Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Trong những năm qua, tình trạng thiếu giáo viên luôn là bài toán khó đối với ngành GD&ĐT Đất Tổ và năm học 2024-2025 cũng không ngoại lệ. Vì vậy, ngành GD&ĐT tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này, đảm bảo cho yêu cầu giảng dạy của năm học mới. Phóng viên Báo Phú Thọ đã có cuộc trò chuyện với Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT xung quanh vấn đề này. Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện.

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT.

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT.

Phóng viên: Thưa đồng chí, trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng đều có tình trạng thiếu giáo viên. Xin đồng chí cho biết thực trạng hiện nay như thế nào ở tỉnh ta?

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập: Năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT Phú Thọ được giao 22.077 biên chế, trong đó số biên chế giáo viên được giao 19.718 biên chế, số biên chế giáo viên có mặt 18.987 biên chế (mầm non 5.160 giáo viên, đạt tỷ lệ 1,67 giáo viên/lớp; tiểu học 6.446 giáo viên, đạt tỷ lệ 1,41 giáo viên/lớp; THCS 5.374 giáo viên, đạt tỷ lệ 1,79 giáo viên /lớp; THPT 2007 giáo viên, đạt tỷ lệ 2,14 giáo viên/lớp).

Trong năm 2023, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức tuyển dụng giáo viên, nhân viên các cấp học. Cụ thể: Tuyển dụng 1.313 giáo viên, nhân viên (mầm non tuyển 854 giáo viên, 6 nhân viên; tiểu học tuyển 187 giáo viên, 21 nhân viên; THCS và giáo dục thường xuyên tuyển 163 giáo viên, 21 nhân viên; THPT tuyển 48 giáo viên, 13 nhân viên).

Vai trò của giáo viên được xác định là một nhân tố quan trọng, quyết định thành công trong sự nghiệp GD&ĐT, nhất là khi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, năm học 2024 - 2025, tổng số giáo viên tỉnh ta vẫn còn thiếu khoảng 2.160 giáo viên so với nhu cầu, trong đó bậc mầm non thiếu 1.225 giáo viên, tiểu học thiếu 610 giáo viên, THCS thiếu 230 giáo viên và bậc THPT thiếu 95 giáo viên.

Trường THCS Hùng Vương, thị xã Phú Thọ chủ động bố trí lực lượng giáo viên, đáp ứng yêu cầu giảng dạy cho năm học 2024-2025.

Phóng viên: Vậy thưa đồng chí, nguyên nhân của tình trạng đó do đâu?

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập: Do quy mô học sinh ở cấp phổ thông mấy năm gần đây tăng nhanh (bình quân mỗi năm tăng khoảng 3.000 học sinh phổ thông/độ tuổi, đột biến có năm tăng 8.000 học sinh phổ thông/độ tuổi). Quy mô học sinh tăng, tuy nhiên không được giao tăng biên chế cho giáo viên, đồng thời còn thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định. Thiếu giáo viên còn do việc tăng số buổi học từ 1 buổi lên 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học và do chuẩn về mặt tỷ lệ giáo viên/học sinh.

Ngoài ra, tình trạng thiếu giáo viên còn do nhiều nguyên nhân như một thời gian dài không tuyển và không tuyển dụng được, nhiều nơi dồn vài ba năm mới tuyển, thiếu nguồn tuyển hoặc có nguồn đã được đào tạo nhưng không dự tuyển vì chọn các nghề khác... (nguyên nhân do chế độ tiền lương thấp, chưa thu hút được người vào ngành Giáo dục).

Bản thân ngành GD&ĐT cũng đã cố gắng, nỗ lực trong công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông, góp phần làm giảm sự mất cân đối giữa cung, cầu trong đào tạo cùng cơ hội việc làm của học sinh khi lựa chọn ngành nghề cho phù hợp. Đặc biệt, với ngành sư phạm, việc nâng chất lượng tuyển sinh, đổi mới phương pháp đào tạo để có những “sản phẩm” tốt phục vụ sự nghiệp “trồng người” ngày càng được chú trọng.

Cô và trò Trường Tiểu học Gia Cẩm, TP Việt Trì.

Cô và trò Trường Tiểu học Gia Cẩm, TP Việt Trì.

Phóng viên: Thưa đồng chí, vấn đề thiếu giáo viên được khắc phục như thế nào trong năm học 2024-2025? Ngành GD&ĐT có những giải pháp gì để thu hút, “giữ chân” giáo viên, thưa đồng chí?

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập: Để phục vụ cho năm học 2024-2025, ngành GD&ĐT Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp, chủ động bố trí lực lượng giáo viên, đảm bảo yêu cầu giảng dạy. Trong đó, phối hợp với UBND huyện, thị, thành chỉ đạo Phòng GD&ĐT, các cơ sở giáo dục tập trung rà soát, sắp xếp, bố trí đội ngũ, xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học, lựa chọn tổ hợp môn học hợp lý để sử dụng có hiệu quả số giáo viên hiện có. Tổng hợp xác định nhu cầu, cân đối thừa - thiếu giáo viên (theo từng môn học, từng trường học, từng cấp học...); thực hiện điều chuyển, tăng cường giáo viên từ nơi thừa đến nơi thiếu. Bố trí giáo viên dạy liên trường, liên cụm, liên cấp trên cùng địa bàn huyện, thị, thành (nhất là bộ môn mới như Tin học, Ngoại ngữ, Nghệ thuật...).

Đồng thời, chỉ đạo các trường chủ động thực hiện hợp đồng số giáo viên thiếu cần bổ sung (do nguồn giáo viên hợp đồng hiện nay hạn chế nên động viên giáo viên đã về hưu nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe, có trình độ chuyên môn tốt tiếp tục tham gia hợp đồng giảng dạy). Song song với đó, phối hợp với Sở Nội vụ, UBND huyện, thị, thành tham mưu cho UBND tỉnh đẩy nhanh việc tuyển dụng giáo viên đã được giao biên chế năm 2024.

Để thu hút, “giữ chân” giáo viên cần thực hiện đề xuất, tham mưu tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để nâng cao vị thế, thu nhập của nhà giáo như: Ban hành các chính sách, pháp luật về ưu tiên tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, phổ thông. Thực hiện chính sách tiền lương mới theo tinh thần Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT (lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp...); có chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt, tạo “sức hút” đối với thí sinh vào học các ngành đào tạo giáo viên.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Hạnh Thúy (thực hiện)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/khac-phuc-tinh-trang-thieu-giao-vien-220903.htm