Khách Lào chuộng hàng Việt

Một số người tiêu dùng tại Lào cho biết, không ít gia đình đã dùng nước mắm sản xuất tại Việt Nam nhiều năm nay, nên đã quen vị và thích vị nước mắm Việt Nam nên không cần chào mời vẫn mua và đã trở thành 'khách hàng thân thiết' với sản phẩm Việt.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại Hội chợ triển lãm Thương mại – Dịch vụ – Du lịch TP. Hồ Chí Minh diễn ra tại tỉnh Savannakhet (Lào), cô giáo Outhai Inthielh dạy tiếng Anh cùng một nhóm cô giáo của trường trung học ở Savannakhet say sưa với giày nữ hiệu Kiwwi của Công ty Xây dựng - Dịch vụ - Thương mại Hà Tuấn (TP. Cần Thơ).

Theo như cô Outhai Inthielh nhận xét, giày Kiwwi kiểu dáng đẹp, giá lại rất phải chăng, nhất là khi DN này của Việt Nam muốn bán để cho người Lào có cơ hội biết đến và dùng thử giày Việt Nam nên bán giảm giá từ 120.000 kip (tương đương khoảng 300.000 đồng) xuống chỉ còn 49.000 kip một đôi (khoảng 130.000 đồng) nên cô và các bạn mỗi người mua hai đôi vừa đi vừa để dành. Cô cho rằng, với chất lượng hàng Việt Nam như giày Kiwwi, nếu giá khoảng 100.000 kip (tương đương khoảng 250.000 đồng) thì người tiêu dùng Lào sẽ ủng hộ hàng Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty Hà Tuấn cho biết, ngoài giày nữ Kiwwi, công ty còn sản xuất nhiều sản phẩm khác như giày nam Mr Gatsby, quần áo, túi xách... Hiện, công ty đang muốn tìm đại lý phân phối tại Savannakhet và các tỉnh khác tại Lào, nên thông qua hội chợ để tìm kiếm đối tác.

Tương tự, CTCP Quốc tế Bamboo mang đến hội chợ hai mặt hàng là nước mắm cá cơm Ashimi và bánh gato cuộn với hai vị lá dứa và dâu. Nước mắm Ashimi đã sản xuất nhiều năm, còn bánh gato cuộn là sản phẩm mới của công ty mới sản xuất trong năm nay. Công ty tham gia hội chợ hàng Việt Nam tại Lào nhằm mục đích tìm kiếm nhà phân phối và giới thiệu với người tiêu dùng nước bạn hai mặt hàng nước mắm và bánh gato cuộn để nhà phân phối tìm các đại lý cấp 2 ở vùng Trung Lào.

Một số người tiêu dùng tại Lào cho biết thêm, không ít gia đình đã dùng nước mắm sản xuất tại Việt Nam nhiều năm nay, nên đã quen vị và thích vị nước mắm Việt Nam nên không cần chào mời vẫn mua và đã trở thành “khách hàng thân thiết” với sản phẩm Việt.

Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc ITPC nhấn mạnh, các hội chợ triển lãm về lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ - Du lịch TP. Hồ Chí Minh thu hút rất nhiều khách tham quan và mua sắm. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, vừa góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam và Lào, vừa là nơi để DN hai nước tìm kiếm đối tác thương mại mở rộng quan hệ giao thương.

Trong ba năm gần đây, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hơn 30 hoạt động xúc tiến thương mại tại nhiều địa phương của Lào như thủ đô Viêngchăn, tỉnh Chămpasak, tỉnh Xaysomboun, tỉnh Savannakhet… góp phần đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Lào liên tục tăng trưởng. Riêng trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt 663,7 triệu USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2018. Thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương Lào sẽ tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hợp tác, tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại.

Thông thường mỗi hội chợ triển lãm về lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ - Du lịch thường thu hút hàng trăm DN của mỗi nước tham gia, với các nhóm sản phẩm phong phú thuộc nhiều lĩnh vực như công nghiệp, may mặc, da giày, nhựa và cao su, cơ khí, nông sản và thực phẩm, điện tử, điện gia dụng, thủ công mỹ nghệ và quà tặng, đồ gỗ nội thất, máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng, dịch vụ du lịch, tài chính...

“Người dân Lào nói chung đánh giá hàng Việt Nam phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, giá cả phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân Lào. Trước đây, hàng hóa Việt Nam xuất hiện tại các tỉnh Trung Lào phần lớn đi đường tiểu ngạch. Sự xuất hiện đồng loạt của hàng hóa TP. Hồ Chí Minh nói riêng và của một số tỉnh thành phía Nam quy mô lớn, tổ chức bài bản với những DN có thương hiệu uy tín, đưa đến giới thiệu sản phẩm đều có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, là sự kiện chưa từng có góp phần tạo dựng hình ảnh thiện cảm đối với hàng hóa Việt Nam trong mắt người tiêu dùng Lào”, ông Hòa chia sẻ.

Một giám đốc của DN sản xuất đồ nhựa cho rằng, Lào không phải một thị trường lớn và đang bị hàng hóa Thái Lan áp đảo nên không ít DN Việt khi tham gia hội chợ triển lãm lần đầu chủ yếu thăm dò, đánh giá sức mua và tìm kiếm đối tác. Vì vậy, khối lượng hàng hóa đem sang không nhiều, chỉ khoảng từ vài chục đến hơn trăm tấn hàng hóa nên các DN thường bán hết hàng trong 2 - 3 ngày đầu tiên.

Nhưng sau khi đã sử dụng quen, người dân Lào lại rất thích mua sắm hàng Việt Nam vì có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả và chất lượng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân. Sau khi sức mua tăng lên và dần chiếm lĩnh được thị trường các DN Việt mới mạnh dạn mở rộng đầu tư, mạng lưới. Không ít DN đã có đại lý phân phối chính thức tại Lào đối với các mặt hàng điện gia dụng, nhựa gia dụng, trà thảo dược, khăn ướt, lưới chống côn trùng, nước giải khát không cồn, đèn LED…

Các mặt hàng thời trang cao cấp bằng da cá sấu thu hút sự quan tâm từ người tiêu dùng ở phân khúc cấp cao, quần áo, giày dép, vải và ba lô túi xách có chất liệu, thiết kế và họa tiết hoàn toàn khác biệt với sản phẩm cùng phân khúc đang có mặt tại thị trường này nên được quan tâm, cộng đồng Việt kiều đón nhận.

Tuyết Thanh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/khach-lao-chuong-hang-viet-92765.html