Khắc phục tình trạng ô nhiễm ở kênh 30-4
Tình trạng ô nhiễm dưới kênh 30-4 do nước thải từ Nhà máy Xử lý nước thải trong Khu Công nghiệp An Nghiệp gây ra đã khiến nhiều hộ dân ở xã An Hiệp và xã Phú Tân (Châu Thành) bức xúc vì ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Để giải quyết vấn đề này, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Công ty TNHH Dịch vụ môi trường An Nghiệp đã triển khai các giải pháp khắc phục.
Hơn nửa tháng nay, người dân sinh sống dọc kênh 30-4 bức xúc bởi nước dưới dòng kênh này bị ô nhiễm, bốc mùi khó chịu, có thời điểm nước kênh chuyển sang màu đen làm nhiều hộ dân lo lắng, nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Ông Danh Dân, ở xã An Hiệp (Châu Thành) cho biết: “Nước dưới kênh bốc mùi lên rất hôi. Tôi không biết bên khu công nghiệp xả thải buổi nào nhưng có hôm, tầm 3 giờ sáng là có mùi hôi nồng nặc khiến tôi ngủ không được. Còn ban ngày, nước dưới kênh cũng bốc mùi xộc vào nhà nên tôi thường đóng cửa để giảm mùi hôi. Rất mong ngành chức năng có giải pháp kịp thời, hiệu quả để ổn định đời sống, sinh hoạt cho người dân”.
Qua trao đổi với lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp được biết, từ tháng 7-2020, đặc biệt là tháng 8-2020, lượng xả thải của 4 doanh nghiệp chế biến thủy sản trong Khu Công nghiệp An Nghiệp tăng cao, doanh nghiệp có mức xả thải tăng ít nhất là 36% và cao nhất là gần 100%. Do đó, lượng nước thải tiếp nhận về nhà máy xử lý nước thải tập trung tăng lên đột biến, có khi lên đến 11.800m3/ngày, trong khi công suất thiết kế của nhà máy xử lý nước thải là 10.000m3/ngày. Điều này dẫn đến tình trạng nhà máy xử lý nước thải bị quá tải và chất lượng nước thải sau xử lý thải ra môi trường vượt quy chuẩn so với quy định, do đó gây ra tình trạng ô nhiễm.
Bà Nguyễn Thị Liễu - Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp cho biết, với thực trạng trên, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã làm việc với các sở, ngành để kiểm tra đối với Công ty TNHH Dịch vụ môi trường An Nghiệp (đơn vị kinh doanh và khai thác Nhà máy Xử lý nước thải tập trung trong khu công nghiệp). Qua kiểm tra cho thấy, do lượng nước thải tăng đột biến nên nhà máy xử lý nước thải không chuẩn bị được các phương án xử lý, làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh, ảnh hưởng đến lượng nước thải đầu ra và làm đen một số tuyến kênh nội đồng giáp với khu công nghiệp.
Cùng với đó, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã tổ chức họp với các doanh nghiệp chế biến thủy sản có lượng xả thải tăng đột biến nhằm có hướng điều chỉnh lại sản xuất cho phù hợp với báo cáo đánh giá tác động môi trường của từng doanh nghiệp đã đăng ký trước đây; đồng thời đề nghị Công ty Dịch vụ môi trường An Nghiệp có giải pháp xử lý tạm thời lượng nước thải dôi dư.
Theo bà Nguyễn Thị Liễu, đến thời điểm này cơ bản kiểm soát được ô nhiễm, lượng nước thải dôi dư so với công suất 10.000m3/ngày của nhà máy xử lý nước thải sẽ được xử lý tạm trên kênh thẻ 25. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Dịch vụ môi trường An Nghiệp đã tiến hành xây bể xử lý nước thải với công suất 2.000m3, dự kiến đưa vào sử dụng cuối tháng 9 này. Khi đó công suất của nhà máy xử lý nước thải có thể nâng lên được 12.000m3, đối với lượng nước thải dôi dư tạm thời chứa tại kênh thẻ 25 sẽ được bơm trở về xử lý khi nhà máy xử lý nước thải đã đáp ứng được vấn đề vận hành. Riêng những tuyến kênh nội đồng bị ô nhiễm, Công ty Dịch vụ môi trường An Nghiệp đã sử dụng vôi tạt trên bề mặt nước để giảm tối đa ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, Công ty TNHH Dịch vụ môi trường An Nghiệp đang cải tạo, nâng cấp các máy móc thiết bị cho nhà máy xử lý nước thải để khắc phục hiện tượng quá tải. Ông Hà Thế Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ môi trường An Nghiệp cho biết, nhà máy đã lắp đặt thêm hệ thống xử lý bằng vi sinh để đáp ứng công suất vượt tải của doanh nghiệp, hệ thống vi sinh này có công suất xử lý 2.000m3/ngày, nâng tổng công suất xử lý của nhà máy lên 12.000m3/ngày để sẵn sàng tiếp nhận nguồn nước thải từ nhà máy chế biến tôm. Ngoài ra, công ty cũng chuẩn bị hồ sơ xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường để đầu tư nâng cấp nhà máy xử lý nước thải lên 15.000m3/ngày nhằm đảm bảo xử lý lượng nước thải từ doanh nghiệp. Dự kiến việc nâng cấp sẽ được triển khai vào năm 2021 và đưa vào sử dụng năm 2022.
Việc xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường là điều mà người dân địa phương mong mỏi nhất hiện nay. Do đó, các đơn vị có trách nhiệm cần sớm có giải pháp hiệu quả để việc sản xuất, kinh doanh gắn liền với công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.