Khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản: Hạn chế nội dung giao quy định chi tiết
Để khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, Bộ Tư pháp cho rằng, cần thực hiện nghiêm quy định của Luật năm 2015 về chuẩn bị dự thảo văn bản quy định chi tiết trình kèm theo dự án luật, pháp lệnh; ban hành một văn bản để quy định chi tiết nhiều nội dung được giao.
Số lượng văn bản nợ ban hành: giảm dần qua các năm
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp thường xuyên phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết. Định kỳ hàng tháng hoặc đột xuất, Bộ Tư pháp đều có công văn đôn đốc gửi các bộ, cơ quan ngang bộ quan tâm, chủ động trong công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết, khắc phục tình trạng nợ ban hành văn bản; hàng tháng, quý, 06 tháng báo cáo Chính phủ về tình hình thực hiện nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong xây dựng, ban hành văn bản. Hàng năm tại kỳ họp Quốc hội cuối năm, Bộ Tư pháp cũng thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Tư pháp, tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, cũng như phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đều kiểm điểm công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, nêu tên và nhắc nhở các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ để xảy ra tình trạng nợ văn bản, đưa nội dung này vào nghị quyết phiên họp và yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quan tâm, trực tiếp chỉ đạo công tác thể chế, tập trung nguồn lực cho soạn thảo, trình, ban hành, bảo đảm về tiến độ và chất lượng văn bản; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, kiểm điểm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm minh, kịp thời tình trạng chậm tiến độ và không bảo đảm chất lượng văn bản.
Tính từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có nhiệm vụ xây dựng 481 văn bản quy định chi tiết, gồm 345 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và 136 văn bản từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Đến nay, đã ban hành được 368 văn bản, còn 113 văn bản quy định chi tiết các luật đã và sẽ có hiệu lực trong thời gian tới.
Mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản quy định chi tiết, nhưng số lượng văn bản nợ ban hành đã giảm dần qua các năm, cụ thể: Cuối năm 2015 nợ 33 văn bản; cuối năm 2016 nợ 14 văn bản; cuối năm 2017 nợ 09 văn bản, đặc biệt là năm 2017 đã chấm dứt tình trạng nợ văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Số lượng các văn bản quy định chi tiết được ban hành có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật đã từng bước được cải thiện, như chùm 50 nghị định quy định chi tiết về điều kiện đầu tư kinh doanh có hiệu lực từ 01/7/2016; các văn bản quy định chi tiết một số luật có hiệu lực từ 01/7/2017 và 01/01/2018 (Luật Đấu giá tài sản, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Trợ giúp pháp lý...).
Cần dự kiến và đề xuất hợp lý thời điểm có hiệu lực
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thể kể đến như số lượng luật, pháp lệnh được ban hành tương đối lớn; một số luật có nhiều nội dung giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ quy định chi tiết, dẫn đến nhiệm vụ phải xây dựng, ban hành một số lượng lớn văn bản quy định chi tiết; một số luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua quy định ngày có hiệu lực tương đối ngắn; do vậy, nhiều trường hợp rất khó để ban hành văn bản quy định chi tiết đảm bảo có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh, nhất là trong trường hợp phải ban hành nhiều văn bản để quy định chi tiết; trong quá trình soạn thảo, trình, phối hợp chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, các cơ quan chưa lường trước được những khó khăn, vướng mắc trong việc quy định chi tiết các nội dung, tổ chức soạn thảo văn bản.
Để khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, ngoài những giải pháp như đầu tư nguồn lực thỏa đáng đi đôi với việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong công tác xây dựng pháp luật; củng cố, kiện toàn và phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò của tổ chức pháp chế tại các bộ, ngành; tiếp tục huy động trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu Quốc hội; sự phản biện từ các tổ chức xã hội, từ các phương tiện thông tin đại chúng vào quá trình xây dựng, thẩm định… thì các cơ quan chủ trì soạn thảo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và cơ quan của Quốc hội ngay từ giai đoạn lập đề nghị xây dựng cho đến soạn thảo, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh để quy định cụ thể các vấn đề ngay trong luật, pháp lệnh, nghị quyết; đồng thời, kiểm soát phạm vi, hạn chế nội dung giao quy định chi tiết. Cần dự kiến và đề xuất hợp lý thời điểm có hiệu lực của luật, pháp lệnh để bảo đảm tính khả thi trong việc chuẩn bị các điều kiện tổ chức triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết.