Khách Việt khao khát du lịch để 'đu idol'

Khách Việt được dự đoán sẽ tiếp tục đi và chi nhiều cho các chuyến xuất ngoại 'đu idol', check-in tại điểm đến nổi tiếng nhờ xuất hiện trên nền tảng trực tuyến như TikTok vào 2025.

 Nhiều người Việt lựa chọn du lịch nước ngoài để xem concert, check-in điểm đến xuất hiện trên phim. Ảnh: @sooyaaa__.

Nhiều người Việt lựa chọn du lịch nước ngoài để xem concert, check-in điểm đến xuất hiện trên phim. Ảnh: @sooyaaa__.

Theo báo cáo Theo đuổi những chuyển dịch văn hóa - Cách du khách Việt đang định nghĩa lại điểm đến mơ ước do đơn vị tư vấn truyền thông Vero công bố hôm 6/11, hơn 50% trên tổng số 23.000 người Việt được khảo sát cho biết đã đặt vé, chi tiêu cho các chuyến du lịch gắn liền với thần tượng, bối cảnh trong phim hoặc các trận bóng đá trực tiếp.

Xu hướng này tiếp tục bùng nổ với 45,9% du khách tiết lộ sẽ "du lịch thần tượng" trong vài tháng tới. Một số điểm đến được nhắc đến nhiều nhất bao gồm Thái Lan, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc).

 Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tổ chức tại TP.HCM tối 19/10 và 14/12 sắp tới tại Hà Nội thu hút dòng du khách từ nhiều địa phương. Ảnh: Phương Lâm.

Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tổ chức tại TP.HCM tối 19/10 và 14/12 sắp tới tại Hà Nội thu hút dòng du khách từ nhiều địa phương. Ảnh: Phương Lâm.

Bên cạnh đó, cộng đồng người hâm mộ (fandom) của người nổi tiếng phủ sóng khắp các diễn đàn góp phần vào sự gia tăng các loại hình du lịch khác nhau, bao gồm:

Du lịch âm nhạc: chỉ việc lên kế hoạch du lịch kết hợp tham gia sự kiện âm nhạc. Tiêu biểu là việc cộng đồng người hâm mộ ca sĩ Taylor Swift (Swifties) tại Việt Nam đến Singapore vào đầu năm nay để tham gia Eras Tour; hay những du khách Việt Nam chọn Hàn Quốc là điểm đến để thưởng thức các buổi biểu diễn của nghệ sĩ K-Pop yêu thích.
Du lịch phim trường: là cách để du khách hiện thực hóa thế giới điện ảnh bằng việc ghé thăm nơi ghi hình của các bộ phim và chương trình truyền hình yêu thích. Ví dụ đáng chú ý có thể kể đến bộ phim truyền hình Trung Quốc Đi về nơi có gió. Tác phẩm đã khiến người Việt quan tâm nhiều hơn đến Vân Nam (Trung Quốc - địa điểm quay phim). Sự phổ biến của bộ phim Emily in Paris với khán giả Việt Nam cũng dẫn đến sự gia tăng lượt tìm kiếm các chuyến đi đến thủ đô nước Pháp.
Du lịch thể thao: loại hình du lịch kết hợp giữa hoạt động du lịch và tham gia/xem các sự kiện thể thao đặc sắc, đặc biệt là các giải bóng đá hay các sự kiện tầm cỡ như SEA Games, Giải Ngoại hạng Anh tại London và Thế vận hội. Mặc dù vẫn chưa thực sự phát triển mạnh, loại hình du lịch văn hóa đại chúng này có tiềm năng tăng trưởng khi ngày càng có nhiều người hâm mộ thể thao Việt Nam tìm đến các điểm đến gắn với các sự kiện thể thao lớn.

 Thành phố Đại Lý (tỉnh Vân Nam) thu hút đông đảo du khách Việt Nam sau thành công của bộ phim Đi về nơi có gió. Ảnh: Quỳnh Trang.

Thành phố Đại Lý (tỉnh Vân Nam) thu hút đông đảo du khách Việt Nam sau thành công của bộ phim Đi về nơi có gió. Ảnh: Quỳnh Trang.

Đáng chú ý, mạng xã hội trở thành công cụ truyền cảm hứng du lịch cho khách Việt với 61,5% người được khảo sát được thôi thúc lên đường nhờ Facebook. Tỷ lệ này là 59,6% đối với Instagram.

Trong khi đó, TikTok lại đóng vai trò như một “hướng dẫn viên du lịch”. 55,6% người tham gia khảo sát sử dụng nền tảng này để tìm thông tin về điểm đến, kỳ nghỉ và các lựa chọn du lịch.

Ngoài ra, tầng lớp trung lưu đang là động lực chính thúc đẩy nhu cầu du lịch. Đây là nhóm sở hữu mức thu nhập khả dụng (thu nhập cá nhân trừ đi các khoản thuế) cao và thích khám khá những địa danh mới.

Tệp khách này ưu tiên chuyến du lịch nước ngoài, đặc biệt là đặt chân đến những nơi mang lại trải nghiệm văn hóa sâu sắc và có mối liên kết đến các nội dung phổ biến trên mạng xã hội.

 Du khách Việt check-in tại 53 sân vận động nổi tiếng của châu Âu. Ảnh: Hoàng Đức Anh.

Du khách Việt check-in tại 53 sân vận động nổi tiếng của châu Âu. Ảnh: Hoàng Đức Anh.

Bà Phạm Hoài Anh, Giám đốc Giải pháp Khách hàng của Vero, cho biết nhu cầu hiện thực hóa ước muốn chẳng hạn gặp "idol", đến những địa danh trong mơ từng xuất hiện trên phim, hòa cùng không khí các trận đấu lớn... (gọi chung là văn hóa đại chúng) đang ảnh hưởng đến cách người Việt dịch chuyển.

Song, câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao để các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp Việt Nam khai thác thị trường tiềm năng trên?

Cũng theo vị giám đốc, để thu hút sự chú ý của phân khúc khách hàng mới này, đơn vị du lịch lữ hành và thương hiệu khách sạn cần tạo ra các dịch vụ độc đáo, phù hợp với những chuyến đi gắn liền với văn hóa và tạo cơ hội để du khách lan tỏa những khoảnh khắc đáng nhớ thông qua việc:

Đón nhận sự phát triển của văn hóa hâm mộ như một điều tất yếu.
Đề cao tính độc đáo của điểm đến.
Đáp ứng nhu cầu của khách du lịch về trải nghiệm xã hội chân thực và đáng giá để họ chia sẻ.

Còn bà Trinh Nguyễn, Phó Chủ tịch Phòng truyền thông của Vero tại Việt Nam, cho rằng số lượng nghệ sĩ nước ngoài đến Việt Nam biểu diễn vẫn còn hạn chế. Do đó, khao khát giải trí và kết nối văn hóa của người hâm mộ càng trở nên mãnh liệt hơn, khiến những trải nghiệm này dường như trở nên đặc biệt hơn nữa.

Khi nhận thức rõ và đáp ứng được sự nhiệt thành này, các thương hiệu và doanh nghiệp du lịch sẽ có thể tạo nên những trải nghiệm đáng nhớ trong lòng du khách.

Tường Vi

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/khach-viet-khao-khat-du-lich-de-du-idol-post1510575.html