Khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật chính là văn hóa báo chí
Tại tọa đàm 'Văn hóa báo chí' do báo Quân đội nhân dân tổ chức trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2023, chiều 18/3, nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, nhà báo cần khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật, bởi đó chính là văn hóa.
Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, trong thời đại kỹ thuật số với sự lên ngôi của mạng xã hội, thông tin tràn ngập, nếu nhà báo làm nghề mà chây ì, nhà báo không đắm mình vào cuộc sống của nhân dân, không lấy chất liệu từ cuộc sống lao động, chiến đấu của nhân dân, của quân đội mà chỉ ngồi trong phòng “lướt web, nhặt thông tin trên mạng” rồi chạy theo những thông tin đó; thay vì kiểm chứng thông tin đó có đúng hay không, nhà báo lại lan tỏa những thông tin đó trên mạng xã hội và như vậy, nhà báo đã tự đánh mất mình.
"Thay vì báo chí chúng ta trả lời cho những vấn đề mạng xã hội nêu ra, chúng ta lại lan truyền những thông tin không được kiểm chứng, nhà báo lại theo đuôi mạng xã hội. Như thế là nhà báo đã tự đánh mất mình trong làn sóng hỗn tạp của thông tin mạng xã hội” - nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết.
Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh rằng, trong trường hợp ấy, nhà báo không chỉ đánh mất mình trong tác nghiệp mà còn rất dễ đánh mất phẩm chất người làm báo. Từ đó có tình trạng một số nhà báo, phóng viên dùng nghề để kiếm tiền, để vụ lợi, để theo đuổi những mục đích không trong sáng. Theo nhà báo Hồ Quang Lợi những hệ quả này rất dễ xảy ra khi mà truyền thông mạng xã hội đang tạo ra những điều kiện rất thuận lợi.
“Đánh mất mình về tác phong làm nghề, đánh mất mình về tâm thế làm nghề và đạo đức làm nghề, đó là điều nguy hiểm vô cùng đối với người làm báo chúng ta”, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định.
Nhấn mạnh hiện nay nhà báo đang sống trong thời đại kỹ thuật số với sự lên ngôi của mạng xã hội, thông tin không kiểm soát được thì báo chí cũng nói nhiều đến việc làm nghề với phương thức mới, cách thức mới, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng điều đó là đương nhiên nhưng có những điều luôn luôn có giá trị và không bao giờ khác được là tâm thế làm nghề và đạo đức làm nghề, là lý tưởng làm nghề của nhà báo.
“Nhà báo làm nghề để phục vụ cộng đồng, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân với phương châm khách quan, công tâm, tôn trọng sự thật, bảo vệ sự thật. Đó chính là văn hóa báo chí”, nhà báo Hồ Quang Lợi khẳng định.
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho rằng, báo chí khó có thể chạy đua với mạng xã hội về tốc độ thông tin nhưng báo chí lại vượt trội mạng xã hội bằng tinh thần trách nhiệm, bằng tính chuyên nghiệp và đạo đức làm nghề.
“Thế mạnh đó sẽ xác lập độ tin cậy, tính xác thực của thông tin và tính xác thực, độ tin cậy đó chính là con đường sống của báo chí trong thời đại kỹ thuật số”, nhà báo Hồ Quang Lợi chốt lại vấn đề.
Chia sẻ về khái niệm "văn hóa báo chí", PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, đến với gian trưng bày của Liên Chi hội báo chí Quân đội, bà thích nhất dòng chữ trên phông nền: "Báo chí Quân đội Trung thành, Đổi mới, Sáng tạo vì lợi ích của đất nước và nhân dân", bởi đây chính là những điều cốt lõi của văn hóa; nếu mỗi cơ quan báo chí và từng nhà báo thực hiện được những nội dung này thì đó chính là văn hóa.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, nói đến văn hóa phải nói đến những giá trị cốt lõi, những chuẩn mực liên quan đến giá trị và hệ giá trị của một cá nhân, một tổ chức, một quốc gia. Riêng đối với Việt Nam, văn hóa còn là đạo hiếu, là truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời, đó là tôn trọng người đi trước, thành kính với cha mẹ, tổ tiên, là phụng sự đất nước, phụng sự dân tộc.
"Việc xây dựng văn hóa đối với cơ quan báo chí và văn hóa người làm báo phải dựa trên những nền tảng như vậy", PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng khẳng định.