Khách sạn rẻ nhất Nhật Bản, chỉ 20 nghìn đồng/đêm mà đầy đủ tiện nghi nhưng chẳng mấy ai dám đến, hỏi ra mới biết lý do 'khó nói'

Lữ quán Asahi là một khách sạn vô cùng độc đáo và nổi tiếng với giá phòng trọ có thể coi là rẻ nhất Nhật Bản, nếu không muốn nói là rẻ chưa từng thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới. Đi kèm với mức giá đó là tiện nghi đầy đủ, chỉ ngặt nỗi họ có một yêu cầu nho nhỏ...

Nhật Bản vốn nổi tiếng là một đất nước có chi phí sinh hoạt khá cao, nên việc đi du lịch tới quốc gia này khó có thể nói là rẻ. Nhưng tất nhiên, ở đâu có khó khăn, ở đó có hy vọng. Các "dân phượt" chuyên du lịch bụi vẫn tìm ra đủ cách để du lịch giá rẻ, từ săn vé tàu giờ chót, vé máy bay hạ giá, đến bữa ăn khuyến mãi tại các cửa hàng tiện lợi...

Nhưng chỗ ở rẻ thì sao? Cũng có luôn, nhưng nếu bạn hơi sợ khi nghĩ đến những căn phòng khách sạn kén (capsule hotel) thì đúng là chúng kén người thật, vì thiếu riêng tư, chật chội, rồi đủ các bất tiện khác nữa.

Hiểu được điều đó, một lữ quán (ryokan) ở Nhật đã mở ra một dịch vụ độc nhất: cho phép thuê phòng với mức giá "dưới lòng đất": 130 yên, tức khoảng 23.000 đồng/đêm. Đây là mức giá bình thường, cả cuối tuần chứ không phải là mức giá ưu đãi.

Phóng viên Masanuki từ tờ Soranews24 đã có một chuyến khám phá tới khách sạn đặc biệt này. Theo đó, lữ quán Asahi chỉ cách khu trung tâm Tenjin của thành phố Fukuoka 15 phút đi bộ và rất tiện cho việc di chuyển.

Nhìn từ sảnh đón khách, khách sạn này trông cũng không có gì khác biệt so với các quán trọ bình dân thông thường ở Nhật. Sau khi nhận chìa khóa và lên tầng 2, Masanuki dừng trước căn phòng số 8. Trước khi mở cửa, anh đã ngờ rằng mình sẽ trông thấy kiểu nội thất kỳ quái, lạ lẫm hoặc tồi tàn nào đó.

Nhưng mà không, trong sự bất ngờ của anh, căn phòng trông không thể bình thường hơn, nếu không muốn nói là nhàm chán. Nó là một phòng nghỉ giản dị kiểu Nhật lát chiếu tatami, có đệm gấp futon, chăn gối, bàn thấp, TV và cả ấm đun nước.

Theo nhận xét, căn phòng này không thể nói là sang trọng được, nhưng không đến nỗi tệ. Ít nhất nó cũng ngang với những căn phòng studio cho sinh viên hoặc người mới đi làm ở Nhật thường thuê và còn rộng rãi hơn nhiều căn phòng hộp giày ở Tokyo.

Điều buồn cười nhất ở căn phòng này có lẽ là chiếc điều hòa 2 chiều có thu phí riêng, với giá 100 yên (18.000 đồng/2 giờ). Tức là nếu muốn dùng 4 giờ, bạn đã trả cho điều hòa nhiều hơn cả căn phòng.

Chiếc điều hòa thu phí.

Chiếc điều hòa thu phí.

Nhưng như vậy vẫn là hời đúng không, nếu so với mức giá vài nghìn yên trở lên cho một căn phòng bình dân khác tại Nhật?

Nhưng đây mới là điều dị nhất và là lý do không phải ai cũng có thể chấp nhận: Một chiếc máy tính có webcam đang bật chĩa vào giữa phòng. Trong trường hợp bạn chưa đoán ra thì, mọi thứ trong căn phòng này sẽ được phát trực tiếp lên YouTube cho mọi người khắp thế giới thưởng lãm.

Chiếc webcam (khoanh đỏ).

Chiếc webcam (khoanh đỏ).

Bạn chẳng cần phải là YouTuber hay người nổi tiếng, cũng chẳng bị yêu cầu phải pha trò, biểu diễn hay làm bất cứ điều gì để thu hút khán giả, câu view, mà chỉ cần “là chính mình” và “tận hưởng” căn phòng đó thôi. Về cơ bản, bạn đánh đổi sự riêng tư để lấy mức giá không tưởng cho căn phòng. Đó có lẽ là lý do mà khi bước vào, Masanuki được lễ tân khuyên không nên sinh hoạt trong trạng thái quá vô tư.

Vì là một căn phòng quá đơn sơ, diện tích khiêm tốn, nên bạn cũng không có cách nào né khỏi con mắt camera nhờ điểm mù hoặc đồ vật che chắn. Việc dùng thứ gì đó che camera rõ ràng cũng là phạm nội quy.

Mọi hành động của bạn đều bị thu lại.

Điều kỳ lạ thứ 2 là webcam này chỉ thu hình, không thu âm nhằm tránh bị dính báo cáo bản quyền và xóa video. Ít nhất thì, bạn có thể thoải mái tạo tiếng động mà không sợ bị phán xét. Hơn nữa, khi đi ngủ khách vẫn có thể tắt đèn bình thường.

Ngoài ra thì, như mọi lữ quán bình dân ở Nhật, căn phòng này cũng không có nhà tắm riêng. Mọi công việc vệ sinh đều ở căn phòng tắm chung cuối hành lang, tất nhiên là xa khỏi “con mắt” của chiếc camera kia.

Cuối cùng, tại sao Asahi lại nghĩ ra ý tưởng kỳ quặc này? Theo lời quản lý, phòng số 8 đó là phòng được chọn ít nhất ở khách sạn do vị trí cuối hành lang của nó. Vì thường xuyên bị bỏ trống, họ cho rằng có 130 yên mỗi đêm ít ra còn hơn là không thu được gì. Hơn nữa, việc này cũng giúp quảng bá một ryokan rất đỗi bình thường theo cách miễn phí.

Không rõ chiến thuật kinh doanh độc dị này của Asahi thành công đến đâu, nhưng rất tiếc là khách sạn đã đóng cửa vô thời hạn sau đại dịch, vậy nên bạn sẽ không còn cơ hội “trải nghiệm” cảm giác này nữa.

Nguồn: Soranews 24

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/khach-san-re-nhat-nhat-ban-chi-20-nghin-dong-dem-ma-day-du-tien-nghi-nhung-chang-may-ai-dam-den-hoi-ra-moi-biet-ly-do-kho-noi-172221220124912507.htm