Khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt trong mùa khô
Mùa hạn này, vùng nông thôn Cà Mau lại thiếu nước ngọt cho các nhu cầu thiết yếu của người dân. Có nơi, trẻ em phải chắt chiu từng ca nước mưa để xối lại sau khi đã tắm bằng nước nhiễm phèn…

Bà Lý Thị Xuyên bơm nước dưới ao chứa vào lu, xử lý lại bằng phèn chua để có nước tắm, giặt.
Chắt chiu từng giọt nước
Gần ba tháng nay, gia đình bà Danh Thị Ngọc Sươl (ngụ ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh) phải bơm nước nhiễm phèn dưới cái đìa (ao) sau nhà lên mấy cái lu to (dụng cụ chứa nước), rồi xử lý tạm bằng phèn chua. Sau khi để lắng lại cho bớt tạp chất, nguồn nước ấy được gia đình bà Sươl sử dụng để tắm, giặt, rửa chén…
“Người lớn thì cố chịu chứ tụi nhỏ thì tội quá. Ngay cả khi giặt đồ, dù có bột giặt, quần áo cũng ngả màu. Bởi vậy, mọi người toàn mặc đồ tối màu chứ không dám mặc đồ trắng...” - bà Sươl chia sẻ. Để có thêm nguồn nước ăn uống, cứ cách vài hôm, ông Nguyễn Văn Dũng (chồng bà Sươl) lại phải xuống tận ấp 15 để xin nước ngọt từ các giếng khoan trong dân về xài. Chở bằng xe, mỗi lần được chừng ba can nhựa vài chục lít nước, khi hết, lại tiếp tục đi xin.
Bà Lý Thị Xuyên, hàng xóm ông Dũng chia sẻ: Nhà nào trong xóm cũng có lu, khạp trữ nước mưa, nhưng hạn chưa lâu đã hết sạch. Gia đình nào có điều kiện thì mua nước lọc (loại bình 20 lít) về xài, còn không phải đi xa để xin nước từ các giếng khoan dưới ấp 15, vì ở đó mới khoan được giếng nước ngọt.
Suốt chiều dài khoảng 6 km tuyến kênh Bảy Kinh, các hộ dân sinh sống dọc trên tuyến thuộc các ấp 12, 13, 16 và 17 cùng tình cảnh khan hiếm nước sinh hoạt trong nhiều mùa khô liên tiếp. Người dân ở đây cho hay: Khu vực này không khoan được giếng nước ngọt, hoặc có khoan thì nước lại bị nhiễm mặn, nhiễm phèn. Cách khu vực trên không xa, vùng giáp ranh với Khánh Thuận là xã Biển Bạch của huyện Thới Bình, người dân tại một số tuyến thuộc ấp 18 và ấp Thanh Tùng cũng trong cảnh tương tự.

Suốt chiều dài khoảng 6 km tuyến kênh Bảy Kinh, các hộ dân sinh sống dọc trên tuyến thuộc các ấp 12, 13, 16 và 17 cùng tình cảnh khan hiếm nước sinh hoạt trong nhiều mùa khô liên tiếp.
Ông Mai Hồng Cát, hộ dân ấp Thanh Tùng (xã Biển Bạch) cho hay: “Từ trước tới nay, nước sinh hoạt của gia đình phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nước mưa. Mưa dứt chưa lâu thì hết nước dự trữ, phải mua nước ngọt từ các ghe bên An Minh (Kiên Giang) chở qua, giá trung bình khoảng 40-45 nghìn đồng/m3”. Theo Bí thư, kiêm Trưởng ấp Thanh Tùng Lê Thành Văn, mùa khô này, toàn ấp có khoảng 165/417 hộ gặp tình cảnh thiếu nước sinh hoạt. Đây là những hộ chưa được đầu tư đường ống cấp nước. “Nhiều hộ sống phân tán ở vùng sâu, ghe chở nước không vào được, phải mua nước bình để uống và nấu ăn. Còn tắm, giặt… chủ yếu bằng nước ao, đìa hoặc nước dưới kênh nhiễm mặn...” - ông Văn chia sẻ.
Khan hiếm nguồn nước cho nên dọc các tuyến về ấp 18 và ấp Thanh Tùng, cây ăn trái, hoa kiểng… của hộ dân cũng xơ xác dưới nắng hạn.
Rốt ráo tìm giải pháp hỗ trợ kịp thời người dân
Trong lần đi khảo sát thực tế về tình hình khan hiếm nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Thới Bình gần đây vào 20/3/2025, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Hồ Hải yêu cầu các đơn vị chức năng của tỉnh nghiên cứu, có giải pháp kịp thời để giúp người dân tại các vùng khan hiếm nước sớm có nước ngọt sử dụng.
