Khắc sâu lời Bác, thi đua dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học và công tác tốt
Cách đây 65 năm, nhân chuyến thăm công trình thủy nông Gia Thượng, xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội (nay là phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm, nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Cán bộ hậu cần (nay là Học viện Hậu cần). Những lời căn dặn, dạy bảo của Người đã trở thành kim chỉ nam để các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Học viện Hậu cần vượt qua mọi khó khăn, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác hậu cần và đào tạo đội ngũ cán bộ hậu cần Quân đội. Trong suốt 72 năm xây dựng, trưởng thành, Học viện Hậu cần vinh dự được Bác trực tiếp đến thăm, nói chuyện, gửi thư động viên và dành nhiều tình cảm, sự quan tâm đặc biệt. Lịch sử truyền thống của nhà trường còn ghi lại: Ngày 7-9-1958, Bác đến thăm không báo trước, lại vào ngày nghỉ nên cán bộ, học viên nhà trường rất bất ngờ, vui sướng. Bác đi thăm nhiều nơi, từ nhà ở học viên, bếp ăn đến khu tăng gia, chăn nuôi... Bác hỏi han, động viên, khen ngợi cán bộ, học viên trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn vẫn thực hiện được nền nếp chính quy, ổn định và cải thiện đời sống. Bác căn dặn mọi người phải nắm vững, thực hiện tốt nhiệm vụ của cách mạng, Quân đội; học tập phải kết hợp nhuần nhuyễn với thực hành. Bác khẳng định: Hậu cần là công việc rất quan trọng, rất đáng tự hào, lái xe, cấp dưỡng đều có tiền đồ nếu như mọi người làm tốt nhiệm vụ, chức trách của mình. Và Người căn dặn: “Vừa phải cố gắng dạy tốt, học tốt, vừa phải chú trọng tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, đúng là trường đào tạo cán bộ hậu cần”.
Vinh dự và tự hào, sau ngày Bác đến thăm trường, Hiệu ủy và Ban giám hiệu đã phát động Phong trào “Thi đua làm theo lời Bác”. Các chỉ tiêu huấn luyện, xây dựng nhà trường chính quy, tăng gia sản xuất đều được điều chỉnh nâng lên. Toàn trường sôi nổi hưởng ứng phong trào thi đua. Giáo viên đi sâu vào cải tiến phương pháp huấn luyện, làm thêm nhiều mô hình học cụ, theo sát giúp đỡ học viên với khẩu hiệu “Tất cả vì học viên”; học viên có Phong trào “Tiên tiến giúp chậm tiến”, “Chưa nắm được bài còn học” và thực hiện "4 tốt" (tư tưởng tốt, học tập tốt, điều lệnh tốt, sản xuất tốt).
Những năm sau này, quá trình đào tạo, nhà trường thường xuyên giáo dục các thế hệ học viên nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hậu cần Quân đội, về vai trò, trách nhiệm, bổn phận của người cán bộ hậu cần; luôn coi trọng gắn lý thuyết với thực hành, nhà trường gắn liền với chiến trường, đơn vị. Nhà trường chủ động xây dựng, điều chỉnh chương trình, tổ chức bồi dưỡng, đào tạo các đối tượng khác nhau, đáp ứng yêu cầu, phương châm đào tạo cán bộ hậu cần từng thời kỳ cách mạng; thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo, đã cử hàng nghìn cán bộ, giáo viên đi thực tế ở các chiến trường, các đơn vị, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ được giao, vừa nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để bổ sung vào bài giảng, biên soạn giáo trình, tài liệu góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện của nhà trường.
Để động viên, khơi dậy khát khao cống hiến của cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ, nhà trường đẩy mạnh các phong trào thi đua, nổi bật là “Thi đua làm theo lời Bác”, “Đẩy mạnh thi đua lập công ơn Bác, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thi đua dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học và công tác tốt”, “Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”... biến phong trào thi đua thành hành động cách mạng, tập trung đột phá vào những nhiệm vụ trọng tâm trong từng giai đoạn. Ghi sâu lời Bác dạy, nhà trường thường xuyên đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tạo thành phong trào sôi nổi với nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả; thực hiện tốt quan điểm “hậu cần hai trong một”, vừa cải thiện, nâng cao đời sống bộ đội, vừa phục vụ huấn luyện thực hành, bồi dưỡng kinh nghiệm tổ chức tăng gia sản xuất cho người học.
Không ngừng học tập và làm theo Bác, bằng công sức, trí tuệ, các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Học viện Hậu cần đã xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Tuyệt đối trung thành, chủ động sáng tạo, đoàn kết chặt chẽ, dạy tốt học tốt, gắn với chiến trường, hướng về đơn vị”. Dù thời chiến hay thời bình, nhiệm vụ thường xuyên hay đột xuất, Học viện luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhà trường đã đào tạo được hàng vạn cán bộ, nhân viên hậu cần, tài chính cho Quân đội. Các thế hệ học viên khi ra trường đã có mặt ở khắp các chiến trường, đơn vị trong toàn quân, hăng hái tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu và xây dựng Quân đội. Hàng nghìn đồng chí đã được tặng thưởng huân chương, huy chương các loại, nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và Quân đội; được phong tặng danh hiệu cao quý... Học viện vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đó là những minh chứng sinh động cho hành trình làm theo lời Bác dạy của các thế hệ cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ nhà trường.
65 năm trôi qua, hình ảnh và những lời động viên, chỉ bảo ân cần của Bác khi đến thăm trường vẫn mãi khắc ghi trong tâm khảm, là động lực to lớn để các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Học viện Hậu cần không ngừng tiếp nối xây dựng Học viện ngày càng phát triển. Giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu đó, hiện nay, cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Học viện đang đẩy mạnh thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới; xây dựng Đảng bộ Học viện trong sạch vững mạnh, Học viện vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, xứng đáng là “trường đào tạo cán bộ hậu cần” như lời dạy và mong muốn của Người.
Trung tướng DƯƠNG ĐỨC THIỆN, Chính ủy Học viện Hậu cần
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.