Khắc phục tiêu cực trong tuyển dụng, nâng ngạch

Từ lâu, các kỳ thi nâng hạng công chức, xét thăng hạng viên chức được cho là vừa tốn kém, vừa phát sinh tiêu cực. Từng bước loại bỏ điều này là yêu cầu tất yếu.

Từ lâu, các kỳ thi nâng hạng công chức, xét thăng hạng viên chức được cho là vừa tốn kém, vừa phát sinh tiêu cực. Từng bước loại bỏ điều này là yêu cầu tất yếu, nhằm góp phần cải cách hành chính, giảm thủ tục không cần thiết, giúp công chức, viên chức bớt thời gian dành cho việc thi cử để chuyên tâm vào công việc.

Thông tư số 12/2023/TT-BNV của Bộ Nội vụ ban hành để bãi bỏ 10 thông tư hướng dẫn tuyển dụng công chức, viên chức có hiệu lực từ ngày 1-10 tới đây là lộ trình hiện thực hóa yêu cầu đó.

Tuyển dụng là khâu quan trọng trong công tác cán bộ, một trong những yếu tố để xây dựng thành công nền công vụ chuyên nghiệp, thực tài, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, công tác tuyển dụng đang từng bước được nghiên cứu đổi mới; đồng thời thay đổi cơ chế quản lý công chức theo vị trí việc làm, đảm bảo đúng người, đúng việc. Từ đó tạo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Đảng và pháp luật về xác định vị trí việc làm; khắc phục tình trạng tiêu cực trong tuyển dụng.

Về tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, điểm bất cập là chưa thật sự gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; nội dung thi còn hình thức, chưa sát với vị trí việc làm và đặc thù công việc của từng chức danh.

Ngoài ra, hệ thống vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp, bản mô tả và khung năng lực vị trí việc làm của viên chức chưa hoàn thiện đã dẫn đến thực trạng viên chức trước và sau khi được thăng hạng không có sự thay đổi về công việc và chất lượng thực hiện nhiệm vụ. Việc thăng hạng chủ yếu giải quyết chế độ tiền lương và thu nhập.

Đặc biệt, với số lượng viên chức rất lớn (khoảng 1,8 triệu người) hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành, nghề ở các bộ, ngành, địa phương nên việc tổ chức các kỳ thi thăng hạng gây tốn kém; cá biệt một số nơi xảy ra vi phạm, tiêu cực trong quá trình thi.

Để khắc phục điều này, Thông tư số 12/2023/TT-BNV có hiệu lực sẽ bãi bỏ một số quy định cũ không còn phù hợp. Ví dụ như quy định tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, những người muốn trở thành cán bộ, công chức phải đủ điều kiện quy định tại Điều 36 Luật Cán bộ, công chức 2008, sửa đổi 2019; muốn trở thành viên chức phải đủ điều kiện quy định tại Điều 22 Luật Viên chức 2010, sửa đổi 2019…

Trên cơ sở đó, các quy định mới về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ hơn, phân loại được cán bộ, công chức, viên chức; đánh giá đúng năng lực cán bộ để kịp thời chấn chỉnh và loại khỏi bộ máy những trường hợp yếu kém không hoàn thành niệm vụ, có nhiều vi phạm, khuyết điểm.

Điều này sẽ tạo tác động tích cực, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có chuyên môn, phẩm chất đạo đức tốt thì mới đáp ứng được công việc, yêu cầu của nền hành chính số và cải cách hành chính như hiện nay.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202309/khac-phuc-tieu-cuc-trong-tuyen-dung-nang-ngach-a80414c/