Khách Trung vắng bóng, khách Nga đổ bộ và bài toán bền vững của ngành du lịch
Dịch bệnh corona một lần nữa đặt ra yêu cầu đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn khách cho du lịch Việt Nam, tránh lệ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc.
Trong khi còn đang hào hứng với lượng khách quốc tế phá ngưỡng 18 triệu lượt năm ngoái và chiến lược phát triển du lịch mới đầy tham vọng đã được chính phủ thông qua với mục tiêu đón 35 triệu khách quốc tế vào năm 2025, ngành du lịch Việt Nam đã chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.
Trung Quốc luôn là thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam trong những năm gần đây; trong đó, Việt Nam đón hơn 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc vào năm ngoái, chiếm 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.
Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 khởi phát từ Vũ Hán và cho đến nay đã khiến hơn 2.000 người chết và hơn 75.000 người nhiễm bệnh, nguồn khách từ Trung Quốc “đóng băng”. Ba hãng hàng không là Vietnam Airlines, Vietjet và Jetstar Pacific đã ngừng 87 đường bay thường lệ và thuê chuyến với 401 chuyến bay/tuần từ các thành phố của Việt Nam đến 54 điểm tại Trung Quốc, trong khi 11 hãng hàng không Trung Quốc cũng ngừng khai thác 32 đường bay với 240 chuyến mỗi tuần giữa hai nước.
Đại diện của Tổng cục Du lịch Việt Nam ước tính, trong ba tháng tới, ngành du lịch có thể thiệt hại tới 6-7 tỷ USD tổng doanh thu do lượng khách Trung Quốc gần như bằng 0 và số lượng khách đến từ các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều khách sạn, hãng lữ hành và công ty vận tải đang lao đao vì vắng khách Trung Quốc, đã xuất hiện hai tín hiệu khả quan từ những thị trường khác.
Thứ nhất, số lượng khách Nga đến Việt Nam vẫn đông. Đại diện Anex Tour Việt Nam – một trong hai đơn vị lũ hành đưa khách Nga lớn nhất đến Việt Nam – cho biết, mặc dù tâm lý có bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng số lượng khách Nga đang có chiều hướng tăng lên.
Cụ thể, trong tháng 1 vừa qua, Anex Tour Việt Nam đã đón 36.944 lượt khách Nga, số lượng trong tháng 2 giảm nhẹ còn 34.467 lượt, nhưng đến tháng 3 lại tăng mạnh lên 37.253 lượt. “Khách Nga cũng phòng ngừa dịch bệnh nhưng họ không lo sợ thái quá,” đại diện Anex Tour Việt Nam chia sẻ.
Phần lớn khách Nga của Anex hiện lưu trú ở Nha Trang – Khánh Hòa, một phần ở Phan Thiết. Đại diện hãng cho biết, từ đầu tháng 4 tới, hãng sẽ bắt đầu đưa khách Nga bay thuê chuyến đến Đà Nẵng, theo như thỏa thuận đã ký với thành phố từ cuối năm ngoái. Đại diện Anex Tour cho biết, hiện đang là mùa đông rất lạnh bên Nga nên số lượng khách đi nghỉ trú đông sẽ còn thay đổi.
Đà Nẵng và Khánh Hòa là hai thị trường đón khách Trung Quốc nhiều nhất, nên cũng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, nhờ nguồn khách Nga đến Khánh Hòa vẫn được duy trì và đến Đà Nẵng bắt đầu tăng lên, nên đã giảm thiểu phần nào thiệt hại.
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng cho biết, bên cạnh nguồn khách Nga đã bắt đầu đặt chỗ tại một số khách sạn ở Đà Nẵng, ngành du lịch Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung đang kỳ vọng nguồn khách mới từ thị trường Ấn Độ.
Lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chỉ có 168.998 lượt vào năm ngoái, mà nguyên nhân chính vẫn chưa có đường bay thẳng giữa hai nước.
Tuy nhiên, hãng hàng không Vietjet vừa công bố sẽ mở thêm các đường bay thẳng đi Ấn Độ, trong đó, đường bay Đà Nẵng – New Delhi và Hà Nội – Mumbai được khai thác từ 14/5/2020 với tần suất 5 chuyến và 3 chuyến khứ hồi/tuần; và đường bay TP. HCM – Mumbai 4 chuyến khứ hồi/tuần từ 15/5/2020.
Hiện tại, Vietjet đang khai thác đường bay từ TP. HCM và Hà Nội đi New Delhi với tần suất 4 chuyến và 3 chuyến khứ hồi/tuần. “Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng bắt đầu nhận được đặt phòng của khách Ấn Độ nối chuyến từ Hà Nội và TP. HCM. Bên cạnh đó, các chuyến bay từ New Delhi đến Đà Nẵng từ 14/5 tới cũng làm vững lòng hơn đối với du lịch Việt Nam trong hoàn cảnh thị trường du lịch lớn nhất là Trung Quốc đang sụt giảm nghiêm trọng do dịch bệnh Covid-19”, ông Quỳnh chia sẻ.
Trước đó, trong một lần trao đổi với TheLEADER.vn, ông Quỳnh – đồng thời là Phó Chủ tịch thường trực Hội Khách sạn Đà Nẵng – cũng đã cảnh báo tình trạng ngành du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phụ thuộc quá nhiều vào 1-2 thị trường, dẫn đến rủi ro nghiêm trọng trong kinh doanh khách sạn nếu những thị trường trọng yếu gặp vấn đề.
Ông Quỳnh cũng như nhiều nhà kinh doanh lữ hành, khách sạn đã kêu gọi tìm cách đa dạng hóa nguồn khách quốc tế đến Việt Nam trong bối cảnh khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm tới một nửa tổng lượng khách quốc tế.
Ngoài nguồn khách Tây Âu, Mỹ và Úc, ông Quỳnh cho rằng Ấn Độ là thị trường tiềm năng, thậm chí sẽ là cứu cánh cho ngành khách sạn Đà Nẵng đã tăng trưởng nóng về nguồn cung trong mấy năm qua.
Tổ chức Du lịch Thế giới UNWTO dự đoán sẽ có khoảng 50 triệu du khách Ấn Độ đi du lịch thế giới 2020 và ông Quỳnh tin rằng, số lượng khách đông từ thị trường Ấn Độ sẽ giải quyết được sự lo lắng về nguồn cung khách sạn quá lớn của ngành du lịch Đà Nẵng.