Khắc phục tình trạng thiếu nguồn hiến mô, tạng

Kể từ ca ghép thận đầu tiên năm 1992 tại Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), đến nay, ghép tạng ở Việt Nam đã trở thành kỹ thuật thường quy, trình độ kỹ thuật đã bắt kịp thế giới. Tuy nhiên, nguồn mô, tạng hiến ở nước ta, đặc biệt là từ người hiến sau chết não, còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ghép mô, ghép tạng ngày càng gia tăng của người bệnh trên cả nước.

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn chuẩn bị thực hiện ca lấy, ghép tạng.

Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn chuẩn bị thực hiện ca lấy, ghép tạng.

Ghép tạng là điều kỳ diệu nhất của y học và là một trong 12 phát minh khoa học kỹ thuật vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Theo đánh giá, ghép tạng chỉ thực hiện được ở một nước có nền y học tiên tiến. Tuy nhiên tại Việt Nam, từ một nước công nghiệp lạc hậu, chiến tranh kéo dài kèm theo với cấm vận, lại xuất phát chậm hơn thế giới hơn 40 năm, chỉ sau hơn 30 năm ghép tạng Việt Nam đã theo kịp được thế giới.

Số liệu thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho thấy, tính từ ca ghép thận đầu tiên được thực hiện tại Học viện Quân y vào ngày 4/6/1992, đến hết tháng 8/2024, tổng số ca ghép tạng đã được thực hiện tại Việt Nam là 9.089 ca. Cụ thể, có: 8.331 ca ghép thận (8.011 ca hiến sống, chết não 313 ca và bảy ca chết tim); ghép gan 649 ca (521 ca hiến sống, 128 ca chết não); ghép tim 90 ca; ghép thận-tụy một ca; ghép tụy một ca; ghép tim-phổi một ca; ghép phổi 11 ca; ghép chi trên ba ca; ghép ruột hai ca.

Đáng chú ý, số lượng ca chết não hiến mô, tạng trong 9 tháng năm 2024 là 25 ca (năm 2023 chỉ có 14 ca chết não hiến mô, tạng), góp phần tăng số tạng hiến từ người chết não đạt 87/829 bệnh nhân ghép (đạt tỷ lệ 10,49%). Đây cũng được coi là số “kỷ lục” của Việt Nam, vì trước đây, tỷ lệ tạng hiến từ người chết não khoảng từ 5% đến 6%. Ngoài ra, với sự nỗ lực của ngành y tế, đến nay cả nước đã có 29 bệnh viện thực hiện ghép tạng, trong đó có 27 bệnh viện ghép thận, tám bệnh viện ghép gan, năm bệnh viện ghép tim, bốn bệnh viện ghép phổi và hai bệnh viện ghép tụy.

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Gia Khánh, Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam đánh giá, ghép tạng Việt Nam trong hơn 30 năm qua đạt được những kết quả kỳ diệu, song một cản trở lớn là thiếu nguồn tạng ghép.

Thiếu tạng ghép là vấn đề toàn cầu, song thiếu tạng ghép ở Việt Nam là trầm trọng nhất. Tỷ lệ hiến tạng trên một triệu dân ở Việt Nam năm 2023 là 0,15 (nghĩa là 10 triệu người mới có 1,5 người chết hiến tạng), chỉ bằng 1/300 của Tây Ban Nha và 1/40 của Thái Lan, thuộc nhóm nước thấp nhất trên thế giới.

Mặc dù thời gian qua, tỷ lệ đăng ký hiến tặng của người dân và tỷ lệ hiến tặng sau chết não của Việt Nam có tăng, nhưng vẫn thuộc nhóm các nước có tỷ lệ hiến tạng từ người sau chết não thấp nhất thế giới. Để giải quyết vấn đề này, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Trung tâm Điều phối tạng quốc gia và Hội Ghép tạng Việt Nam đã tích cực tìm các giải pháp, song kết quả vẫn rất hạn chế, thiếu tính bền vững.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam cho biết: Tính đến tháng 7/2024, số người đăng ký hiến mô, tạng tại Việt Nam khoảng 101 nghìn người. Trong khi đó, nguồn hiến mô, tạng tại Việt Nam trong giai đoạn 1992-2023 từ hiến chết não mới đạt khoảng 6%. Ngược lại, tại các quốc gia phát triển trên thế giới, phần lớn tạng đến từ nguồn người cho chết (từ 90% đến 95%), nguồn người cho sống chỉ chiếm từ 5% đến 10%.

Trong khi đó, mặc dù Việt Nam đã ban hành một số văn bản pháp lý cho việc hiến ghép tạng, hiến xác, nhưng thực tế cho thấy còn gặp rất nhiều khó khăn, rào cản trong vấn đề này như: Trước hết, khó khăn về quan niệm, nhận thức của người dân về hiến tạng sau chết não, quan niệm “chết phải toàn thây”, e ngại đụng vào thân thể người thân sau chết, sợ gia đình, chưa thấy hiến tạng là văn hóa, trách nhiệm và từ bi với cộng đồng.

Khó khăn tiếp theo là về cách thức đăng ký hiến tạng, cần những hướng dẫn đơn giản, dễ tiếp cận cho người dân; các quy định về pháp luật hiện hành cần được điều chỉnh để làm tăng cơ hội hiến tạng sau chết não; có cơ chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép, nhất là các chế độ cho người hiến tạng và gia đình. Trong khi đó hiện nay, truyền thông mới chỉ tập trung đưa tin về các ca ghép tạng thành công mà chưa tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp người dân về tính nhân văn, nghĩa cử cao đẹp này.

Để thúc đẩy hoạt động hiến mô, tạng tại Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, cần có sự chung tay của toàn xã hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các chức sắc tôn giáo từ Trung ương đến địa phương, nhất là các cơ quan truyền thông.

Hệ thống các bệnh viện hiến và ghép tạng cần thành lập các chi hội vận động hiến mô, tạng và các đơn vị tư vấn hiến tạng sau chết não để có sự đồng ý hiến tạng từ phía gia đình người bệnh; tôn vinh, tri ân kịp thời người hiến tạng chết não và gia đình của người hiến mô, tạng. Các địa phương cần xây dựng mạng lưới hội vận động hiến mô, tạng; tổ chức tập huấn kiến thức, thực hành và truyền thông vận động hiến mô, tạng tại cộng đồng.

Trong dự thảo Luật Hiến tạng sửa đổi tới đây, Chính phủ, Bộ Y tế cần nghiên cứu bổ sung quy định như: Những người lúc sống chưa đăng ký hiến mô, tạng nhưng khi qua đời được gia đình đồng ý vẫn có thể hiến tạng, xây dựng cơ chế tài chính, chi trả cho công tác tư vấn hiến, lấy, ghép và điều phối tạng từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn tài chính hợp pháp khác để hỗ trợ nhiều người có cơ hội được cứu sống, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Chính phủ cũng cần có quy định về quản lý nguồn tạng từ người hiến tặng; hiến tạng và được ghép tạng là quyền công dân, cần bảo đảm công bằng, công khai, để từng bước đáp ứng nhu cầu ghép mô, tạng của người bệnh ngày một gia tăng...

THÁI SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/khac-phuc-tinh-trang-thieu-nguon-hien-mo-tang-post837099.html