Khách Tây nhảy cực sung cùng thiếu nữ Lai Châu trên phố đi bộ Hà Nội
Vị khách Tây hòa mình vào điệu nhảy của các thiếu nữ người Hà Nhì trên phố đi bộ, trong khuôn khổ 'Tuần văn hóa du lịch Lai Châu' tại Hà Nội.
Xem video Lễ hội đường phố trong khuôn khổ “Tuần văn hóa Lai Châu tại Hà Nội”:
Một hoạt động thú vị của “Tuần văn hóa Lai Châu tại Hà Nội” trong ngày 18 và 19/12 là Lễ hội đường phố.
Lễ hội diễn ra lúc 20h tại khu vực phố đi bộ và công viên Nhà Bát Giác (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
4 đoàn nghệ thuật của đồng bào dân tộc Giáy, Dao, H’Mông, Hà Nhì, Thái ở Lai Châu đã xuống phố, biểu diễn các điệu nhảy truyền thống của quê hương mình.
Dự kiến, "Tuần văn hóa Lai Châu tại Hà Nội" sẽ kết thúc vào ngày 20/12. Từ đây, Lai Châu chính thức đặt "viên gạch" đầu tiên, sẵn sàng liên kết du lịch, dịch vụ với các tỉnh, thành phố.
Mỗi dân tộc có một điệu nhảy đặc trưng, tất cả cùng hòa quyện, tạo nên một chương trình nghệ thuật đường phố nhiều màu sắc, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách.
Hành trình bắt đầu từ khu công viên Nhà Bát Giác, đoàn tiến ra đường Lê Thạch, Đinh Tiên Hoàng, rồi dọc phố đi bộ, qua tượng đài Cảm tử quân…
Đoàn dẫn đầu là đội kèn và các cô gái dân tộc Giáy. Động tác nhịp nhàng, uyển chuyển của họ như đang bước trên biển mây bồng bềnh.
Theo sau là đoàn của dân tộc Lự ở Bản Hon (Tam Đường, Lai Châu). Giữa tiết trời se lạnh của Hà Nội, họ cất cao làn điệu dân ca gắn liền với đời sống, lao động sản xuất của đồng bào mình.
Dân ca dân tộc Lự được chia thành nhiều thể loại, phù hợp với đời sống thường nhật của bà con như: Hát trong đám cưới, hát mừng nhà mới, hát ru con và hát đối đáp.
Nhạc cụ truyền thống dân tộc Lự gồm: Trống, chiêng, sáo. Hiện nay, nhạc cụ dân tộc Lự đang dần bị mai một, cả nghệ nhân chế tác và người sử dụng cũng ít đi.
Ông Tao Văn Năm - trưởng bản Bản Hon chia sẻ: “Nếu không có đội ngũ nghệ nhân lưu giữ và bảo tồn, những nét văn hóa độc đáo của bà con dân tộc Lự sẽ dần mai một và biến mất.
Chúng tôi hi vọng sẽ giữ được truyền thống văn hóa này của người Lự”.
Trái ngược với sự mềm mại của cô gái dân tộc Giáy, đoàn nghệ thuật các thiếu nữ H'Mông hay dân tộc Hà Nhì mang đến sự hào hứng, nhiệt huyết trong từng điệu nhảy.
Một vị khách Tây tỏ ra thích thú với điệu múa của thiếu nữ Hà Nhì nên đã nhập đoàn diễu hành, nhảy theo các cô gái.
Kết thúc Lễ hội đường phố, các đoàn cùng du khách trở lại Nhà Bát Giác để tham quan khu chợ đêm, gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp và hòa cùng điệu múa sạp của người Thái, múa xòe của người Hà Nhì. Đồng thời, trải nghiệm hoạt động văn hóa, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc.
Một số hình ảnh khác của Lễ hội đường phố: