Khách Việt cân nhắc hơn khi lái ôtô du lịch Tết
Mức phạt tăng cao nếu vi phạm luật giao thông nhiều du khách e ngại khi tự lái xe đi du lịch dịp Tết. Lúc này, phương tiện công cộng có thể sẽ hưởng lợi, theo đại diện đơn vị lữ hành.
Cập nhật tin tức muộn về Nghị định 168 sau 5 ngày áp dụng (1/1), Nhật Hoàng (28 tuổi, ngụ TP.HCM) vội đặt vé xe khách đi Huế ngày 21/1, thay vì tự lái ôtô như dự định.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, du khách này cho biết nếu lỡ vi phạm luật giao thông sẽ "không còn bảo toàn khoản thưởng Tết". Trong khi đó, giá vé máy bay neo cao, tàu hỏa dần kín chỗ, xe khách trở thành phương tiện khả thi nhất lúc này.
Phương tiện công cộng hưởng lợi
Tương tự, vào đợt du lịch cận Tết, Tuyết Lan (26 tuổi, sống tại Tiền Giang) cùng nhóm bạn cũng lựa chọn xe giường nằm đến Măng Đen (Kon Tum) vui chơi 4 ngày 3 đêm.
Trước đây, cả nhóm thường du lịch bằng ôtô cá nhân để thuận tiện, tiết kiệm thời gian. Song, đến hiện tại, cả nhóm không tự tin mình có thể nắm tường tận các quy định giao thông mới. Lưu lượng xe tăng cao dịp cuối năm cũng khiến mỗi thành viên dè dặt hơn trong việc cầm lái.
Tuy vậy, khi lựa chọn xe giường nằm, nhóm bạn của Lan phải đối mặt với 2 vấn đề. Một là giá vé xe khách cận Tết tăng, rơi vào khoảng 540.000-590.000 đồng/khách đối với xe 32 giường VIP. Hai là thời gian di chuyển kéo dài bởi tài xế xe khách phải dừng nghỉ sau 4 tiếng lái xe.
"Thời gian di chuyển khá lâu. Đến nơi, chúng tôi cũng phải tốn thêm chi phí thuê xe máy tại điểm du lịch. Vậy nhưng nhóm sẽ cảm thấy an toàn, thỏa mái du lịch hơn", cô nói.
Nhóm của Lan không phải ngoại lệ, Ninh Giang (30 tuổi, sống tại TP.HCM) cũng e ngại việc tự lái xe đi xa. Theo kế hoạch trước đó, ngày 28/1 (tức 29 tháng Chạp), anh sẽ khởi hành đi Quy Nhơn (Bình Định). Song, khi hay tin những quy định mới, điểm đến được đổi sang Vũng Tàu để dễ di chuyển bằng xe máy.
"Tôi cũng tìm hiểu rõ quy định mới, học thuộc lòng nhưng không thể biết trước được điều gì. Chưa kể mùa cao điểm, du lịch gần là phương án tối ưu, vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo an toàn. Sẵn tiện tôi cũng muốn thử lại cảm giác phượt xe máy", anh nói.
Giang cho biết thêm trong thời gian sắp tới, với những chuyến dài có hành lý cồng kềnh hoặc đi cùng nhóm đông người, anh sẽ cân nhắc kỹ càng việc lái ôtô để thuận tiện hơn. Trường hợp hành lý gọn nhẹ hoặc đi ít ngày, xe máy hoặc xe khách vẫn được ưu tiên.
Du lịch tự túc an toàn, văn minh
Tuy nhiên, trước Nghị định 168, một số du khách chọn lái xe cẩn thận hơn, ứng xử văn minh hơn khi tham gia giao thông. Văn Thông (30 tuổi, Nhà Bè) là một trong số đó.
Với Thông, ôtô là vật bất ly thân để đi làm, dạo thành phố cùng vợ và cả đi du lịch. Việc từ bỏ ôtô cá nhân để chuyển sang phương tiện khác với anh không khả thi. Thay vì loay hoay tìm cách đối phó, Thông nghĩ đến phương án lâu dài và tích cực là thấu hiểu luật, điều chỉnh thói quen cho phù hợp.
"Những điểm đến ở châu Á khác như Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)... đều áp dụng mức phạt cao và người dân vẫn chấp hành. Không có lý do gì người Việt Nam lại từ chối điều khiển xe văn minh hơn. Tiền phạt cao và việc báo tin vi phạm giao thông là một hình thức răn đe hữu hiệu", Thông nói.
Nhật Hoàng cũng có suy nghĩ trên. Tuy nhiên, tìm hiểu luật, lái xe đường dài cộng thêm bận rộn công việc vào thời điểm cận Tết có phần hơi quá sức với nam nhân viên truyền thông này.
"Tôi vẫn sẽ tuân thủ luật mới. Song mọi thứ phải đợi khi du lịch trở về vì nếu không tìm hiểu kỹ và bị phạt, nghĩ đến đây tôi ăn Tết không ngon, không còn tâm trạng sắm sửa gì", Hoàng tâm sự.
Về phía góc nhìn của đơn vị lữ hành, ông Phạm Anh Vũ, Phó tổng Giám đốc Du Lịch Việt, cho rằng những quy định chặt chẽ hơn về luật giao thông đường bộ sẽ khiến du khách thận trọng hơn khi lái xe đường dài. Một số nhu cầu có thể chuyển sang lựa chọn phương tiện khác để tránh rủi ro. Chi phí du lịch có thể tăng nếu phải thuê tài xế chuyên nghiệp.
Mặc dù vậy, ông Vũ nhận định nghị định 168 đã tác động đến tâm lý người dân nhưng không làm giảm đáng kể nhu cầu du lịch tự túc, đặc biệt trong bối cảnh phát triển thuận lợi từ các tuyến cao tốc chẳng hạn TP.HCM - Nha Trang.
"Đối với đặc thù mùa du lịch Tết, du khách cần cân nhắc lựa chọn thời gian di chuyển phù hợp để tránh ùn tắc và có phương án dự phòng về phương tiện thay thế", ông Vũ nói với Tri Thức - Znews.
Nghị định 168 được thi hành vào ngày 1/1. Chính phủ ban bố văn bản nhằm quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng như trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.
Theo Thống kê của Cục CSGT thuộc Bộ Công an, sau nửa tháng thực hiện Nghị định 168/2024 (từ ngày 1-14/1), số lượng xử phạt giảm 22.786 trường hợp so với thời gian trước liền kề. Cụ thể, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 174.653 trường hợp vi phạm; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 17.595 trường hợp; 12.691 trường hợp bị trừ điểm giấy phép lái xe.