'Khách quý' từ châu Âu của Nhà Trắng: Tại sao là bà Merkel mà không phải là ông Macron?
Khi chọn nữ Thủ tướng Merkel là lãnh đạo châu Âu đầu tiên được tiếp đón tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden muốn cho thấy rằng Berlin chính là đối tác số một của Washington tại châu Âu.
Đồng minh số một
Ý nghĩa của cuộc tiếp xúc tại Washington ngày 15/7 giữa hai nhà lãnh đạo được cho là vượt qua khuôn khổ một cuộc gặp song phương.
Khi chọn nữ Thủ tướng Đức là lãnh đạo châu Âu đầu tiên được ông tiếp đón tại Nhà Trắng từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ đương nhiệm muốn cho thấy rằng Berlin chính là đối tác số một của Washington tại châu Âu.
Câu hỏi đặt ra là vì sao ông Biden lại đưa Đức lên vị trí “đối tác châu Âu” số một mà không chọn Pháp như người tiền nhiệm Donald Trump, hay Anh, một nước có "quan hệ đặc biệt" với Mỹ.
Trả lời cho câu hỏi này, một số nhà quan sát đã nhấn mạnh trước tiên đến ý nghĩa biểu tượng của việc ông Biden chọn bà Merkel làm khách mời danh dự đầu tiên đến Nhà Trắng.
Quan điểm xuyên suốt của ông Biden là hàn gắn mối quan hệ Mỹ-châu Âu từng bị người tiền nhiệm gây tổn hại. Bà Merkel là đối tượng thường xuyên bị ông Trump làm bẽ mặt hay đả kích. Do đó, đề cao vai trò của Đức chính là một cách hàn gắn tốt.
Trước đó, chính quyền Tổng thống Biden đã có một loạt cử chỉ thiện chí hướng về Đức, từ việc tăng cường lực lượng Mỹ đóng tại Đức, đảo ngược hoàn toàn quyết định của người tiền nhiệm về việc giảm sự hiện diện của lính Mỹ, cho đến việc tránh chỉ trích Berlin vì không tôn trọng quy tắc 2% ngân sách dành cho chi tiêu quốc phòng mà NATO yêu cầu đối với các nước thành viên.
Ngoài vấn đề biểu tượng, Đức được coi là đồng minh vững chắc nhất của Mỹ tại châu Âu, một người bạn “không ai sánh bằng” theo như lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken từng nhắc lại hồi tháng 6/2021 tại Berlin.
Thêm nữa, chuyên gia Susi Dennison của Trung tâm Quan hệ Quốc tế châu Âu (ECFR) cho rằng Tổng thống Biden cũng muốn tận dụng mối quan hệ trước khi bà Merkel từ giã chính trường vào tháng Chín tới trong khi đối với Tổng thống Pháp Macron thì còn nhiều thời gian hơn.
Trong chuyến thăm, Tổng thống Biden đã ca ngợi "tấm gương cống hiến hết mình của bà Merkel cho nước Đức và thế giới".
Các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã bị ảnh hưởng nặng nề dưới nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump và cả bà Merkel lẫn ông Biden đều mong muốn thể hiện mối quan hệ song phương đang được hàn gắn.
Đề cập đến vai trò của Mỹ, bà Merkel khẳng định: "Tôi coi trọng tình bạn này". Bà Merkel là nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến thăm Tổng thống Biden tại Nhà Trắng kể từ khi ông nhậm chức vào tháng Một vừa qua.
Bạn tốt vẫn có thể bất đồng
Bất luận mối “thân tình” đó, một số bất đồng vẫn hiện hữu trong quan điểm của 2 nhà lãnh đạo. Ông Biden đã nhắc lại những lo ngại của ông về đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 được xây dựng dưới Biển Baltic chạy từ Nga đến Đức.
Mỹ đang lo ngại Moscow sẽ sử dụng nó như chiếc “dùi cui” để chống lại Ukraine.
Dự án trị giá 11 tỷ USD này, dự kiến hoàn thành vào tháng 9 năm nay sẽ bỏ qua Ukraine, có khả năng nhằm ngăn chặn nước này có được nguồn thu từ phí vận chuyển.
Tổng thống Biden nhắc lại rằng ông đã quyết định không xử phạt công ty đứng sau Dòng chảy phương Bắc 2 vì dự án sắp hoàn thành, một quyết định đã làm dấy lên sự chỉ trích từ các thành viên của đảng Dân chủ và Cộng hòa. Tuy nhiên, ông Biden cho biết ông và bà Merkel đều thống nhất rằng Nga không nên sử dụng năng lượng như một vũ khí địa chính trị.
Phát biểu về dự án đường ống trong cuộc họp báo chung, ông Biden nói: “Những người bạn tốt vẫn có thể bất đồng với nhau. Chúng tôi đang và sẽ sát cánh cùng nhau để bảo vệ các đồng minh ở sườn Đông của chúng tôi tại NATO trước những mối đe dọa từ Nga”.
Bà Merkel ghi nhận những khác biệt về quan điểm nhưng nhấn mạnh những điểm thống nhất giữa hai nước. Bà nói: “Tất cả chúng ta đều chia sẻ những giá trị giống nhau. Tất cả chúng ta đều có chung quyết tâm đối phó với những thách thức của thời đại chúng ta”.
Washington và Berlin cũng có những quan điểm khác nhau về giao thương với Trung Quốc, quốc gia mà Đức đang tranh thủ về thương mại.
Bà Merkel nói: "Chúng tôi có chung quan điểm rằng Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trong nhiều lĩnh vực. Thương mại với Trung Quốc cần dựa trên giả định rằng chúng ta có một sân chơi bình đẳng".