Khách sạn nhỏ ở TP.HCM kêu gặp khó
Cơ sở lưu trú vừa và nhỏ mong muốn TP hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay, giảm khung giá điện, đào tạo nguồn nhân lực...
Chiều 23-3, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức tọa đàm “Thực trạng và giải pháp trong hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ trên địa bàn TP.HCM".
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, hiện nay hệ thống khách sạn từ 0-3 sao quy mô vừa và nhỏ hạn chế về nguồn khách quốc tế nên chưa kịp phục hồi. Nguồn lực nhân sự chất lượng cao chuyển sang nghề khác và không có xu hướng trở lại.
“Cơ sở vật chất đang xuống cấp cần duy tu, đặc biệt khách sạn chưa đáp ứng tiêu chí kinh doanh lưu trú theo quy định của Luật Du lịch. Vì vậy, TP xuất hiện khách sạn đóng cửa kinh doanh hoặc thay đổi loại hình kinh doanh để bám trụ”- bà Hiếu nói.
Tính tới cuối năm 2022, TP đã có 3.227 cơ sở lưu trú du lịch các loại, tương ứng với hơn 65.000 phòng đủ điều kiện kinh doanh.
Theo Sở Du lịch TP, hiện nay đối với hệ thống khách sạn từ 4-5 sao trên địa bàn, trong năm 2022 công suất bán buồng/phòng bình quân đạt từ 75% trở lên, ổn định về tình hình kinh doanh và doanh thu của cả năm 2022.
Đề cập đến những khó khăn trong một năm vừa qua, bà Nguyễn Thị Thúy Loan, đại diện cho đơn vị khách sạn A25 cho biết, cơ sở vật chất bị xuống cấp theo thời gian, doanh thu sụt giảm; các chi phí điện nước, vốn vay nhà nước chỉ hỗ trợ trong thời gian dịch nặng nề nhất. Tiền nhà cũng chỉ hỗ trợ ở mức cho phép, lương nhân viên trả ngày càng cao nên các nguồn vốn nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất hầu như không còn.
Bà Loan nói: “Đầu tư nâng cấp cái gì, mua sắm cái gì? Chúng tôi phải đắn đo, cân nhắc nhiều phương án và chọn phương án tối ưu nhất mới thực hiện.”
Qua đó, bà Loan kiến nghị: “Chúng tôi mong muốn được giảm khung giá điện kinh doanh dịch vụ lưu trú bằng với khung giá điện sản xuất trong vòng ba năm. Bên cạnh đó, giảm giá nước sinh hoạt và chi phí internet cho ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú”.
Về nguồn vốn, doanh nghiệp (DN) này muốn tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, được hỗ trợ giãn nợ vay, để có điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất, có chi phí nâng cấp ứng dụng công nghệ số.
“Chúng tôi đã bị chậm, rất chậm, thậm chí tưởng chừng phải bỏ giữa chừng. Sau dịch, nếu chúng tôi không nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các cơ quan chính quyền địa phương thì DN của chúng tôi không thể trụ vững được" -bà Loan chia sẻ.
Đại diện UBND quận 1, UBND quận 10 cũng đề xuất kinh phí để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cho các cơ sở lưu trú du lịch và tiếp tục tăng cường thực hiện các chương trình thúc đẩy, hoạt động xúc tiến du lịch trên địa bàn TP.HCM.
Nguồn PLO: https://plo.vn/khach-san-nho-o-tphcm-keu-gap-kho-post725301.html