Khách đi trên chuyến bay giải cứu có phải là bị hại, có được bồi thường?
Kinhtedothi – Trong các chuyến bay giải cứu, hàng nghìn người dân đã phải trả các chi phí cao gấp nhiều lần so với chi phí thông thường. Vậy các hành khách này có được xác định là bị hại và có được bồi thường hay không?
Liên quan vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.
Trong các chuyến bay giải cứu, hàng nghìn người dân đã phải trả các chi phí cao gấp nhiều lần so với chi phí thông thường. Liên quan vụ việc, cơ quan chức năng đã cáo buộc hàng chục quan chức nhận hối lộ gần 180 tỷ đồng trong quá trình hoàn thiện hồ sơ. Vậy các hành khách đi trên các chuyến bay giải cứu có được xác định là bị hại và có quyền yêu cầu bồi thường hay không?
Vụ án giải cứu công dân, đưa công dân về nước trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đã có kết luận điều tra. Với 146 trang kết luận điều tra, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã đề nghị truy tố đối với hàng chục bị can. Với nội dung kết luận điều tra này, cơ quan điều tra không xác định các công dân về nước là người bị hại, thậm chí cũng chưa xác định tư cách họ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.
Tại kết luận điều tra mới ban hành, cơ quan an ninh đề nghị truy tố 54 bị can trong vụ án "Đưa hối lộ – Nhận hối lộ – Môi giới hối lộ", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và một số tỉnh. Nhóm này bị cáo buộc lợi dụng các chuyến bay giải cứu, đưa công dân về nước trong dịp Covid-19 bùng phát để trục lợi. Kết luận điều tra không thể hiện số tiền người dân “bị mất” khi về nước trên những chuyến bay như vậy, nhưng cáo buộc 21 quan chức nhận hối lộ gần 180 tỷ đồng trong quá trình hoàn thiện hồ sơ.
Theo nội dung kết luận điều tra của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an, những người đưa hối lộ là cá nhân, tổ chức thực hiện các dịch vụ bay của các công ty thực hiện dịch vụ đưa công dân về nước. Số tiền mà các đối tượng đưa hối lộ được lấy từ tiền vé máy bay, tiền chi phí cách ly, lưu trú đã thu của công dân về nước.
Theo nội dung kết luận điều tra, các công dân về nước phải chi trả tiền vé máy bay giá cao, tiền chi phí ăn nghỉ, lưu trú, cách ly y tế. Cơ quan điều tra xác định đây không phải là hành vi đưa hối lộ, nói cách khác khi chưa xác định trường hợp nào đưa hối lộ để được về nước, đối tượng thực hiện hành vi đưa hối lộ là đầu mối các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ đưa công dân về nước thông qua việc bán vé máy bay, đứng ra tổ chức cho công dân về nước.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra khởi tố về nhiều tội danh, trong đó có tội đưa hối lộ, tội nhận hối lộ, tội môi giới hối lộ, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với những người đưa tiền cho người có chức vụ quyền hạn để những người có chức vụ quyền hạn thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì bị xử lý về tội đưa hối lộ, người có chức vụ quyền hạn mà nhận tiền để thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền thì sẽ bị xử lý về tội nhận hối lộ.
Kết luận điều tra không kết luận rằng công dân về nước có hành vi đưa hối lộ, nếu các công dân phải chi số tiền lớn hơn số tiền mà Nhà nước quy định thì có thể yêu cầu các doanh nghiệp dịch vụ trả lại tiền. Mối quan hệ giữa công dân với các đơn vị dịch vụ bán vé máy bay, dịch vụ đưa công dân về nước là quan hệ dân sự, kinh tế, được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự và các quy định về kinh doanh, thương mại.
Về góc độ pháp lý, giá vé máy bay, giá dịch vụ lưu trú sẽ biến động theo giá thị trường, Nhà nước không quy định giá cả cụ thể đối với các dịch vụ này nên rất khó để xác định trách nhiệm hoàn trả tiền của các doanh nghiệp đã thu tiền dịch vụ của công dân về nước. Có lẽ vì thế mà kết luận điều tra không xác định các công dân về nước là người bị hại hay người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án này, có thể họ sẽ là những người làm chứng trong một số trường hợp.
Khi đưa vụ án này ra xét xử, tòa án sẽ cân nhắc đến vai trò tố tụng của những người có liên quan trong việc nộp tiền để được về nước hoặc với vai trò là người làm chứng. Nếu là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan thì việc giải quyết vụ án phải liên quan đến quyền lợi hoặc nghĩa vụ của họ. Còn nếu là người làm chứng, họ phải là người chứng kiến, biết được hành vi vi phạm pháp luật của bị can, bị cáo nào đó hoặc biết những tình tiết có ý nghĩa quan trọng của vụ án thì tòa án mới triệu tập để tham gia tố tụng. Vấn đề này TAND TP Hà Nội sẽ kiểm tra, xem xét và quyết định trong thời gian tới đây khi hồ sơ được chuyển sang tòa án để xét xử.
Vậy phải chăng, với các giao dịch dân sự, kinh tế hợp pháp đã được thực hiện thì các bên phải thực hiện theo nội dung thỏa thuận, thưa ông?
