Truyền thông Nga cho biết, Công ty Kronshtadt của nước này sẽ xúc tiến xuất khẩu các máy bay không người lái tấn công Orion-E vốn được mệnh danh là “khắc tinh Bayraktar TB2” tới các khách hàng nước ngoài vào năm 2022.
Trước diễn biến trên, theo tờ Sohu của Trung Quốc, ít nhất 20 quốc gia muốn mua chiếc UAV do Nga sản xuất. Với Orinon-E, Moskva hoàn toàn có thể thay đổi tình hình trên thị trường máy bay không người lái quân sự toàn cầu theo hướng có lợi cho mình.
Tờ Sohu bình luận, trong thế kỷ này, các cường quốc quân sự trên thế giới bắt đầu tích cực phát triển phương tiện tác chiến không người lái, trong đó những UAV tiên tiến được trang bị các hệ thống tình báo, liên lạc và tấn công hàng đầu.
Với sự phát triển của công nghệ, máy bay không người lái bắt đầu đóng vai trò then chốt trong bất kỳ hoạt động quân sự nào, thậm chí ví dụ điển hình là cuộc chiến Nagorno-Karabakh còn cho thấy vai trò quyết định của UAV Bayraktar TB2.
Đáng ngạc nhiên ở chỗ Nga mặc dù là một cường quốc quân sự hàng đầu, nhưng trình độ phát triển máy bay không người lái của nước này vẫn còn nhiều điều chưa tương xứng cho đến gần đây.
Vấn đề là trong khi các quốc gia như Mỹ hay Thổ Nhĩ Kỳ đạt được nhiều thành tựu thì Liên bang Nga lại bị chìm trong những cuộc khủng hoảng kéo dài từ những năm 1990 cho tới đầu thập niên 2000.
“Nhờ sự xuất hiện của phương tiện bay không người lái như Orion, Nga cuối cùng đã bắt kịp những quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Tất nhiên nếu muốn vượt qua đối thủ, Moskva cần tiếp tục nỗ lực phát triển nhiều hơn nữa”, Sohu nhận xét.
Tuy nhiên theo tờ báo Trung Quốc, chỉ một mình sản phẩm Orion-E vẫn là quá đủ để Nga thay đổi tình hình thị trường UAV thế giới theo hướng có lợi cho mình.
Không phải vô cớ khi nhiều chuyên gia quân sự quốc tế gọi nó là "khắc tinh của Bayraktar TB2” do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất - một trong những máy bay không người lái tấn công tốt nhất trên thế giới hiện nay.
Theo ghi nhận của Sohu, UAV Orion-E được thiết kế theo kiểu module. Máy bay không người lái Nga sử dụng hàm lượng lớn vật liệu đặc biệt, chẳng hạn như sợi carbon để giảm trọng lượng thực tế, nó cũng có thể thích ứng với môi trường để tùy chỉnh thiết bị mang theo.
Trang Sohu nhận xét, UAV mới của Nga là kết quả của sự đổi mới công nghệ và kinh nghiệm mà nước này tích lũy được trong những năm gần đây. "Máy bay không người lái Orion đại diện cho sức mạnh thực sự của Nga", tờ Sohu kết luận.
Mặc dù vậy, báo chí phương Tây lại nhận xét rằng chưa có gì đảm bảo UAV Orion (với phiên bản xuất khẩu Orion-E) sẽ thành công trên thị trường thế giới như những điều Nga và đồng minh Trung Quốc của mình tung hô.
UAV Orion bị nhận xét chỉ tương đương với chiếc MQ-1 Predator mà Mỹ đã sử dụng trên chiến trường từ hàng chục năm qua, nó thậm chí còn thua kém nhiều so với phiên bản nâng cấp MQ-9 Reaper.
Chưa dừng lại đó, Orion chưa trải qua quá trình thực chiến đầy đủ để kiểm nghiệm hết tính năng, trong khi so sánh giá thành lại đắt vượt trội Bayraktar TB2 và ngay cả CH-4B do Trung Quốc chế tạo.
Bạch Dương