Thấy gì qua chia sẻ 'từ lúc thi trượt lớp 10, bố mẹ chẳng nhìn con lấy một lần'?

Sau mỗi kỳ thi, bên cạnh niềm vui hân hoan của thí sinh trúng tuyển thì đâu đó có những nỗi buồn tủi thất vọng của học sinh khi không đạt quả tốt như mong đợi.

Tâm sự của nam sinh thi trượt lớp 10

Kỳ thi vào lớp 10 THPT Hà Nội đã dần khép lại sau khi Sở GD&ĐT công bố điểm chuẩn. Chiều nay, các thí sinh trúng tuyển sẽ nộp hồ sơ nhập học, thí sinh làm đơn phúc khảo thì chờ đợi điểm thi hoặc thí sinh không trúng các nguyện vọng tìm cho mình một lựa chọn khác ở ngôi trường ngoài công lập.

Ngay sau khi có điểm thi, bên cạnh niềm vui hân hoan của thí sinh trúng tuyển là nỗi buồn tủi thất vọng của các em chẳng may thi trượt vào lớp 10. Mới đây, một bài viết được cho là của một nam sinh sinh năm 2009 trượt nguyện vọng 1 có dòng chia sẻ khiến nhiều người day dứt, bật khóc.

Bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội.

Bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội.

Sau khi bài viết chia sẻ đã nhận được nhiều ý kiến. Nhiều người động viên nam sinh cố gắng vượt qua, kỳ thi này chỉ là thử thách, đồng thời chỉ trích bố mẹ đã gây áp lực thêm cho con. Đau khổ, buồn chán, thất vọng, tự ti... Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều thí sinh không đạt kết quả thi như mong muốn.

Cần làm gì để giúp thí sinh "chống sốc" khi thi trượt lớp 10?

Để động viện học trò của mình vượt qua nỗi buồn vì trượt lớp 10 công lập, cô Nguyễn Thị Thu Hiền - giáo viên dạy Ngữ văn ở Hà Nội cho biết, học sinh ngày nay phải chịu khá nhiều áp lực, vừa là áp lực tâm sinh lý lứa tuổi, áp lực học hành, thi cử, áp lực phải bằng với các bạn đồng trang lứa. Một số em lại phải "cõng" trên vai cả những mong muốn, ước mơ của bố mẹ.

Theo cô Hiền, có em học rất chăm chỉ nhưng kết quả lại không được nhưng mong đợi. Cũng có em trượt lớp 10 công lập chỉ vì làm sai một câu trắc nghiệm hay nhầm một chi tiết nhỏ dẫn tới thiếu 0,25 điểm đã khiến cơ hội đỗ vào trường THPT công lập của các em vụt mất.

"Với những em trượt lớp 10 rất cần sự chia sẻ, động viên từ thầy cô, bạn bè và đặc biệt là gia đình. Trong giai đoạn này, bố mẹ cần làm sao để giúp các em thấy yên tâm, an toàn. Hãy cố gắng hiểu mọi cố gắng của con".

Cô Hiền cho biết, việc trượt lớp 10 công lập cũng chỉ là một cú sốc trước mắt với nhiều học sinh, nhiều gia đình. Về đường dài, học sinh không thiếu các lựa chọn. Với gia đình có điều kiện thì học dân lập, còn nếu khó khăn thì học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. "Trượt lớp 10 chưa hẳn đã là điều không may. Dù ở môi trường nào, nếu các em thật sự nỗ lực, nghiêm túc, tìm được đúng khả năng của mình thì các em sẽ thành công. Cần nhất là các em vượt qua được cú sốc vào lúc này".

Còn theo PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), sau mỗi kỳ thi, nhiều học sinh nhận được kết quả không như mong muốn, đó có thể là việc chưa đỗ được vào các trường công lập. Không ít em khi đó sẽ cảm thấy bản thân thất bại, trở nên buông xuôi, tự cô lập mình với gia đình, bạn bè, người thân, thậm chí có những em có xu hướng tự chừng phạt bản thân mình.

"Thực tế nhiều người thường bị thất bại "cầm tù", định kiến rằng thành công là tốt, còn thất bại là xấu và khi nói về thành công bao giờ cũng vui hơn thất bại. Nên chúng ta thường chần chừ trước một nhiệm vụ mới, một sự kiện cảm thấy khó khăn. Khi đó, lo âu sẽ tăng lên, chúng ta không tự tin khi sự kiện đó đang đến gần, chúng ta nói rằng mình chưa sẵn sàng. Đó đều là những dấu hiệu tiền đề của những người thất bại và sợ thất bại, cũng chính là mầm mống làm nguy cơ thất bại cao hơn.

Những thí sinh theo chủ nghĩa hoàn hảo, các bạn cũng luôn có cảm giác mọi thứ phải theo cách này hay cách kia của mình, đó mới là thành công. Nhưng những người như thế thường sợ thất bại và cũng dễ gặp thất bại nhiều hơn.

"Thất bại có đáng sợ hay không?", PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, về cơ bản nó đáng sợ với rất nhiều người vì khi vấp ngã sợ bị chỉ trích và đánh giá thấp, cảm thấy xấu hổ, có lỗi hay lòng tự trọng bị tổn thương và né tránh sự thất bại này. Chúng ta cố để không đương đầu với thử thách, rồi chúng ta ngừng học hỏi, ngừng tiếp nhận những cái mới, lúc nào cũng chỉ giữ cho bản thân ở mức độ an toàn. Nhưng sự thật là những nhà đầu tư, doanh nhân huyền thoại họ đã từng thất bại rất nhiều trước khi họ thành công".

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thay-gi-tu-chia-se-tu-luc-thi-truot-lop-10-bo-me-chang-nhin-con-lay-mot-lan-169240705112046335.htm