Khắc phục thiệt hại, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt

Trước ảnh hưởng của mưa bão, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó toàn diện, cố gắng đảm bảo thông tin liên lạc không bị gián đoạn. Tuy không tránh khỏi những thiệt hại đáng kể về hạ tầng viễn thông do mưa lũ gây ra, nhưng tính đến chiều 12-9, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã khắc phục cơ bản những thiệt hại, hư hỏng, đảm bảo liên lạc thông suốt, phục vụ người dân trở lại cuộc sống bình thường.

Xử lý kỹ thuật tại Trung tâm Viễn Thông - VNPT Phổ Yên.

Xử lý kỹ thuật tại Trung tâm Viễn Thông - VNPT Phổ Yên.

Trung tâm Viễn Thông - VNPT Phổ Yên hằng ngày phục vụ trên 30 nghìn thuê bao và trên 15 nghìn thuê bao Internet cáp quang băng thông rộng. Trong đợt mưa lũ vừa qua, VNPT Phổ Yên đã ghi nhận ảnh hưởng nhiều thuê bao trải rộng toàn bộ các xã, phường. Trong đó, 6 xã, phường bị ngập lụt do hoàn lưu bão ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Trước tình hình đó, ngay trong cơn mưa, VNPT Phổ Yên đã huy động các cán bộ kỹ thuật trực 24/24 giờ, khắc phục ngay các sự cố, đảm bảo thông suốt liên lạc cho người dân.

Ông Hồ Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm Viễn thông - VNPT Phổ Yên, cho biết: Ứng phó với tình trạng nước dâng, gây mất điện, chúng tôi đã sử dụng thêm máy phát điện để đảm bảo tốt nhất vận hành của Trung tâm. Đối với các điểm sự cố khác, chúng tôi cũng khẩn trương xác định nguyên nhân, giải quyết sự cố kịp thời, đảm bảo hoạt động của VNPT Phổ Yên trở lại bình thường, giúp việc liên lạc giữa người dân và chính quyền địa phương được thuận lợi, công tác chỉ đạo, điều hành khắc phục hậu quả mưa lũ từ các cấp được truyền tải nhanh chóng, chính xác.

Do ảnh hưởng hoàn lưu cơn bão số 3, mạng lưới VNPT toàn tỉnh đã bị ảnh hưởng, trong đó có 88 trạm BTS bị hư hỏng; 31 tuyến cáp quang mạng truyền dẫn, cáp ngoại vi các loại bị đứt… Ông Phạm Quang Thắng, Chủ tịch Công đoàn VNPT Thái Nguyên, cho biết: Chúng tôi đã tăng cường giám sát trên toàn mạng lưới, đặc biệt là các khu vực xảy ra ngập nước, mất điện. Đồng thời chỉ đạo cán bộ kỹ thuật của VNPT các đơn vị khẩn trương khắc phục với phương châm 4 tại chỗ ứng cứu, xử lý theo thứ tự ưu tiên.

Không chỉ VNPT Thái Nguyên, Viettel Thái Nguyên cũng bị thiệt hại do ảnh hưởng đáng kể của mưa bão: 10% số vị trí trạm bị chia cắt, trong đó có 1/3 vị trí bị cô lập và 1/6 vị trí ngập lụt nhà trạm cùng hàng chục nghìn thiết bị wifi tại nhà khách hàng bị hư hỏng. Ước tính sơ bộ thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.

Trước thiệt hại đó, Viettel Thái Nguyên đã thực hiện tốt các giải pháp khắc phục, duy trì kết nối. Ông Lý Văn Bằng, Giám đốc Chi nhánh Công trình Viettel Thái Nguyên, thông tin: Đơn vị đã tổ chức lực lượng 4 tại chỗ, sẵn sàng xử lý các tình huống sự cố, luôn đảm bảo duy trì trên 90% số trạm và trên 95% số xóm, xã đảm bảo chất lượng dịch vụ. Chúng tôi đã thành lập Ban Chỉ huy tiền phương chỉ đạo 24/24h và chuẩn bị kế hoạch, xây dựng kịch bản tiếp cận tới từng vị trí chia cắt, có giải pháp chi tiết tới từng địa bàn để xử lý ngay sự cố khi tiếp cận được.

Những ngày mưa lụt vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, UBND các huyện, thành phố phối hợp xây dựng phương án chia sẻ hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật để nhanh chóng khôi phục hệ thống thông tin liên lạc; ưu tiên tối đa nguồn lực và phương tiện kỹ thuật nhằm khôi phục mạng lưới thông tin liên lạc trong thời gian sớm nhất.

Trước đó, Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông có phương án triển khai việc chuyển vùng dữ liệu giữa các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông di động tại các khu vực có nhà mạng bị mất liên lạc trong thời gian nhà mạng đó khắc phục sự cố. Ưu tiên khắc phục sự cố tại các trạm thu phát sóng di động bị ảnh hưởng, gia cố lại toàn bộ nhà trạm, cột cao, cột ăng ten, các hệ thống truyền dẫn và mạng ngoại vi có khả năng bị ảnh hưởng của thiên tai. Đồng thời bổ sung kịp thời các thiết bị dự phòng trên mạng lưới như thiết bị nguồn điện, máy nổ, nhiên liệu máy nổ, ắc quy cho các đơn vị trên địa bàn nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai.

Ông Đỗ Xuân Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, cho biết: Chúng tôi đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, bưu chính phải có phương án đảm bảo thông tin liên lạc, bưu chính chuyển phát. Trong thời điểm xảy ra mưa lũ, cao điểm là đêm 8, đến ngày 9-9, một số nơi mất điện dẫn đến mất sóng liên lạc, các doanh nghiệp viễn thông đã khẩn trương sử dụng máy nổ duy trì hoạt động của trạm phát sóng; thực hiện roaming tại những khu vực bị mất liên lạc nhằm duy trì kết nối cho người dân. Đặc biệt, Sở đã phối hợp với các nhà mạng gửi tin nhắn SMS cảnh báo đến khoảng 1,6 triệu thuê bao trên địa bàn tỉnh để thông tin về tình hình mưa lũ, số điện thoại đường dây nóng, những cảnh báo thiên tai để nhân dân nắm bắt ứng phó giảm thiểu thiệt hại...

Với những nỗ lực của các nhà mạng, mạng lưới viễn thông tại các khu vực bị ảnh hưởng đã cơ bản được khôi phục, góp phần đảm bảo thông tin liên lạc cho công tác cứu hộ và chỉ đạo khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra. Tính đến chiều 12-9, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã cơ bản khắc phục xong hậu quả ảnh hưởng sau bão và duy trì kết nối, bảo đảm thông tin viễn thông, mạng trên địa bàn tỉnh được thông suốt.

Trong đó, VNPT Thái Nguyên đã sửa chữa xong hư hỏng của 86/88 trạm BTS, khắc phục xong toàn bộ các tuyến cáp bị đứt. Viettel Thái Nguyên đã sửa chữa xong các trạm hư hỏng, ảnh hưởng và khắc phục hoàn toàn các sự cố. Viettel Thái Nguyên đã hỗ trợ cộng tiền vào trên 100 nghìn thuê bao điện thoại (100%) bị ảnh hưởng và tiến hành thay thế miễn phí các modem bị ngập nước để khách hàng sử dụng lại dịch vụ.

Thu Hà

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202409/khac-phuc-thiet-hai-dam-bao-thong-tin-lien-lac-thong-suot-1ef277a/