Khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp tỉnh năm 2024
Sáng 22/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp tỉnh năm 2024.
Các đồng chí: PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã tới dự.
Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, các tiểu ban giúp việc lớp bồi dưỡng; đại diện Thường trực các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh cùng 89 đồng chí được quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, 2025-2030.
Phát biểu khai giảng lớp bồi dưỡng, PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định 3 đột phá chiến lược phát triển đất nước, đó là: thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực; đặc biệt là chú trọng nguồn nhân lực làm cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Vì vậy, việc tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cho Đảng bộ tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ tới là sự cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII vào thực tiễn của tỉnh.
Đồng chí cũng cho rằng: Trong những năm qua, Ninh Bình đã có bước phát triển vượt bậc trên các lĩnh vực. Có được điều đó là nhờ công tác đào tạo nguồn nhân lực được đặc biệt chú trọng; đồng thời phát huy nguồn nhân lực, biến khó khăn, thách thức thành nguồn lực, cơ hội phát triển.
20 chuyên đề được lựa chọn giảng dạy, trao đổi tại lớp bồi dưỡng đều là những vấn đề mới cập nhật liên quan đến công tác tổ chức xây dựng Đảng, phát triển nguồn nhân lực, quản lý phát triển ở địa phương cũng như những điểm mới trong định hướng phát triển của tỉnh Ninh Bình đến giữa thế kỷ; đã bao quát, có tầm nhìn, đầy đủ theo quy định, hướng dẫn của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Lớp bồi dưỡng đề ra 3 mục tiêu: Kiến thức, kỹ năng phương pháp, tinh thần và thái độ.
PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại lễ khai giảng.
Đồng chí Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh yêu cầu các báo cáo viên, giảng viên tập trung cập nhật các lý luận mới của Đảng cũng như sự phát triển của thế giới, cập nhật liên hệ thực tiễn tình hình trong nước và tỉnh Ninh Bình; các học viên phát huy tinh thần, thái độ tích cực, chủ động trao đổi để lĩnh hội kiến thức hiệu quả.
Phát biểu chỉ đạo tại lớp bồi dưỡng, đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã được Đảng ta khẳng định nhất quán ở mọi thời kỳ. Lớp bồi dưỡng này có ý nghĩa quan trọng chuẩn bị nguồn cho Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030.
Trên tinh thần đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nêu một số vấn đề để Ban Chỉ đạo lớp học tập trung chỉ đạo và mỗi giảng viên cũng như từng học viên phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy và học tập.
Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại Lớp Bồi dưỡng.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các giảng viên tăng cường tương tác với học viên; các học viên cần phát huy tính tích cực, chủ động, tự đặt ra các phương án xử lý tình huống có vấn đề, tránh thụ động trong học tập. Bên cạnh đó, kỷ luật lớp học phải được thiết lập nghiêm túc với mọi học viên, không có ngoại lệ. Kết quả học tập phải được tổng hợp, chắt lọc, cá thể hóa thông qua thu hoạch và đánh giá nghiêm túc, cẩn thận.
Thường trực Tỉnh ủy sẽ trực tiếp đọc, cho ý kiến đánh giá, nhận xét về thu hoạch của mỗi đồng chí học viên, thông qua đó góp phần phát hiện, đánh giá chất lượng, phân hóa trình độ tư duy của mỗi cán bộ nguồn chuẩn bị cho nhiệm kỳ Đại hội tới, nhất là những đề xuất, kiến nghị có giá trị đột phá, ý tưởng khác biệt được tôn trọng, biểu dương. Mỗi đồng chí đề xuất một ý tưởng tốt, một giải pháp đột phá có tính khả thi thì tỉnh sẽ có nhiều tri thức hữu ích để ứng dụng vào hoàn thiện các chủ trương, chính sách, đề án phát triển của tỉnh.