Đúng vậy! Trường hợp các công dân phải nộp các số tiền trái với quy định của Nhà nước hoặc các tổ chức cá nhân đã gian dối trong việc thu tiền hoặc có những hành vi khác khiến cho giao dịch đó bị vô hiệu (như bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép...) thì có thể khởi kiện thành vụ án dân sự riêng để đòi tiền đối với các doanh nghiệp đã thu tiền của công dân Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh. Còn đối với các trường hợp giao dịch là hợp pháp, tự nguyện, việc nộp tiền là công khai ngay tình, tổ chức thu tiền có chức năng nhiệm vụ được pháp luật cho phép, giá cả theo thỏa thuận thì đây là quan hệ dân sự kinh tế hợp pháp, chưa có cơ sở pháp lý để công dân có thể yêu cầu tổ chức, doanh nghiệp này phải trả tiền.
Còn đối với các bị can thực hiện hành vi nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ thì không nhận trực tiếp lợi ích từ các cá nhân công dân nên sẽ không có trách nhiệm hoàn trả. Đối với hành vi nhận hối lộ, của nhận hối lộ sẽ bị thu hồi, sung vào công quỹ Nhà nước. Trừ trường hợp người đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được trả lại một phần của hối lộ hoặc trả lại toàn bộ của hối lộ theo quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự.
Trong vụ án này, cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ mối quan hệ giữa công dân và các doanh nghiệp đã đứng ra tổ chức cho công dân về nước, làm rõ tính pháp lý của các giao dịch phải việc nộp tiền để thực hiện các dịch vụ về nước. Sẽ làm rõ dòng tiền di chuyển và trách nhiệm pháp lý của các tổ chức cá nhân có liên quan để giải quyết triệt để vụ án này trong phiên tòa tới đây, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự theo quy định của pháp luật. Với các giao dịch dân sự, kinh tế hợp pháp, đã được thực hiện thì các bên phải thực hiện theo nội dung thỏa thuận. Đối với các giao dịch dân sự, kinh tế vô hiệu do bị lừa dối, do nội dung và mục đích trái pháp luật thì sẽ bị hủy bỏ, người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý bằng các chế tài của pháp luật.
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố rất nhiều bị can là lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo các tỉnh, TP về nhiều tội danh khác nhau. Vậy, trong vụ án này, Nhà nước có được xác định là bị hại?
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố rất nhiều bị can về nhiều tội danh khác nhau, trong đó không có tội tham ô tài sản, không có tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí... Hoặc các tội danh khác xâm phạm đến trực tiếp đến quyền lợi của Nhà nước nên không xác định Nhà nước là bị hại trong vụ án này.
Theo quy định tại Điều 62 Bộ luật Tố tụng hình sự: “Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra”.
Trong vụ án này, có rất nhiều cán bộ cao cấp bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, với kết quả điều tra cho đến nay thì hành vi của các bị can không trực tiếp xâm phạm đến tài sản của cơ quan Nhà nước nên không xác định Nhà nước là bị hại trong vụ án này. Việc xác định tư cách tố tụng trong vụ án hình sự phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đây là vụ án hình sự phức tạp, có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân. Quan điểm của ông thế nào về vụ án này, nhất là đối với việc các bị can nhận số tiền lớn khi tổ chức các chuyến bay giải cứu?
Trong vụ án này, có rất nhiều bị can từng giữ các cương vị lãnh đạo cao trong cơ quan Nhà nước. Có những bị can thừa nhận hành vi phạm tội, có những bị can vẫn không thừa nhận hành vi phạm tội, có nhiều tình tiết sẽ được làm sáng tỏ trong phiên tòa tới đây. Theo quy trình tố tụng, hồ sơ sẽ được chuyển sang Viện KSND để xem xét ban hành cáo trạng. Trường hợp Viện KSND đồng ý với nội dung kết luận điều tra thì sẽ ban hành cáo trạng và chuyển hồ sơ cho tòa án để được xem xét mở phiên tòa xét xử vụ án này.
Kết luận điều tra là kết quả điều tra, là quan điểm của cơ quan điều tra về vụ án, chưa phải là kết quả cuối cùng của vụ án này. Theo nguyên tắc suy đoán vô tội, các bị can chỉ có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án có thẩm quyền. Việc khai báo là quyền của các bị can, bị cáo. Cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm phải chứng minh tội phạm theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Đến nay chưa thể kết luận được vụ án sẽ kết thúc như thế nào. Việc giải quyết vụ án thuộc thẩm quyền của tòa án và kết quả giải quyết vụ án sẽ căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả và lời khai nhận tội phù hợp với các tài liệu chứng cứ sẽ có mức hình phạt phù hợp.
Với các bị can, bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh tội phạm bằng các chứng cứ thu thập hợp pháp theo quy định pháp luật. Hy vọng rằng phiên tòa tới đây sẽ dân chủ, khách quan, công khai, công bằng để mọi tình tiết có liên quan đến vụ án sẽ được làm sáng tỏ. Vụ án được giải quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo không oan sai nhưng cũng không bỏ lọt tội phạm.