Khách chê tàu xóc, dịch vụ nghèo nàn, đường sắt nói gì?

Nhiều công ty du lịch, lữ hành phàn nàn về tình trạng quá xóc, lắc khi đi tàu, chưa kể, hạ tầng cho khách du lịch quá nghèo nàn.

Ga Hà Nội chưa có phòng đợi tàu, hạ tầng dịch vụ dành riêng cho khách du lịch theo đoàn

Ga Hà Nội chưa có phòng đợi tàu, hạ tầng dịch vụ dành riêng cho khách du lịch theo đoàn

Nguyên nhân “biết rồi, khổ lắm”

Vừa trở về sau chuyến du lịch Đà Nẵng nhân đường sắt giảm giá vé mùa vắng khách, bà Trần Kim Anh (nguyên giảng viên âm nhạc tại TP HCM) chia sẻ: “Có thời gian, đi du lịch bằng tàu vẫn thích nhất. Vừa thoải mái, vừa an toàn. Tàu đẹp hơn trước rất nhiều. Có điều từ Sài Gòn đi Đà Nẵng thời gian dài quá, mười mấy tiếng đồng hồ. Tàu vẫn xóc lắc. Ga Đà Nẵng cũng chưa được thuận tiện cho khách như ở ga Sài Gòn...”.

Thừa nhận điều này, ông Trần Thiện Cảnh, Phó tổng giám đốc TCT Đường sắt VN cho hay: Ngoài nguyên nhân chính “gốc” là hạ tầng cũ kĩ, đường đơn dẫn đến bó buộc, khó khăn trong điều hành tổ chức chạy tàu để nâng cao tốc độ, rút ngắn hành trình, việc các tỉnh yêu cầu hạn chế hoặc cấm các đoàn tàu nói chung vào thành phố tại các giờ cao điểm ban ngày nên việc sắp xếp giờ tàu đi, đến rất khó khăn.

“Khổ đường hẹp 1.000mm có độ ổn định thấp làm ảnh hưởng tới độ êm của đoàn tàu, hạn chế tốc độ chạy tàu, chỉ có thể chạy tối đa 120km/h nên làm tăng thời gian di chuyển của hành khách. Mặt khác, hầu hết các nhà ga đều đã được xây dựng từ rất lâu, quá niên hạn sử dụng hoặc mất an toàn, trong đó có đến 220/297 ga, chiếm tỷ lệ 74%”, ông Cảnh nói.

Cho biết nhận được nhiều ý kiến phàn nàn về thời gian lữ hành trên tàu quá dài, tàu xóc lắc do hạ tầng quá xuống cấp, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội nói: Hạ tầng phục vụ du lịch như phòng đợi tàu, khu vệ sinh hay các trang thiết bị dành riêng cho các đoàn khách trong khi chờ tàu không có hoặc nếu có cũng không đảm bảo yêu cầu. “Như ga Đà Nẵng là điểm đến du lịch lớn như vậy nhưng không có khu dịch vụ dành riêng cho khách du lịch, phòng đợi tàu chung thì nhỏ, ngoài đường ga không có ke ga cao…”, bà Hà nêu ví dụ.

Giấc mơ đảm nhiệm 3 - 4% thị phần quá xa vời?

Có 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố, kết nối với nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn, tuy nhiên, đường sắt vẫn chưa phát huy được lợi thế, tiềm năng này. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2018, tổng lượng khách du lịch của Việt Nam là 95.497 nghìn lượt khách, tổng doanh thu là 637.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng khối lượng vận chuyển hành khách năm 2018 của Tổng công ty Đường sắt VN là 8.687 nghìn lượt khách, tương đương với 9,1% lượng khách du lịch; tổng doanh thu 2.814 tỷ đồng, tương đương với 0,44% tổng doanh thu khách du lịch.