Xây dựng Đô thị di sản thiên niên niên kỷ, thành phố sáng tạo, lấy du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản làm mũi nhọn, công nghiệp cơ khí ô tô làm động lực, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá, nông nghiệp sinh thái đa giá trị làm trụ đỡ... là những nhiệm vụ nhọc nhằn, đầy thử thách để phục hưng giá trị văn hóa Cố đô Hoa Lư, để di sản quá khứ trở thành tài sản phục vụ cho hiện tại và tương lai, để khát vọng Ninh Bình trở thành hiện thực.
Để làm được điều này, phải nhờ trách nhiệm lớn lao của thế hệ lãnh đạo hôm nay, của những cán bộ nguồn khóa tới với tri thức sâu rộng, tầm nhìn dài hạn, ý chí mạnh mẽ. Vì vậy, việc định hình chế độ học tập suốt đời, cập nhật kiến thức, thúc đẩy văn hóa đọc sẽ giúp mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn tự làm mới chính mình, luôn hiện đại hóa gắn với truyền thống hóa bản thân, trở thành hạt nhân cho phát huy nội lực, kết nối, thu hút nguồn lực bên ngoài, chuyển hóa ngoại lực thành nội lực, nâng tầm giá trị truyền thống, biến thách thức thành cơ hội, biến di sản thành tài sản. Phẩm cách và tầm vóc của người cán bộ lãnh đạo, quản lý sẽ trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của giá trị văn hóa Cố đô, thậm chí là bộ phận mang tính kiến tạo và dẫn dắt.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị sau lớp học, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tiếp tục tham mưu tổ chức các lớp cập nhật kiến thức chuyên sâu đối với những vấn đề rất mới của tỉnh để tăng cường năng lực cán bộ lãnh đạo, quản lý, như quản trị địa phương, đô thị và quản lý đô thị di sản, phát triển kinh tế di sản-kinh tế thương hiệu, phát triển công nghiệp văn hóa, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển nông nghiệp sinh thái đa giá trị, nông nghiệp đô thị, chế độ học tập suốt đời và quản trị tri thức, đạo đức công vụ và quản trị bản thân, bản sắc văn hóa và giá trị cốt lõi của con người Ninh Bình.
Lớp bồi dưỡng cán bộ nguồn cấp tỉnh năm 2024 diễn từ ngày 22/5 đến 11/6/2024.
Học viên tham gia lớp bồi dưỡng được nghiên cứu 20 chuyên đề: Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đáp ứng yêu cầu Cách mạng công nghiệp 4.0; Hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng; Quản lý khủng hoảng truyền thông trong lãnh đạo, quản lý; các vấn đề rủi ro toàn cầu và bối cảnh cho các mục tiêu phát triển của Việt Nam;Tầm nhìn, mục tiêu và định hướng phát triển đất nước đến giữa thế kỷ XXI và vận dụng vào thực tiễn phát triển địa phương;Tình hình tôn giáo và các tôn giáo ở nước ta hiện nay; Tập trung dân chủ-nguyên tắc căn bản để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phân cấp, phân quyền trong công tác lãnh đạo, quản lý; đảm bảo an ninh quốc gia, chủ động phòng ngừa, ứng phó với những nguy cơ tác động của an ninh phi truyền thống-an ninh mạng trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0); Vấn đề môi trường gắn với phát triển bền vững ở Việt Nam hiện nay và yêu cầu đặt ra ở tỉnh Ninh Bình hiện nay; Những vấn đề mới về công tác tư tưởng trong điều kiện kinh tế số, xã hội số; một số vấn đề về mục tiêu, quan điểm phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, liên kết vùng giữa Ninh Bình với các tỉnh, thành khác trong giai đoạn hiện nay; Tư duy tương lai và dự báo; Những vấn đề cơ bản về lãnh đạo, quản lý và sử dụng các công cụ, kỹ năng và nghệ thuật trong thực hiện lãnh đạo, quản lý; Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị của tỉnh, kết quả thực hiện Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Ninh Bình từ đầu nhiệm kỳ đến nay; Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, vì mục tiêu phát triển bền vững; Bài học chính sách từ việc phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), những gợi ý về thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình; Kinh nghiệm xử lý tình huống chính trị trong lãnh đạo, quản lý ở địa phương cơ sở; Công tác quy hoạch và quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay.