Khắc sâu trong tim lời Bác Hồ dạy năm xưa - Kỳ 3: Nhớ lời Bác dạy, học tiếng để hiểu đồng bào

BHG - “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, đó là câu nói mà ở Hà Giang chúng ta thường nghe thấy mỗi khi đi cơ sở, trong các nội dung công việc hướng về cơ sở và trong công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền các cấp. Và để có thể hiểu được đồng bào, giúp đồng bào hiểu cán bộ, sẵn sàng tiếp thu các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, có một thứ khá quan trọng, đó là việc nói được tiếng của đồng bào nơi địa phương mình đến.

Thiếu niên, nhi đồng các dân tộc Hà Giang chụp ảnh cùng Bác Hồ

Thiếu niên, nhi đồng các dân tộc Hà Giang chụp ảnh cùng Bác Hồ

Với Hà Giang, một tỉnh có 19 dân tộc anh em, điều kiện KT – XH còn nhiều khó khăn. Năm 1961, trong điều kiện đất nước bị chia cắt 2 miền Nam, Bắc và phải đương đầu với đế quốc Mỹ xâm lược. Tháng 3 năm đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, Hồ Chủ tịch lên với Hà Giang. Trong sự kiện này, chúng tôi được nghe nhiều nhân chứng kể lại những kỷ niệm, những hình ảnh, lời dạy đầy ý nghĩa của Người. Bác Nguyễn Văn Thập, ở phường Minh Khai, Tp. Hà Giang, một cán bộ của Phòng Bảo vệ nội bộ, Ty Công an Hà Giang, là người được trực tiếp tham gia làm nhiệm vụ dịp Bác lên thăm Hà Giang. Bác Thập nay đã mất vì tuổi cao, nhưng những câu chuyện và chi tiết bác kể lại với chúng tôi về Bác Hồ trong lần lên thăm Hà Giang thực sự là những tư liệu, thông tin cực kỳ quý giá.

Bác Nguyễn Văn Thập kể, tối 26.3 tại trụ sở Tỉnh ủy, nay là địa điểm của Mặt trận Tổ quốc tỉnh, trong lúc nói chuyện bên lề với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Bác Hồ có hỏi Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang khi đó là đồng chí Nguyễn Văn Xã rằng, “cán bộ Hà Giang có nhiều người biết tiếng địa phương không!?”. Bí thư Nguyễn Văn Xã liền trả lời, “thưa Bác, anh em cán bộ ở tỉnh Hà Giang chủ yếu là người dưới xuôi lên, đa phần không biết tiếng của đồng bào. Mỗi khi đi công tác cơ sở thì nhờ cán bộ ở địa phương làm phiên dịch hộ ạ!” Bác Hồ hỏi tiếp, “thế bây giờ anh em cán bộ của tỉnh có học được tiếng của đồng bào các dân tộc không!?”, Bí thư Nguyễn Văn Xã liền trả lời, “thưa Bác, học được ạ!”. Bác lại hỏi tiếp, “thế học trong bao lâu thì có thể nói được tiếng của đồng bào!?”, đồng chí Xã liền thưa, “dạ một năm là có thể học được Bác ạ!”. Nghe đồng chí Nguyễn Văn Xã nói vậy, Bác cười rất vui, Người giơ 2 ngón tay và nói, “Bác cho các chú hẳn 2 năm để học tiếng của đồng bào nhé”. Bác Nguyễn Văn Thập nhớ lại, mọi người có mặt tại cuộc trò chuyện đặc biệt đó ai cũng phấn khởi cười tươi và nói, chúng cháu học được Bác ạ!

Nhớ lại các buổi nói chuyện của Bác tại Hà Giang tháng 3.1961, nhiều đồng chí lão thành của tỉnh đã kể lại với chúng tôi rằng, khi ấy nghe báo cáo của tỉnh về tình hình Hà Giang, Bác Hồ cũng được biết đồng bào các dân tộc ở tỉnh còn nhiều người chưa biết tiếng phổ thông. Chính vì thế, trong buổi nói chuyện với đại biểu về dự Đại hội Đảng bộ và Đại hội Thi đua sản xuất của tỉnh, ngày 26.3.1961, Bác đã nói, “Cán bộ các nơi khác đến, không biết tiếng địa phương thì phải học tiếng địa phương. Bởi không có thể cán bộ đi công tác đều phải có một người phiên dịch. Dù có người phiên dịch thì nói chuyện cũng khó khăn. Không biết tiếng thì nói chuyện với đồng bào dân tộc không được”. Và sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Giang báo cáo, thời gian qua có nhiều giáo viên miền xuôi tăng cường lên Hà Giang dạy học đã tự học tiếng dân tộc để phục vụ cho công việc vận động đồng bào học chữ, sáng 27.3.1961, trong buổi nói chuyện với đồng bào Hà Giang, Bác Hồ có động viên: “Bác có lời khen các cô giáo, thầy giáo đã từ miền xuôi xung phong lên Hà Giang dạy văn hóa cho đồng bào, lại cố gắng học tiếng địa phương”.

Ông Trần Chí Thành, nguyên giáo viên tình nguyện lên Hà Giang nói về việc Bác căn dặn phải học tiếng của đồng bào các dân tộc

Được biết, ngay sau chuyến thăm của Bác Hồ, tỉnh ta đã nhanh chóng mở một đợt học tập, là theo lời dạy của Bác. Tỉnh ủy chỉ đạo cán bộ, đảng viên trong tỉnh nghiêm túc thực hiện lời Bác dạy, với những người chưa biết chữ thì học chữ, với những cán bộ, đảng viên từ dưới xuôi lên chưa biết tiếng địa phương thì tự học tiếng địa phương. Và với mỗi cán bộ, đảng viên, những lời dạy của Hồ Chủ tịch như một nguồn sức mạnh, không chỉ chỉ rõ những hạn chế của mỗi người, của địa phương, mà còn là nguồn động lực để cán bộ, đảng viên và mỗi người dân cùng vượt khó, thực hiện tốt lời dạy của Người. Chính vì thế, trong nhiều năm về sau, nhiều cán bộ Hà Giang không chỉ tự học, biết được tiếng đồng bào mà còn rất giỏi, thậm chí là nói tiếng đồng bào không khác gì người địa phương.

Bà con các dân tộc Hà Giang chào đón Hồ Chủ tịch

Bà con các dân tộc Hà Giang chào đón Hồ Chủ tịch

Qua 60 năm, kể từ ngày Hồ Chủ tịch lên thăm, lời dạy của Người về việc học tiếng đồng bào đó chính là thể hiện của tư tưởng đoàn kết các dân tộc. Vì thế, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang luôn khắc ghi và thực hiện lời dạy của Người, coi đó không chỉ là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên mà còn coi việc học tiếng của đồng bào như là việc thắt chặt sợi dây đoàn kết với đồng bào. Với ý nghĩa đó, những năm qua từ tỉnh đến các huyện, thành phố, các địa phương cơ sở đều quan tâm vận động cán bộ, đảng viên học tiếng của đồng bào các dân tộc, các tổ chức cơ sở Đảng ở Hà Giang, đặc biệt là ở vùng khó khăn, vùng biên giới, cấp ủy huyện, xã còn giao nhiệm vụ cho cấp ủy viên nắm thôn, bản thông qua công tác phụ trách; đảng viên nắm hộ thông qua việc theo dõi, đỡ đầu, hỗ trợ trực tiếp giúp các hộ khó khăn vươn lên. Qua đó, có nhiều cán bộ, đảng viên khi về cơ sở, với trách nhiệm công việc, đã nói thông thạo không chỉ một mà hai, ba thứ tiếng của đồng bào địa phương.

Các đơn vị như Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Dân tộc tỉnh, Sở GD&ĐT và nhiều cơ quan, đơn vị chức năng ở các huyện đã tích cực xin chủ trương mở các lớp học tiếng địa phương, trong đó đặc biệt là tiếng Mông, bởi người Mông là một trong những dân tộc có dân số đông nhất trong tỉnh, sống ở những vùng có điều kiện KT – XH khó khăn, nhiều người còn chưa biết tiếng phổ thông. Tham gia quá trình dạy tiếng Mông cho cán bộ miền xuôi lên, có nhiều cán bộ, giáo viên dạy tiếng dân tộc được đánh giá cao về khả năng truyền dạy như bác Hùng Đình Quý, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, anh Vàng Chẩn Giáo, nguyên Phó giám đốc Sở Nội vụ, các anh Hùng Đại Kỳ, cán bộ Sở VHTT&DL và các thầy, cô giáo người Mông đang dạy học tại một số trường tiểu học trong tỉnh, như Vương Đình Chung, Vàng Lưu Ly… Họ đã tham gia dạy rất nhiều lớp tiếng dân tộc cho cán bộ, đảng viên trong tỉnh. Rất nhiều lớp dạy tiếng Mông, Dao, Tày…, của tỉnh đã được tổ chức thành công trong hàng chục năm qua, nhiều cán bộ đi trước, biết tiếng đồng bào đã truyền dạy lại cho thế hệ cán bộ đi sau. Từ đó, không chỉ mang đến khả năng nói thạo tiếng của đồng bào mà còn giúp trang bị những kiến thức về văn hóa, ứng xử gần gũi với đồng bào, sự sâu sát thực tiễn đời sống các dân tộc. Qua đó, giúp cho cán bộ, đảng viên từ việc học tiếng có thể hiểu đồng bào, hiểu cơ sở, có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ công việc của mình.

Bài tiếp theo: Những lời dạy của Bác là kim chỉ nam dẫn bước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Giang

Huy Toán

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202108/khac-sau-trong-tim-loi-bac-ho-day-nam-xua-ky-3-nho-loi-bac-day-hoc-tieng-de-hieu-dong-bao-780815/