Ông Vũ Khắc Điệp, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT cho biết, Bộ GTVT đang chủ trì xây dựng Đề án cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch nhằm thu hút đối tượng khách hàng tiềm năng này, góp phần đảm bảo giành được 3 - 4% thị phần vận tải theo quy hoạch giai đoạn 2020 - 2030.

Theo đó, đề án sẽ tập trung vào các giải pháp cải thiện hạ tầng kết cấu hạ tầng đường sắt bằng cách đầu tư mới hoặc cải tạo, nâng cấp; Đồng thời đầu tư hạ tầng dịch vụ khu ga. Cùng đó, nâng cao chất lượng dịch vụ ở nhiều mặt, từ chất lượng phương tiện đến đào tạo...

Để thực hiện được các giải pháp này, theo ông Điệp, các bộ, ngành và kể cả các địa phương cần có những cơ chế, chính sách tạo thuận lợi. Trong đó, cần tăng 15% vốn bảo trì cho hạ tầng đường sắt hàng năm để dần cải thiện hạ tầng hiện hữu. “Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý mỗi năm tăng 30% vốn bảo trì so với năm trước để đến năm 2023 đáp ứng được đủ vốn theo định mức kinh tế kĩ thuật. Nhưng trên thực tế việc cấp vốn không được như vậy. Như năm 2020, khoản tiền này tăng không đáng kể, khoảng 2,9%, thậm chí còn không đủ trả chênh lệch nhân công do tăng lương cơ bản”, ông Điệp thông tin.

Ông Trần Thiện Cảnh cho biết, mục tiêu chiếm 3 - 4% thị phần là vô cùng khó. Năm 2018, sản lượng vận chuyển hành khách của đường sắt là 8,6 triệu lượt hành khách, chỉ chiếm tỷ lệ 0,20% sản lượng của cả nước. Vì vậy, nếu không được quan tâm, có cơ chế ưu đãi đầu tư như Luật Đường sắt 2017 đã đề ra, vận tải đường sắt chắc chắn không đạt được mục tiêu này.

Cụ thể, doanh nghiệp (DN) này đề nghị được kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ vận tải đường sắt trong và ngoài khu ga, bao gồm: Trung tâm thương mại; nhà hàng; dịch vụ lưu trú, khách sạn; văn phòng cho thuê; quảng cáo; dịch vụ tổ chức sự kiện; dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí…

“Tổng công ty có thể tự đầu tư hoặc liên danh, liên kết và kêu gọi các nguồn xã hội hóa từ các DN để đầu tư nâng cấp, cải tạo nhà ga nhằm đem lại sự thuận tiện tối đa cho hành khách và tăng doanh thu trong ngành. Dự kiến nếu triển khai ngay thì đến năm 2025, các dịch vụ này sẽ đem lại khoảng 70 tỷ đồng/năm, tương đương tăng 145% so với doanh thu từ dịch vụ này hiện nay”, ông Cảnh nói và kiến nghị cần tạo hành lang pháp lý đồng bộ để ngành đường sắt có thể phát triển có chất lượng và hiệu quả cả về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ lẫn dịch vụ, thu hút các DN trong và ngoài nước tham gia đầu tư kinh doanh đường sắt, phát triển công nghiệp đường sắt.

Phía Bộ Tài chính cũng cho rằng, nhìn chung năng lực cạnh tranh của vận tải đường sắt đối với các phương tiện vận tải khác tương đối yếu, đặc biệt là những tuyến chịu sự cạnh tranh quá lớn của việc phát triển hệ thống đường bộ cao tốc như tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng. Do đó, cần đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt. Tuy nhiên, cần nghiên cứu chỉ tập trung vào các tuyến thực sự có lợi thế.

“Nên cân nhắc việc đầu tư tăng cường số lượng đôi tàu phục vụ/ngày đêm. Thay vào đó, tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và dịch vụ chạy tàu để thu hút khách du lịch”, đại diện Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Kỳ Nam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khach-che-tau-xoc-dich-vu-ngheo-nan-duong-sat-noi-gi-d447994.html