Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bảo Lâm lần thứ VI
Sáng 25/8, Đảng bộ huyện Bảo Lâm long trọng tổ chức khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại hội có sự tham dự của 197 đại biểu, đại diện cho gần 3.200 đảng viên của 61 tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ huyện.
Đến dự Đại hội có các đồng chí: Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Dương Công Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Lệ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Triệu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Bảo Lộc; đại diện lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng, Ban Nội chính, Văn phòng Tỉnh ủy.
Tại Đại hội, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Trung Kiên - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện khóa V trình bày tóm tắt Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ VI. Trong 5 năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực và quyết tâm phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện, Bảo Lâm đã có bước phát triển khá mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng bình quân 8,15%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm ước đạt 1.235 triệu USD. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện 5 năm ước đạt khoảng 3.434 tỷ đồng.
Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển khá toàn diện, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp được quan tâm thực hiện, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt kết quả tích cực, có trên 26.500 ha (đạt 79%) cà phê được ghép cải tạo giống mới năng suất cao; chuyển đổi chè giống mới chất lượng cao trên 5.800 ha (đạt 75% diện tích); diện tích cây ăn quả, đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng. Nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 140 triệu đồng/năm, tăng 30 triệu đồng so với năm 2015. Chăn nuôi phát triển khá ổn định, đến nay toàn huyện có 37 trang trại, với khoảng 525.000 con gia súc, gia cầm, thủy cầm; diện tích nuôi trồng thủy sản ước khoảng 228 ha, sản lượng trên 4.000 tấn.
Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn huyện có 10 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 77%); thị trấn Lộc Thắng đạt chuẩn đô thị văn minh, huyện đạt 6/9 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia huyện nông thôn mới; có 11 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 126/128 thôn, tổ dân phố được công nhận danh hiệu thôn, tổ dân phố văn hóa.
Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá, giá trị sản xuất bình quân đạt trên 5.000 tỷ đồng/năm; tỷ lệ tăng trưởng bình quân đạt 110%/năm. Toàn huyện có 48 doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp. Thương mại, dịch vụ có bước phát triển khá, với 4.360 cơ sở kinh doanh thương mại - dịch vụ, tăng 260 cơ sở so với năm 2015.
Văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến theo hướng chuẩn hóa và xã hội hóa. Các hoạt động văn hóa, thông tin và thể thao luôn được quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,2%. Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai tích cực. Đến nay, huyện đã xây dựng mới 390 căn nhà, sửa chữa 122 căn nhà cho người nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 6,57% năm 2015 giảm xuống còn 2,3% năm 2019; trong đó, hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số giảm còn 4,94%.
Các chương trình trọng tâm và các công trình trọng điểm đã được Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ huyện đến cơ sở quyết liệt thực hiện có hiệu quả.
Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội giữ vững ổn định. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được chú trọng; công tác phát triển đảng viên mới hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Cải cách hành chính Nhà nước từ huyện đến cơ sở được quan tâm, lãnh đạo thực hiện đạt nhiều kết quả. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được cấp ủy quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện thường xuyên và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đánh giá cao, ghi nhận, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Lâm đã đạt được trong nhiệm kỳ qua.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Đại hội cần tập trung phân tích rõ những nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp đồng bộ, hướng khắc phục trong thời gian tới. Mặc dù là một trong 4 huyện trọng điểm của tỉnh, nhưng Bảo Lâm phát triển chưa xứng tầm, chưa tạo được sự bứt phá trong phát triển công nghiệp; việc kết nối giao thương với các địa phương khác còn yếu, thu hút đầu tư còn gặp nhiều khó khăn, chưa phát triển được điểm công nghiệp tập trung; công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, tỷ lệ độ che phủ rừng vẫn chưa đảm bảo; tỷ lệ dịch vụ, thương mại còn thấp; công nghiệp chế biến còn phát triển chậm; giá trị thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích còn thấp, tiềm năng đất đai chưa được phát huy hiệu quả, đặc biệt là dịch vụ du lịch; kết quả giảm nghèo trên một số địa bàn chưa vững chắc, đời sống một số bộ phận Nhân dân còn nhiều khó khăn; chất lượng đội ngũ cán bộ công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ...
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Văn Hiệp lưu ý những nhiệm vụ, giải pháp để Đại hội tham khảo và nghiên cứu trong quá trình thảo luận: Cần quan tâm thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, tạo sự đoàn kết, thống nhất thực sự trong Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và phát huy vai trò đảng viên; tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị số 05; thực hiện tốt công tác dân vận của Đảng; tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động của mặt trận, đoàn thể và làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, quy hoạch. Bên cạnh đó, cần phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển mạnh kinh tế trang trại. Bảo Lâm phải hoàn thiện Đề án quản lý bảo vệ rừng, quyết tâm ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp; tập trung phát triển hạ tầng đô thị, khai thác tối đa tiềm năng phát triển của địa phương; chú trọng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; phát triển công nghiệp có chọn lọc, thu hút đầu tư, phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông sản gắn với lợi thế của địa phương; phấn đấu xây dựng huyện Bảo Lâm trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh.
Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020- 2025 diễn ra đến hết ngày 26/8.