Khắc phục tình trạng cán bộ né tránh công việc
Tình trạng một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm là vấn đề đáng lo ngại hiện nay, cần có giải pháp khắc phục để góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: “Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm”. Cho nên, cần khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trong Văn kiện Đại hội VI, Đảng ta đã yêu cầu cán bộ lãnh đạo phải “...dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm”.
Đại hội XIII của Đảng được coi là dấu mốc quan trọng, đất nước ta bước vào thời kỳ phát triển mới. Đại hội xác định, nêu cao khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng. Trong gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Thành quả quý báu này được xây đắp nên bởi sự đóng góp quan trọng từ việc phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên (CB, ĐV), đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tư duy tiếp cận, cách làm sáng tạo, đột phá để thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới, hướng đến sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong tình hình mới.
Phương châm xây dựng, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên “7 dám” theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là: “Dám nghĩ, dám làm, dám nói, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2023/NÐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Quy định số 148-QĐ/TW ngày 23/5/2024 của Bộ Chính trị đã nêu rõ, nếu cán bộ cố tình trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, không thực hiện công việc thuộc thẩm quyền theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ bị xem xét tạm đình chỉ công tác. Đây được xem là hành lang pháp lý quan trọng nhằm lan tỏa, khơi dậy khát vọng cống hiến, khuyến khích CB, ĐV, trước hết là người đứng đầu dám đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên
Thực tiễn cho thấy, thời gian qua vẫn còn một bộ phận CB, ĐV, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, làm việc cầm chừng. Một bộ phận CB, ĐV công chức, viên chức có tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc; tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, chất lượng tham mưu, đề xuất, phục vụ chưa cao. Có trường hợp đẩy việc lên cơ quan cấp trên hoặc sang các cơ quan khác. Họ chỉ thực hiện “đúng vai, thuộc bài”, lâu dần quanh quẩn trong “vùng an toàn”. Đó là “căn bệnh" sợ trách nhiệm, một biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...
Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, về khách quan, xuất phát từ quy định pháp luật chưa đồng bộ, ban hành chưa kịp thời, chồng chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật. Cơ chế, thể chế, chính sách trong một số lĩnh vực còn chưa hoàn chỉnh. Tuy nhiên, nguyên nhân bao trùm nhất vẫn từ một bộ phận đội ngũ CB, ĐV chưa năng động, đổi mới, sáng tạo; thiếu tinh thần trách nhiệm; ý thức phục vụ lợi ích chung, phục vụ nhân dân chưa cao.
Để trị “căn bệnh" sợ trách nhiệm của CB, ĐV, công chức, viên chức, cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; nêu cao ý thức trách nhiệm, đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu. Sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của đội ngũ CB, ĐV.
Phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị về tinh thần cống hiến, trách nhiệm, tư duy đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao để lan tỏa, truyền cảm hứng cho ĐV, công chức, viên chức.
Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi CB, ĐV cần phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Đề cao vai trò tiên phong gương mẫu của CB, ĐV, nhất là CB lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp; chống biểu hiện cơ hội, bè phái, thực hiện dân chủ thực sự, lựa chọn được những CB tiêu biểu, có đức, có tài, dĩ công vi thượng; có ý chí quyết tâm cao, luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Nói về vai trò của công tác CB, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “Nơi nào cán bộ xoàng, thì vùng đó, như đang ngủ say”. Do đó, cần đổi mới, hoàn thiện các khâu trong công tác CB, từ việc phát hiện, đánh giá, đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động, bố trí, bổ nhiệm CB để những đối tượng cơ hội không thể “chạy” và không dám “chạy”. Mỗi CB phải nâng cao năng lực, sáng tạo, phát huy tốt tinh thần “7 dám”, dám “mở đường” và sẵn sàng tìm giải pháp tạo đột phá, nhận những việc khó, việc mới.
Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình để mỗi tổ chức đảng, CB, ĐV “tự soi, tự sửa”. Hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và công tác quản lý nhà nước. Hoàn thiện cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích CB, ĐV đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện chức trách công vụ của CB, công chức, viên chức.
Tập trung sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản về những vấn đề chưa có quy định, những quy định chưa đồng bộ, vướng mắc trong các quy định của pháp luật; tạo môi trường thuận lợi để CB mạnh dạn đổi mới, sáng tạo. Tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa, ngăn chặn sai phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Khích lệ và bảo vệ đội ngũ CB, ĐV “7 dám” vừa là yêu cầu khách quan, vừa góp phần tích cực đấu tranh phòng, chống suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, nâng cao sức mạnh “nội sinh” của Đảng, tạo sự lan tỏa rộng khắp nhằm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.