Khách trên xe giường nằm không thắt dây an toàn, nhà xe cần bị phạt nặng

Nhiều lần đi xe giường nằm, tôi chưa bao giờ thấy nhà xe nhắc khách thắt dây an toàn; mức phạt còn quá nhẹ trong khi phương tiện này lại dễ gặp tai nạn.

Tôi nhiều lần chọn xe khách giường nằm cho những chuyến đi đường dài nhưng chưa từng được phụ xe nhắc nhở thắt dây an toàn; vì thế mà trong thời gian dài tôi thậm chí không biết điều đó là bắt buộc. Khi biết quy định này, tôi luôn nhớ thắt dây, nhưng các hành khách khác thường bỏ qua; tôi nhắc nhưng họ chỉ lờ đi, phụ xe nghe thế cũng mặc kệ.

Có lần tôi tìm dây thì không thấy, hóa ra nó bị nhét sâu dưới đệm, rỉ sét, lỏng lẻo và thiếu an toàn; hỏi phụ xe thì anh đáp lại bằng một câu bông đùa: “Thắt chi cho khó ngủ, để vậy lát đến trạm dừng nghỉ cậu nhảy xuống dưới giường cho nhanh".

Tôi thấy dường như các nhà xe giường nằm không quan tâm đến việc khách có sử dụng dây an toàn hay không, cũng chẳng quan tâm kiểm tra nghiêm túc phụ kiện này xem liệu còn đạt chất lượng. Nhiều trường hợp tôi gặp phải dây có khóa không ăn khớp.

Trong khi đó, xe giường nằm là loại phương tiện dễ xảy ra tai nạn, gần đây nhất là tai nạn thương tâm ở Hà Tĩnh tối 24/7 khiến 10 người tử vong và 15 người bị thương. Sáng 9/7 trên đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (tỉnh Lâm Đồng), 2 xe khách giường nằm tông nhau khiến 3 người tử vong, 36 người khác bị thương.

Xe giường nằm gặp nạn ở Hà Tĩnh khiến 10 người tử vong.

Xe giường nằm gặp nạn ở Hà Tĩnh khiến 10 người tử vong.

Sáng sớm 31/5, tại tại km1715+300 đường Hồ Chí Minh (địa phận Đắk Lắk), 2 chiếc xe khách giường nằm va chạm làm 3 người bị thương. Sáng 22/2, trên Quốc lộ 6 (Sơn La), va chạm mạnh giữa xe đầu kéo với xe giường nằm khiến 6 người chết tại chỗ; trong đó có 5 người trên xe giường nằm; 8 người khác bị thương.

Những vụ tai nạn thường xuyên xảy ra càng cho thấy không thể xem nhẹ vai trò của dây an toàn, một trong những yếu tố giúp cứu mạng hành khách trong nhiều trường hợp. Chẳng may xe gặp tai nạn, phụ kiện này giúp giữ hành khách tại chỗ, tránh bị dồn về phía trước, giảm va đập và hạn chế thương tích nghiêm trọng. Trong trường hợp phanh gấp hoặc va chạm, nguy cơ té ngã hoặc chấn thương cũng thấp hơn. Trên xe giường nằm, khách ở tầng 2 rất dễ bị chấn thương khi xe va chạm hay lật, đổ.

Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô chở người không thắt dây đai an toàn (tại vị trí có trang bị dây đai an toàn). Tôi cho rằng mức phạt này quá nhẹ đối với xe khách, nhất là xe giường nằm, vì liên quan đến sinh mạng của mấy chục con người.

Đối với loại phương tiện này, nên có quy định riêng, theo đó nhân viên nhà xe có trách nhiệm nhắc nhở khách thắt dây an toàn đầy đủ và từ chối chở những người không chấp hành. Nhà xe và nhân viên vi phạm phải bị phạt nặng vì đây là vấn đề tính mạng con người.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021) cũng quy định "phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức sử dụng xe không có dây an toàn tại các vị trí có thiết kế dây an toàn”. Tôi nghĩ mức phạt này cần tăng ít nhất vài ba lần chứ không nên để thấp hơn mức phạt lỗi vượt đèn đỏ như hiện nay. Với xe khách giường nằm, chế tài càng phải nặng hơn nữa.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần nghiêm khắc trong việc kiểm tra định kỳ và đột xuất để đảm bảo những chiếc xe chở 40-50 con người đáp ứng đủ các tiêu chuẩn an toàn. Trên mỗi chuyến xe, chúng ta thường đọc thấy khẩu hiệu "Lái xe an toàn, tính mạng con người là trên hết". Việc đề cao tính mạng con người phải được thể hiện ngay từ việc trang bị đủ dây an toàn và nhắc nhở, thậm chí bắt buộc mọi hành khách tuân thủ các quy tắc an toàn khi xe chạy.

Hoàng Hà

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/khach-tren-xe-giuong-nam-khong-that-day-an-toan-nha-xe-can-bi-phat-nang-ar956677.html