Khai hội đình, đền Quy Mông, Trấn Yên
Ngày 4/2 (tức mồng 7 tháng Giêng năm Ất Tỵ), Lễ hội đình và đền xã Quy Mông, huyện Trấn Yên đã khai hội trong niềm vui hân hoan của người dân và khách thập phương.
Quần thể di tích đình và đền Quy Mông tọa lạc tại thôn Hợp Thành, xã Quy Mông, Trấn Yên. Theo sử sách ghi lại, đình và đền Quy Mông có từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đình Quy Mông thờ đệ nhất Quốc Chủ Thông, Đại vương Sắc phong, Đệ Nhị Cao Sơn Thần Đại Vương, Đệ Tam Trấn Quốc Đại Vương, Đệ Tứ Phiên Quốc Đại Vương, thờ 18 vị văn võ lang quân, Đệ Nhất Thần Nông Thị Chi, thờ Tản Viên Sơn - một nhân thần huyền sử, một trong Tứ bất tử của dân tộc Việt Nam.
Đền Quy Mông thờ vọng Mẫu Đông Cuông, thờ Bà Vương Mẫu Quế Hương công chúa và thờ bà Nguyễn Thị Hoa là nhân vật lịch sử cùng 2 em gái khai phá lập ấp từ ngòi Rào đến ngòi Thia gồm các xã Quy Mông, Kiên Thành (huyện Trấn Yên); Hoàng Thắng, Xuân Ái, Yên Hợp, Yên Phú, Đại Phác, An Thịnh (huyện Văn Yên).
Hàng năm, cứ đúng ngày 7 tháng Giêng, xã Quy Mông lại tổ chức Lễ hội đình và đền trong không khí hân hoan, phấn khởi của bà con trong xã cũng như các địa phương lân cận ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới.
Mở đầu Lễ hội, người dân và khách thập phương được chứng kiến Lễ rước sắc phong của các đời vua vào đình và đền xã Quy Mông. Tiếp đó là mâm lễ của các thôn dâng cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Cùng với tiệc chính được tổ chức vào ngày mùng 7 tháng Giêng thì trong năm, tại đình và đền Quy Mông còn 4 lễ hội khác là: Lễ Hạ điền ngày 3/3 (Âm lịch), Lễ đại tiệc thu ngày 17/7 (Âm lịch), Lễ mừng cơm mới ngày 9/9 (Âm lịch), Lễ cấm cửa rừng ngày 25/12 (Âm lịch). Là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, đến nay, đình và đền Quy Mông vẫn luôn là điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương đến du xuân, chiêm bái.
Ngoài phần lễ trang trọng, đến với Lễ hội đình và đền Quy Mông, người dân và du khách còn được tham gia các trò chơi dân gian hấp dẫn giàu bản sắc văn hóa dân tộc, thưởng thức các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Mường, tạo không khí vui tươi, phấn khởi những ngày đầu xuân mới.
Lễ hội diễn ra hàng năm nhằm tưởng nhớ các bậc hiền tài có công với quê hương, đất nước; cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống bình an. Đây cũng là dịp để địa phương tiếp tục gìn giữ, tôn tạo, tổ chức các hoạt động văn hóa tâm linh, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, góp phần giữ gìn khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Di tích đình, đền Quy Mông đã vinh dự được công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh năm 2010. Để phục vụ nhu cầu tham quan chiêm bái của du khách thập phương và bà con nhân dân trong xã, từ năm 2024, đình và đền Quy Mông đã được khởi công trùng tu, tôn tạo. Đến nay đã hoàn thiện hạng các mục xây dựng với tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của đông đảo nhân dân và du khách.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/226/345498/khai-hoi-dinh-den-quy-mong-tran-yen.aspx