Khắc phục tư tưởng 'dĩ hòa vi quý' trong sinh hoạt chi bộ

Phòng, chống tham nhũng là chủ trương lớn của Đảng đang được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh tại Việt Nam được công bố ngày 28-4 đưa ra những con số cảm nhận của người dân về tình trạng tham nhũng: 30% cho rằng phải lót tay y tế để được 'quan tâm' - kiểu mũi tiêm không đau; 30% phải lót tay giáo dục để được thầy cô 'quan tâm' hơn; 31% khẳng định phải chi thêm tiền để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... và 20% có chung nhận định, khi làm giấy phép xây dựng…

Có thể nhìn nhận tình trạng đó có một số nguyên nhân như, người đứng đầu cấp ủy chưa quan tâm đúng mức trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng. Đặc biệt trong sinh hoạt chi bộ, tự phê bình và phê bình kém, tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm vẫn còn khá phổ biến. Một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác nhìn nhận đúng mức khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao phụ trách. Có không ít đảng viên luôn trong trạng thái “thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý”, với phương châm “dĩ hòa vi quý", hoặc “gió chiều nào, che chiều ấy”... dẫn đến sức chiến đấu của cấp ủy, đảng viên của chi bộ đó chưa cao, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, trước hết người đứng đầu cấp ủy phải thực sự gương mẫu tự vượt qua chính mình, coi nêu gương chính là chìa khóa trong phòng chống tham nhũng. Đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ cán bộ đảng viên đối với những vị trí việc làm dễ phát sinh tham nhũng; khi phát hiện phải ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Đối với những đảng viên có biểu hiện nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý, thậm chí a dua, phụ họa theo những nhận thức sai trái, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, có những biểu hiện dung túng, bao che khuyết điểm, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng thì phải kiểm điểm thật sâu, thật kỹ theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Trong sinh hoạt chi bộ cấp ủy chi bộ phải bàn bạc thật kỹ trong công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý; chú ý cân nhắc cẩn thận việc bổ nhiệm những cán bộ đã từng vi phạm đến công tác tài chính, nhất là khi bổ nhiệm làm cấp trưởng hoặc ở những vị trí “nhạy cảm”, có thể phát sinh tham nhũng. Thực hiện nghiêm túc việc kê khai tài sản, cần thiết phải công khai trong chi bộ để các đảng viên nhận xét, giám sát. Hằng năm, chi bộ phải giám sát chặt chẽ những biến động về tài sản, nếu phát hiện những điều không minh bạch, bất hợp lý hoặc những gian dối, sai phạm thì phải xử lý ngay và báo cáo cấp trên có biện pháp giải quyết phù hợp.

Lam Nguyễn

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chuyen-de/nhip-cau-ban-doc/khac-phuc-tu-tuong-di-hoa-vi-quy-trong-sinh-hoat-chi-bo-132196.html