Khách lấy nhiều đồ, ăn vài miếng rồi bỏ mứa, chủ quán cơm chay 0 đồng bật khóc
Bỏ mứa đồ là chuyện phổ biến với nhiều người Việt khi đi ăn buffet phải bỏ tiền mua vé. Đằng này, đi ăn cơm chay miễn phí mà lại lấy nhiều đồ rồi bỏ mứa thì thật thiếu ý thức và đáng trách.
Nằm gần bãi xe buýt tại khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh, TP.HCM), Không Đồng (hay Nhất Tâm) là tên nhà ăn miễn phí dành cho người nghèo và hoàn cảnh khó khăn.
Nhà ăn Không Đồngđược thành lập bởi nhóm từ thiện Nhất Tâm, hiện có 12 cơ sở ở TP.HCM, Đà Lạt, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang.
Trước đây, anh Trần Thanh Long (Trưởng nhóm từ thiện Nhất Tâm, sống ở TP.HCM) từng phải lên Facebook livestream vì các nhà ăn Không Đồng thường nằm khuất trong góc, ít được chú ý. Anh Long mong muốn nhiều người biết đến quán để các thành viên trong nhóm có cơ hội phục vụ bữa cơm chay 0 đồng miễn phí.
Sau khi được nhiều người biết đến, nhà ăn Không Đồng ngày càng đông khách.
Điều đáng buồn là một số người đã được ăn miễn phí, chọn đồ thoải mái nhưng lại bỏ mứa khiến anh Trần Thanh Long và những người nấu cơm, chế biến thức ăn buồn lòng. Thậm chí có khách ăn vài miếng rồi bỏ mứa cả khay cơm và thức ăn.
“Khay cơm thơm ngon thế này, là công sức của bao con người, kể cả những cụ già 70, 80 tuổi làm quần quật từ sáng sớm, làm sao tôi dám đổ vào thùng rác đây?
Vậy mà những thực khách mà chúng tôi yêu thương và trân quý lại phung phí nhiều nhất. Ăn vài miếng rồi bỏ cả khay. Khi chúng tôi hỏi thì họ bảo là ‘cơm thừa nhiều quá, ăn không thể hết nổi’.
Rất mong bà con hạn chế bỏ thừa cơm và đồ ăn. Ăn không được nhiều thì lấy ít lại để người sau còn có cái mà ăn. Nhìn những khay cơm thừa, nước mắt tôi muốn rơi ra hết rồi”, anh Trần Thanh Long cay đắng chia sẻ.
Anh Long cho biết bản thân mắc nợ nhiều nơi chứ không phải giàu có gì nhưng vẫn cố duy trì bữa cơm 0 đồng cho người nghèo. Thế nên, anh mong khách đến ăn hãy trân trọng bữa cơm tại quán.
“Tôi mượn nợ nhiều nơi và cả mẹ mình để bảo vệ, duy trì bữa cơm từ thiện 0 đồng cho bà con, chứ tôi không giàu có gì đâu. Mong bà con hiểu và thương giúp cho chúng tôi. Tội nghiệp chúng tôi lắm!”, Trưởng nhóm từ thiện Nhất Tâm thổ lộ.
Dân mạng bức xúc thay cho anh Long và những thành viên quán Không Đồng. Trong đó, một người viết: “Mọi người làm ăn sống có ý thức và hiểu giá trị của sự cho đi và nhận lại. Mình khó khăn, mình nhận lòng tốt của người đời, hãy nhận làm sao cho họ cảm thấy họ hạnh phúc nhất. Chứ kiểu này, muốn làm người tốt cũng khó. Vì không ai muốn làm người tốt nữa đâu. Đau lòng thay cái ý thức của một số người”.
Các bệnh viện báo tin mừng nhờ Nghị định 100/2019:
Nhờ Nghị định 100/2019, một số bệnh viện ở Hà Nội như Xanh Pôn, Việt Đức, Quân Y 105... không phải đón nhận nhiều ca cấp cứu vì tai nạn giao thông như trước. Các nhân viên nơi đây cho biết số bệnh nhân nhập viện giảm hẳn nên công việc nhàn rỗi hơn trước.