Khách du lịch đến núi Phú Sĩ quá đông khiến chính quyền Nhật Bản lo ngại

Mùa leo núi Phú Sĩ tại Nhật Bản đã chính thức bắt đầu ngày 1/7, với việc đơn vị kiểm lâm tại đây công bố mức phí mới và hạn chế số lượng người leo.

Số lượng người đến thăm núi Phú Sĩ quá đông cũng gây ra áp lực cho Nhật Bản. Ảnh minh họa Getty Images.

Số lượng người đến thăm núi Phú Sĩ quá đông cũng gây ra áp lực cho Nhật Bản. Ảnh minh họa Getty Images.

Ngọn nũi Phú Sĩ cao 3.776 mét là một biểu tượng của đất nước mặt trời mọc, đồng thời là thỏi nam châm thu hút du lịch của Nhật Bản. Số lượng người ghé thăm ngọn núi này đã tăng chóng mặt trong thời gian qua.

Theo quy định mới, những người leo núi phải trả 2.000 Yên (khoảng hơn 300.000 Đồng) và số lượng người leo sẽ bị giới hạn ở mức 4.000 người mỗi ngày. Nguyên nhân là do có ngày càng nhiều khiếu nại về rác thải, ô nhiễm và những con đường mòn đông đúc nguy hiểm.

Cánh cổng để leo núi Phú Sĩ được chính thức mở vào 3 giờ sáng 1/7, tuy nhiên, đã có hàng nghìn người xếp hàng tại đây, theo Reuters. Ông Sachiko Kan, 61 tuổi, một trong khoảng 1.200 người leo núi tập trung vào ngày đầu tiên áp dụng các biện pháp mới, cho biết: “Tôi nghĩ núi Phú Sĩ sẽ rất vui nếu mọi người có ý thức hơn về môi trường và những thứ như mang rác về nhà”.

Sự trượt giá của đồng Yên xuống mức thấp nhất trong 38 năm đã khiến Nhật Bản trở thành điểm đến không thể cưỡng lại đối với du khách nước ngoài.

Khách du lịch đang bơm số tiền kỷ lục vào kho bạc quốc gia nhưng cũng gây căng thẳng cho cơ sở vật chất đi lại và khách sạn, chưa kể đến việc ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.

Một địa điểm mới nổi liên quan đến núi Phú Sĩ trong thời gian qua là một cửa hàng tiện lợi, nơi ngọn núi nổi tiếng này trông như lơ lửng trên không, một cảnh tượng kỳ ảo thu hút rất đông khách du lịch nhưng lại gây mất an toàn công cộng, khiến các quan chức phải dựng hàng rào lưới đen để du khách không còn đến đây.

Mùa leo núi năm nay trên núi Phú Sĩ kéo dài đến ngày 10/9, bởi thời tiết sau thời điểm này sẽ trở nên quá lạnh và có tuyết.

Là một ngọn núi lửa dạng tầng vẫn còn hoạt động với lần phun trào cuối cùng vào năm 1707, Núi Phú Sĩ là nơi thờ cúng Thần đạo và Phật giáo trong nhiều thế kỷ.

Bộ Môi trường Nhật bản cho biết số lượng người leo núi đã phục hồi về mức trước đại dịch vào năm ngoái, với khoảng 300.000 người mỗi năm. Những người đi bộ đường dài thường bắt đầu vào lúc nửa đêm để lên đến đỉnh đúng lúc mặt trời mọc.

Tiến Anh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/khach-du-lich-den-nui-phu-si-qua-dong-khien-chinh-quyen-nhat-ban-lo-ngai-i736080/