Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ 14
Sáng 14-10, tại TP Phan Thiết, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dự và chỉ đạo Đại hội.
Sáng 14-10, tại TP Phan Thiết, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam dự và chỉ đạo Đại hội.
Cùng dự, có các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành ở Trung ương; lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận; đại diện Bộ Tư lệnh Quân khu 7; các đồng chí lão thành cách mạng; lãnh đạo chủ chốt của tỉnh qua các thời kỳ; đại diện các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và 349 đại biểu đại diện gần 38 nghìn đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 13, nhiệm kỳ 2015 - 2020 do đồng chí Nguyễn Ngọc Hai, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trình bày tại Đại hội nêu rõ, năm năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được kịp thời tháo gỡ, song Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 13 đạt nhiều kết quả tích cực về mọi mặt. Kinh tế liên tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, sức cạnh tranh ngày càng nâng lên. Nhiều nhóm chỉ tiêu cơ bản vượt so với chỉ tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP bình quân đạt 7,64%. Quy mô tổng giá trị sản phẩm nội tỉnh từ hơn 47 nghìn tỷ năm 2015 tăng lên gần 82 nghìn tỷ năm 2020. Tổng thu nội địa trong năm năm từ 2016 - 2020 đạt hơn 35,4 nghìn tỷ đồng, vượt 14,46% mục tiêu kế hoạch năm năm. GRDP bình quân đầu người đạt 2.856 USD, gấp 1,53 lần so với năm 2015.
Từ năm 2016 đến tháng 6-2020, toàn tỉnh thu hút 468 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 127,4 nghìn tỷ đồng. Trong năm năm, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đã huy động đạt hơn 131,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 39,9% GRDP của tỉnh. Bộ mặt đô thị và nông thôn, kể cả vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều khởi sắc, toàn tỉnh có 65/93 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt gần 70% tổng số xã trong tỉnh, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội 13 đề ra. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn cuối năm 2019 gấp 1,37 lần so với năm 2015. Các chính sách “đền ơn đáp nghĩa”, phúc lợi xã hội và an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội căn bản được giữ vững.
Công tác xây dựng Đảng đạt kết quả khá toàn diện và đi vào chiều sâu. Công tác phát triển đảng viên mới đạt chỉ tiêu đề ra, bình quân hằng năm kết nạp 2.000 đảng viên mới. Công tác nội chính, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được tăng cường. Trong nhiệm kỳ đã kiểm tra 460 đơn vị, phát hiện 60 đơn vị vi phạm; phát hiện xử lý 77 vụ án tham nhũng với 129 người.
Hệ thống chính trị ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; ý thức tu dưỡng, rèn luyện của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục nâng lên, đa số không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và không có các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Lương Cường ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và cán bộ nhân dân tỉnh Bình Thuận đạt được trong nhiệm kỳ qua. Tỉnh Bình Thuận nhờ quyết tâm, ý chí và sáng tạo, biến khó khăn, thách thức thành tiềm năng, lợi thế đang hội tụ nhiều thời cơ để phát triển; Những “điểm nghẽn” lâu nay cản trở sự phát triển của Bình Thuận cũng đang được tháo gỡ. Đồng thời, đồng chí cũng đề nghị Đại hội cần nghiêm túc nhìn nhận đầy đủ những hạn chế, khuyết điểm, để từ đó tìm ra các giải pháp khắc phục.
Đồng chí Lương Cường nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Bình Thuận cần tiếp tục quán triệt thật sâu sắc quan điểm xây dựng Đảng là then chốt, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt”. Tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; tăng cường sự đoàn kết, nhất trí cao trong toàn Đảng bộ; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng bộ và tổ chức cơ sở đảng. Đặc biệt chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là cán bộ chủ chốt; quan tâm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Phát huy tinh thần sáng tạo, tiền phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên; thực hiện tốt quy định về trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, theo phương châm “trên làm gương mẫu mục; dưới tích cực làm theo”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận cao nhất trong triển khai thực hiện các chủ trương , đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Phải tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo để phát huy tốt hơn, hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh, vị trí địa lý và khả năng kết nối liên vùng để phát triển toàn diện, trong đó tập trung vào ba trụ cột được đề ra trong Văn kiện Đại hội, trong đó trọng tâm là công nghiệp; du lịch và nông nghiệp.
Bình Thuận cần phát huy tinh thần tự lực, tự cường, quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung huy động nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường, thu hút đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh của tỉnh. Phải chú ý tăng cường liên kết vùng, tạo ra không gian phát triển mới cho Bình Thuận, nhất là với vùng kinh tế động lực phía nam, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Phát triển kinh tế phải gắn chặt với tiến bộ và công bằng xã hội, thực hiện thật tốt các chính sách an sinh xã hội đi đôi với tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo; chú ý chăm lo đúng mức đời sống nhân dân sống ở các vùng phải giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, các gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng yếu thế, dễ tổn thương. Làm tốt công tác y tế dự phòng, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Coi trọng xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong tỉnh; thực hiện tốt các chính sách về tôn giáo, dân tộc; xây dựng xã hội đồng thuận.
Không ngừng củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận lòng dân. Chú ý thực hiện các biện pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nắm chắc tình hình, phát hiện và xử lý kịp thời những vụ việc phức tạp, không để xảy ra điểm nóng; đấu tranh ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm, bảo đảm cuộc sống yên bình cho nhân dân.
Đồng chí đề nghị Đại hội phát huy dân chủ đầy đủ nêu cao tinh thần trách nhiệm, để lựa chọn những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần đoàn kết, có năng lực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và dám đột phá vì lợi ích chung của cộng đồng để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa 14; đồng thời, bầu những đồng chí thực sự tiêu biểu cho phẩm chất, năng lực và trí tuệ của Đảng bộ dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ 14 tiếp tục làm việc đến ngày 16-10.