Theo báo cáo rà soát, tổng hợp mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện còn hơn 1.330 hộ dân gặp khó khăn trong tiếp cận nước sinh hoạt trong mùa khô 2024-2025, tập trung chủ yếu tại hai vùng canh tác hệ ngọt của tỉnh là huyện Thới Bình và U Minh. Tại Thới Bình, thiếu nước sinh hoạt chủ yếu trên địa bàn xã Biển Bạch, với 506 hộ, tập trung theo các tuyến kênh 500 (120 hộ), tuyến Kênh Ranh Hạt (71 hộ), tuyến Lộ Xuyên Á (204 hộ) và các hộ dân cư sống phân tán ấp 18 và Thanh Tùng… Ít hơn Thới Bình, toàn huyện U Minh còn 504 hộ thiếu nước sinh hoạt tại các xã Khánh An, Khánh Hội, Khánh Lâm, Khánh Thuận và Nguyễn Phích. Trong đó, “nóng nhất” là miệt rừng xã Khánh Thuận, với 229 hộ tại các ấp 12, 17, 19, 20…
Theo Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Cà Mau Lê Công Nguyên, đặc điểm chung của khu vực bị thiếu nước sinh hoạt là dân sinh sống phân tán, lại nằm xa các trạm nước do Nhà nước đầu tư. Trong khi đó, khu vực khan hiếm nước, người dân không khai thác được nước ngầm, nếu khoan được giếng thì bị nhiễm phèn, nhiễm mặn. “Tại các khu vực khan hiếm nước sinh hoạt, bà con dự trữ nước mưa sử dụng trong nấu nướng. Năm nào hạn kéo dài, hết nước dự trữ, người dân phải mua nước hoặc vận chuyển nước từ các điểm tập trung hoặc từ nơi khác về sử dụng...” - ông Nguyên cho hay.
10 năm gần đây, Cà Mau đã trải qua ba lần khô hạn gay gắt vào các mùa khô 2015-2016, 2019-2020 và 2023-2024 khiến kênh, rạch vùng ngọt khô cạn nước, việc vận chuyển nước sinh hoạt cho người dân tại những khu vực khan hiếm nước gặp rất nhiều khó khăn. Để giúp dân “giải cơn khát”, cơ quan chức năng địa phương phải thiết lập các điểm cấp nước tập trung, hỗ trợ dụng cụ chứa nước, thậm chí chở nước bằng xe đến tận các khu vực khó khăn về nước để người dân có nước sử dụng. Đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi các điểm cấp nước tập trung, dụng cụ trữ nước có dung tích nhỏ (bồn nhựa 1m3), không bảo đảm đủ nước cho người dân sử dụng trong những tháng mùa khô. Vậy nên, khi mùa khô đến và kéo dài, tình trạng thiếu nước sinh hoạt lại tái diễn.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Cà Mau, thời gian tới, để giải quyết căn cơ tình trạng thiếu nước, cung cấp nguồn nước sinh hoạt bền vững cho người dân, tại các khu vực chưa tiếp cận được nước nối mạng và dân cư sinh sống theo tuyến (khoảng cách mỗi hộ trung bình từ 60m trở lại), giải pháp đề ra là đầu tư công trình cấp nước, hoặc nâng cấp, mở rộng mạng ống cấp nước để dân sử dụng. Cụ thể, đầu tư nâng cấp, mở rộng 20 km mạng đường ống cấp nước cho 395 hộ dân thuộc xã Biển Bạch; đầu tư công trình xử lý nước và mở rộng 17 km mạng đường ống (để khai thác giếng khoan tại ấp 14, xã Khánh Lâm, huyện U Minh) cấp nước cho 238 hộ dân ở các xã Khánh Lâm, Nguyễn Phích, Khánh An; đầu tư nâng cấp, sửa chữa năm trạm bơm tập trung (để người dân tự đến lấy nước) cấp nước cho 229 hộ dân xã Khánh Thuận.
Còn tại khu vực dân cư phân tán, nhỏ lẻ, giải pháp đề ra là xây dựng 377 bể lót bạt chứa nước mưa cho hộ gia đình, với quy mô bể chứa dự kiến 48m3 để phục vụ sinh hoạt 111 hộ dân ở xã Biển Bạch, 229 hộ ở xã Khánh Thuận và 37 hộ ở xã Khánh An và Khánh Hội. “Tổng kinh phí xây dựng 377 bể lót bạt chưa đến bảy tỷ đồng, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 12 m3/tháng thì dung tích bể chứa nói trên bảo đảm nhu cầu sử dụng nước trong bốn tháng mùa khô” - ông Lê Công Nguyên cho biết.