Khách sạn ở Hà Nội 'lao đao' vì dịch COVID-19: Giảm 60% giá phòng, cho nhân viên nghỉ để cắt giảm chi phí

Không ít khách sạn tại Hà Nội đã phải tạm đóng cửa, có khách sạn 'cầm cự' bằng cách giảm 50-60% giá phòng do dịch COVID-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành du lịch.

Khách sạn đóng cửa, giảm 60% giá phòng vì dịch COVID-19

Những ngày qua lượng khách du lịch giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Mới đây nhất, một chuỗi gồm 4 khách sạn nằm ngay tại phố cổ Hà Nội, điểm đến yêu thích của nhiều khách du lịch thế giới, đã phải tuyên bố tạm thời đóng cửa từ ngày 23/2 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Theo đó, video được chia sẻ trên mạng cho thấy tình hình kinh doanh của khách sạn khó khăn đến mức họ buộc phải cho nhân viên nghỉ trong vòng 4 tháng, trợ cấp 1,5 triệu đồng/người/tháng.

Một khách sạn đóng cửa vì dịch COVID-19.

Một khách sạn đóng cửa vì dịch COVID-19.

“Ở đây cũng buồn vì chúng ta chẳng có khách hàng mà phục vụ. Các bạn có thể về quê ‘tạm lánh', trong thời gian tạm thời là 4 tháng… Gần 3 tháng nay, công ty tổn thất hơn 20 tỷ, đây là cái con số mà cả cuộc đời mình tích góp. Không giống các ngành nghề khác như quần áo… thời điểm này người ta có thể đem cất vào trong kho chờ hết dịch rồi bán. Chúng ta khác, sản phẩm chúng ta bán khác. Một ngày mở mắt ra, phòng nào không được bán, phòng đó vẫn có các loại phí phải chi trả”, người quản lý bày tỏ.

“Cái mức chi trả của công ty thực sự không có gì lớn lao mà thực sự rất nhỏ bé. Nhưng trong những ngày tháng này, chúng ta chỉ còn những đồng tiền lẻ. Mong rằng tất cả các anh chị em trong công ty hãy cố gắng. Hãy chi tiêu 1 cách dè xẻn để cùng nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn này”, người quản lý xúc động nói.

Một khách sạn cạnh đó giảm giá 50%.

Một khách sạn cạnh đó giảm giá 50%.

Còn đối với các nhân sự không có quê hoặc vì một lý do nào đó không thể về quê, vẫn có thể đến công ty làm với mức lương 4 triệu đồng, không phân biệt vị trí hay chức vụ. Theo người quản lý, số tiền 4 triệu đã được công ty cân đối, đủ để sinh hoạt tối thiểu.

“Giờ phút này không còn phân biệt chức vụ hay cấp bậc nữa, đây là lúc chúng ta sống như nhau và được đối xử như nhau. Anh bếp trưởng bình thường 20 triệu giờ cũng 4 triệu, nhân viên bellman lương 4 triệu rưỡi giờ cũng nhận 4 triệu. Đây là mức công ty đã cân đối, đủ để cho mọi người ăn, để sống qua ngày. Đây là lúc mình cần sự chia sẻ, chia sẻ với những người khó khăn hơn mình. Chính sách của công ty sẽ được áp dụng ngay từ 1/3”, người quản lý thông báo.

Theo nhân viên lễ tân, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên số khách giảm mạnh.

Theo nhân viên lễ tân, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên số khách giảm mạnh.

Thông thường tại Việt Nam, giai đoạn cao điểm đón khách quốc tế bắt đầu từ tháng 10 đến hết tháng 3, 4 năm sau. Theo nhiều chuyên gia trong ngành, công suất các khách sạn trung bình sẽ khoảng 80%, nhiều nơi trên 90%. Tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến ngành kinh doanh khách sạn bị ảnh hưởng nặng nề.

