Khai mạc COP25: Giải quyết thách thức của nhân loại

Tây Ban Nha huy động hơn 5.000 nhân viên đảm bảo an ninh cho COP25

(HNM) - Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP25) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha. Hội nghị diễn ra từ ngày 2 đến 13-12 là dịp lãnh đạo các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thể hiện quyết tâm chính trị trong việc ứng phó với những thách thức ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đặt trong những nỗ lực đàm phán triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris được thông qua 4 năm trước tại COP21.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại phiên khai mạc COP25.

Hàng loạt báo cáo của các cơ quan khí tượng trong thời gian gần đây cho thấy, hậu quả của biến đổi khí hậu đã tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu mà nếu tiếp tục chậm giải quyết, nhân loại sẽ không có điểm quay đầu. Thế giới chưa bao giờ phải chứng kiến và gồng mình chống chọi với những tác động của quá trình ấm lên toàn cầu một cách rõ rệt như hiện nay, từ nắng nóng bất thường tại châu Âu, cháy rừng trên diện rộng tại Nam Mỹ đến những trận lụt lịch sử ở nhiều nước... Bối cảnh này khiến dư luận thế giới đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả của COP25. Ngay trước thềm sự kiện, hàng chục nghìn người đã xuống đường tuần hành với hy vọng tạo sức ép và kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cần có những cam kết cụ thể để cứu trái đất trước khi quá muộn.

Trọng tâm của hội nghị lần này là tiếp tục thu hút, huy động các quốc gia đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris cùng các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ cùng tham gia vào quá trình hoàn tất bộ quy tắc triển khai để có thể thực hiện từ năm 2021. Báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc chỉ ra rằng, cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết để giới hạn nhiệt độ trái đất tăng ở mức 1,5 độ C trong thế kỷ XXI như nội dung Thỏa thuận Paris. Với tốc độ hiện nay, gần như chắc chắn thế giới sẽ thất bại trong mục tiêu hạn chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời tiền công nghiệp và xuống mức an toàn hơn là 1,5 độ C như đã đề ra.

Giới quan sát cho rằng, cần có một nỗ lực thực sự lớn để có được đột phá tại hội nghị lần này. Tính đến nay, chỉ có 71 nước, hầu hết có lượng khí thải thấp, cam kết đưa mức phát thải về 0 vào năm 2050. Trong khi Mỹ đã sẵn sàng rút khỏi Thỏa thuận Paris thì các nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil còn mập mờ và khó có khả năng đưa ra cam kết cắt giảm khí CO2 lớn hơn với lập luận rằng họ đang làm nhiều hơn những gì được yêu cầu.

Ngoài ra, Thỏa thuận Paris đặt mục tiêu các nước giàu đóng góp khoản ngân sách 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các dạng năng lượng tái sinh ít phát thải hơn. Tuy nhiên, tranh cãi về các khoản đóng góp và hỗ trợ các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu của các nước giàu có và phát triển vẫn chưa đi đến hồi kết. Thực tế, số lượng người di cư do khủng hoảng khí hậu ở các quốc gia nghèo nhất trên thế giới lại chiếm đa số, mặc dù lượng khí thải nhà kính ở những nước này thấp hơn so với các quốc gia giàu.

Tại lễ khai mạc toàn thể của COP25, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo loài người đã tạo ra cuộc chiến tranh với hành tinh trong nhiều năm qua và giờ đây trái đất đang chống trả, đưa nhân loại tới gần điểm không thể cứu vãn của cuộc khủng hoảng khí hậu. Trước thềm sự kiện, Nghị viện châu Âu đã đưa ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu và môi trường hay Mỹ cũng chính thức thành lập liên minh các cá nhân nổi tiếng chống biến đổi khí hậu với tên gọi “Chiến tranh thế giới lần thứ 0”. Tuy nhiên, việc đưa ra những hành động cụ thể mới là điều quan trọng để giải quyết thách thức khẩn cấp của nhân loại.

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/952027/khai-mac-cop25-giai-quyet-thach-thuc-cua-nhan-loai