngư trường trong nước hiệu quả thì một trong những giải pháp cơ bản là tỉnh sớm khôi phục, bảo vệ nguồn lợi cá, tôm; kiểm soát việc khai thác đánh bắt vượt khả năng tái tạo của nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Năm 2024, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh ước hơn 430.820 tấn, đạt 99,04% kế hoạch và bằng 98,54% so cùng kỳ. Tỉnh thực hiện tái cấu trúc ngành nghề khai thác, nguồn lợi thủy sản suy giảm, chi phí chuyến biển tăng cao làm giảm hiệu quả khai thác, các tàu đánh bắt xa khơi hoạt động cầm chừng…

 Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Chông (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) quan sát vùng biển, kiểm soát tàu cá hoạt động khai thác đánh bắt trên ngư trường. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Chông (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) quan sát vùng biển, kiểm soát tàu cá hoạt động khai thác đánh bắt trên ngư trường. (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Ngăn chặn tàu cá ngư dân vi phạm IUU

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang nhấn mạnh, năm 2025, tỉnh tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm chống IUU, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài để cùng cả nước gở bỏ cảnh báo “Thẻ vàng” của EC.

Theo đó, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương và Bộ đội Biên phòng Kiên Giang thực hiện dứt điểm việc đăng ký, đăng kiểm và cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu cá “3 không”; mở cao điểm tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển xử lý nghiêm tàu cá vi phạm IUU, nhất là tàu cá “3 không”; cài đặt phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử eCDT cho tàu cá để giám sát sản lượng lên bến, kiểm tra tàu cập và rời cảng, xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác.

Tỉnh đề nghị Bộ đội Biên phòng Kiên Giang điều tra, xác minh, xử lý dứt điểm các tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; các đồn, trạm Biên phòng kiểm soát chặt chẽ tàu xuất - nhập bến, nhất là tàu cá “3 không”, kiên quyết không để tàu cá không đủ điều kiện xuất bến.

Cùng với đó, Công an tỉnh kiểm soát tình trạng tàu cá mua bán, chuyển nhượng không thực hiện sang tên đổi chủ, tàu cá “3 không”; thực hiện cao điểm phối hợp điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử các trường hợp vi phạm liên quan tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và các hành vi vi phạm được quy định tại Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Ngoài ra, tỉnh đề nghị Vùng Cảnh sát biển 4, Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn Biên phòng 28, Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 phối hợp các lực lượng chức năng Trung ương và địa phương tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát tại các khu vực biển giáp ranh với các nước Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Indonexia… để ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá vi phạm IUU và tàu cá Kiên Giang có dấu hiệu vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn chia sẻ, năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu sản lượng khai thác thủy sản 420.300 tấn, tổ chức khai thác đánh bắt thủy sản theo hướng bền vững, đảm bảo khả năng tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên biển.

Tỉnh tập trung thực hiện hiệu quả đề án tái cấu trúc lại nghề khai thác thủy sản tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Đồng thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong phòng chống IUU, ngăn chặn, giảm thiểu tối đa và chấm dứt tàu cá của ngư dân vi phạm vùng biển các nước.

Cùng đó, ngành chức năng tỉnh hướng dẫn, quản lý việc đánh bắt thủy sản theo đúng các quy định trong nước và phù hợp với quốc tế, thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý đóng mới, đăng ký, đăng kiểm tàu cá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên ngư trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/khac-phuc-the-vang-iuu-kien-giang-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-post1006253.vnp