Cũng tại Hà Nội, nhiều nơi đã treo biển giảm 50-60% giá phòng vì vắng khách. Chia sẻ với chúng tôi, nữ nhân viên lễ tân khách sạn ở phố Lò Sũ cho biết, vắng bóng khách du lịch đặc biệt là khách nước ngoài những ngày qua do dịch bệnh COVID-19 là tình trạng chung của hầu hết các khách sạn.

Một khách sạn để biển giám giá 60%.

Một khách sạn để biển giám giá 60%.

“Phía khách sạn của chúng tôi đã phải cho nghỉ một nửa nhân viên để cắt giảm chi phí. Giờ khách không đông cũng là tình trạng chung. Khách sạn cũng không nhận khách đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, IRAN… do những nước này đang bùng phát dịch. Việc giảm giá phòng xuống 50% cũng là tình thế bắt buộc. Trung bình giá phòng ngày thường là 650 nghìn đồng/ngày, giờ giảm một nửa để thu hút khách ở”, nữ nhân viên lễ tân khách sạn chia sẻ.

Theo nhân viên này, việc vắng khách ảnh hưởng lớn trực tiếp đến doanh thu khách sạn, không những vậy cũng ảnh hưởng đến thu nhập của nhân viên. “Việc dịch bệnh vắng khách là tình thế bắt buộc, chúng tôi cũng mong dịch bệnh sớm được dập tắt để được đón tiếp các vị khách nước ngoài đến tham quan, tận hưởng cảnh đẹp, ẩm thực và sự nồng nhiệt của con người Việt Nam”, nữ nhân viên bày tỏ.

Có khách sạn cho nhân viên nghỉ để cắt giảm chi tiêu.

Có khách sạn cho nhân viên nghỉ để cắt giảm chi tiêu.

Một nhân viên lễ tân khách sạn đứng thẫn thờ chờ khách.

Một nhân viên lễ tân khách sạn đứng thẫn thờ chờ khách.

Còn tại một khách sạn trên phố Hàng Bè, nhân viên làm việc tại đây cũng cho biết, việc cắt giảm nhân sự hầu như khách sạn nào cũng có. Khách sạn này hiện đang giảm chỉ còn 1 nhân viên lễ tân và 1nhân viên thu dọn phòng.

“Một tháng nay khách sạn của chúng tôi không nhận khách của một số nước đang bị lây nhiễm dịch COVID-19. Theo đó, với những khách đến từ một số nước… khách sạn chỉ nhận khi họ nhập cảnh vào Việt Nam trước ngày 16/1, họ cũng phải khai báo y tế với với chính quyền sở tại. Tuy nhiên, khách nước ngoài hiện rất ít, chủ yếu khách trong nước”, nhân viên này chia sẻ.

Dịch COVID-19 khiến nhiều ngành dịch vụ bị ảnh hưởng đặc biệt kinh doanh khách sạn.

Dịch COVID-19 khiến nhiều ngành dịch vụ bị ảnh hưởng đặc biệt kinh doanh khách sạn.

Theo ước tính của Sở Du lịch Hà Nội, lượng du khách trong hai tháng đầu năm khoảng 3,56 triệu, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó khách quốc tế chỉ 844.000 người. Tính riêng tháng 2, khách du lịch đến Hà Nội chỉ đạt hơn 1,3 triệu lượt, giảm 45,5%.

Tổng thu từ khách du lịch cũng giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 3 tháng tới, ước tính thiệt hại của ngành sẽ rơi vào khoảng từ 5,9 đến 7 tỷ USD. Việt Nam hiện cũng đang đứng trước nguy cơ mất đi nhiều du khách tiềm năng từ các nơi khác trên thế giới, những người đang quan tâm đến việc du lịch ở khu vực Châu Á. Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết, hoạt động trong nước cũng đang bị hạn chế khá lớn do những chính sách được ban hành để phòng ngừa dịch lây lan.

Định Nguyễn

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/tin-nong/khach-san-o-ha-noi-lao-dao-vi-dich-covid-19-giam-60-gia-phong-cho-nhan-vien-nghi-de-cat-giam-chi-phi-7071181.html