Khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) (bao gồm cả Trái phiếu Chính phủ) trong 9 tháng đã giải ngân chậm, đạt trên 230 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 55% kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Lâm Đồng giải ngân ở mức bình quân chung cả nước (55,4%). Thủ tướng Chính phủ trong Hội nghị trực tuyến về thúc đẩy phân bổ vốn và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019 quyết cắt vốn, chuyển vốn từ các công trình, dự án của bộ, ngành, địa phương không giải ngân được để các bộ, ngành, địa phương khác sử dụng có hiệu quả, kịp thời hơn.

Thời tiết không thuận lợi là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thi công. Ảnh: Lê Hoa

Thời tiết không thuận lợi là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ thi công. Ảnh: Lê Hoa

Sau 9 tháng, 7 bộ, cơ quan trung ương và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%; 31 bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%. Riêng Lâm Đồng, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 đã giao: 3.093,181 tỷ đồng (không bao gồm vốn Trái phiếu Chính phủ (TPCP)); trong đó, bố trí trực tiếp cho các dự án công trình là 2.871,681 tỷ đồng. Ước số vốn giải ngân tính đến ngày 30/9/2019 đạt 1.589,629 tỷ đồng, bằng 55,4% kế hoạch, khối lượng thực hiện 1.503 tỷ đồng, đạt 52,3% kế hoạch.

Công tác phân bổ vốn đầu tư công năm 2019 đã được triển khai nghiêm túc theo các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn. Kế hoạch đầu tư công năm 2019 được giao sớm và thông báo đến chủ đầu tư chủ động kịp thời triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn. Tuy nhiên, khối lượng thực hiện đạt thấp, tính đến ngày 15/9/2019, tỷ lệ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công bình quân toàn tỉnh thực tế đạt 47,9% kế hoạch.

Tổng nguồn vốn thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia năm 2019 là 401,6 tỷ đồng, thì Chương trình Xây dựng nông thôn mới giải ngân 98,500 tỷ đồng, bằng 47% kế hoạch, Chương trình Giảm nghèo bền vững giải ngân vốn ngân sách trung ương (NSTW) 54,071 tỷ đồng, bằng 63,5% kế hoạch (Chương trình 30a giải ngân 35,956 tỷ đồng, bằng 66,6% kế hoạch; Chương trình 135 giải ngân 18,115 tỷ đồng, bằng 58,3% kế hoạch).

Kế hoạch vốn đầu tư nước ngoài (ODA) năm 2019 là 135,119 tỷ đồng. Đến ngày 15/9/2019, có 2 dự án đã giải ngân với số vốn 16,776 tỷ đồng, đạt 12,4% kế hoạch. Các dự án triển khai chậm, nhưng có khả năng giải ngân được 3 dự án, là: Dự án Hỗ trợ xử lý chất thải Bệnh Viện II Lâm Đồng, Dự án Chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh giai đoạn II, Dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập tỉnh Lâm Đồng (WB8); 2 dự án chưa giải ngân vốn ODA được, gồm: Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả thực hiện tại tỉnh Lâm Đồng. Lâm Đồng là một trong 3 bộ và 23 tỉnh đề xuất Chính phủ bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019.

Tình hình thực hiện giải ngân vốn TPCP năm 2018 được phép kéo dài sang năm 2019, đến ngày 15/9/2019, số vốn đã giải ngân: 33,933 tỷ/480,894 tỷ đồng, đạt 7,1% kế hoạch. Cụ thể, ở lĩnh vực giao thông có dự án nâng cấp đường tỉnh ĐT.724 và 3 cầu, thông tuyến đường ĐT.721 - giai đoạn 1: kế hoạch vốn 478,361 tỷ đồng, số vốn đã giải ngân đến ngày 15/9/2019: 31,4 tỷ đồng, đạt 6,6% kế hoạch. Do giải ngân chậm, nên Bộ Y tế và 3 tỉnh đã bị thu hồi 441,193 tỷ đồng về NSTW để trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh cho Bộ Giao thông vận tải số vốn TPCP năm 2019 và có 6,6 tỷ đồng từ Lâm Đồng.

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vốn đầu tư công chậm giải ngân. Chủ yếu là năng lực của đơn vị tư vấn, chủ đầu tư và nhà thầu còn hạn chế, chậm từ khâu lập hồ sơ chuẩn bị đầu tư, cho đến việc thực hiện các thủ tục đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà thầu, thanh toán...; nhà thầu thi công chậm triển khai thực hiện nên khối lượng thi công đạt thấp. Một số dự án còn chưa phù hợp quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy mô đầu tư đề xuất chưa phù hợp tiêu chuẩn, quy phạm hiện hành cần phải điều chỉnh, bổ sung hồ sơ; hoặc, đối với các dự án nhóm B, trọng điểm nhóm C phải trình HĐND tỉnh quyết định. Ngoài ra, thời tiết mưa nhiều cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án chiếm tỷ trọng rất lớn, thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục... Hoặc, một số dự án có quy mô lớn cần phải tổ chức lựa chọn nhà thầu rộng rãi...

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết, hoặc tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền các giải pháp xử lý đối với công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án, tránh phát sinh khiếu kiện, đồng thời đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư, đảm bảo không ách tắc trong quá trình triển khai thi công, nghiệm thu khối lượng, thanh toán vốn; rà soát đánh giá khả năng thực hiện, giải ngân của các dự án đầu tư công năm 2019, điều chuyển vốn của các dự án có tỷ lệ giải ngân không đạt trên 80% (đối với các dự án bố trí vốn hoàn thành và chuyển tiếp), không đạt 60% (đối với các dự án bố trí vốn khởi công mới) để bố trí cho các dự án khác có tỷ lệ giải ngân tốt cần bổ sung thêm vốn...

Chủ đầu tư các dự án đẩy nhanh tiến độ từ công tác chuẩn bị đầu tư, công tác tổ chức lựa chọn nhà thầu đúng quy định; có kế hoạch thực hiện các hạng mục dự án theo từng tháng, quý; nghiêm túc giám sát và đảm bảo chất lượng công trình; chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng nghiệm thu... Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt chỉ đạo các ngành, địa phương cần tập trung giải ngân vốn xây dựng cơ bản từ nay đến cuối năm, không để vốn bị thu hồi hay bị chuyển vốn sang các công trình khác…

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201910/khac-phuc-tinh-trang-cham-giai-ngan-von-dau-tu-cong-2967004/