Khai mạc Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam TP.HCM lần thứ XII: Điểm tựa để TP.HCM lan tỏa yêu thương và tình đoàn kết

Các phong trào lan tỏa tinh thần đại đoàn kết toàn dân trong suốt những năm qua đã góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa về một TP.HCM nhân văn, nghĩa tình.

Hôm nay (2-10), Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam (VN) TP.HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029 chính thức khai mạc. Nhìn lại nhiệm kỳ 2019-2024, hệ thống MTTQ VN TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả tích cực; đặc biệt trong những ngày tháng căng thẳng của dịch COVID-19, MTTQ các cấp tại TP đã kêu gọi, quy tụ được đông đảo các nguồn lực với hơn 1.000 mô hình, cách làm hay, sáng tạo, góp phần lan tỏa tính nhân ái, nghĩa tình trên toàn TP.HCM.

“Có thể nói tinh thần đại đoàn kết là điểm tựa tinh thần vững chắc để TP.HCM phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch”. Đó là điều mà ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM, khẳng định khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM trước thềm đại hội.

 Ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM.

Ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM.

Hoàn thành các nhiệm vụ phát sinh, mới, khó, chưa có tiền lệ

.Phóng viên: Thưa ông, MTTQ VN TP.HCM nhiệm kỳ XI hẳn đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật về một nhiệm kỳ vượt khó, đầy sáng tạo?

+ Ông Ngô Thanh Sơn: Trong nhiệm kỳ vừa qua, dù phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhưng hệ thống Mặt trận các cấp đã hoàn thành các nhiệm vụ quan trọng, nhiều nhiệm vụ phát sinh, mới, khó, chưa có tiền lệ.

Đáng chú ý, hệ thống MTTQ VN TP đã phát huy mạnh mẽ sức mạnh và sự thống nhất của mọi tầng lớp trong xã hội, kêu gọi, quy tụ được đông đảo các nguồn lực cùng ủng hộ, tham gia phòng, chống dịch COVID-19. Hơn 1.000 mô hình, cách làm hay, sáng tạo đã được triển khai trong giai đoạn này.

Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đã tham mưu, tổ chức triển khai các đề án, chương trình sát với thực tiễn và yêu cầu công tác Mặt trận trong tình hình mới. Điển hình như Đề án 06 về nâng cao vai trò của MTTQ VN và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TP.HCM; đề án “Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia”...

MTTQ VN TP.HCM cũng phối hợp thành lập và đưa vào vận hành “Quỹ an sinh xã hội”; phát huy hiệu quả của “Giải thưởng đại đoàn kết”, tuyên dương các mô hình, giải pháp tiêu biểu… Qua đó khơi dậy sự sáng tạo, thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước trong hệ thống Mặt trận.

Mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 nhưng Ủy ban MTTQ VN TP.HCM đã nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, liên tục giữ vững danh hiệu và cờ thi đua “Đơn vị xuất sắc toàn diện” 5 năm liên tục.

 Lãnh đạo TP.HCM tiễn đoàn tình nguyện lên đường hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi). Ảnh: MTTQVN TP.HCM

Lãnh đạo TP.HCM tiễn đoàn tình nguyện lên đường hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại do bão số 3 (Yagi). Ảnh: MTTQVN TP.HCM

. Vậy những điều này đã giúp TP.HCM thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ra sao?

+ Có thể nói những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ XI có ý nghĩa to lớn và quan trọng, góp phần cùng Đảng, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM.

Có thể kể đến như công tác tuyên truyền, tập hợp vận động người dân được hệ thống MTTQ thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, có nhiều mô hình mới, cách làm hay, hiệu quả được nhân rộng, nhất là việc xây dựng và lan tỏa Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được tập trung thực hiện ngày càng chặt chẽ. Trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND năm 2021, Mặt trận thực hiện công tác hiệp thương nhân sự; giám sát công tác bầu cử; tuyên truyền, vận động nhân dân, góp phần vào thành công chung của kỳ bầu cử với tỉ lệ 99,38% người dân đi bầu.

Các hoạt động giảm nghèo bền vững, cứu trợ, an sinh xã hội được triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Quỹ Vì người nghèo TP.HCM đã vận động và tiếp nhận hơn 1.136 tỉ đồng (đạt 181,88% so với chỉ tiêu), chi chăm lo với số tiền hơn 1.088 tỉ đồng, giúp kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Các cuộc vận động khác cũng được triển khai có trọng tâm, trọng điểm với sự chung sức của cộng đồng. Hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng đa dạng, đóng góp tích cực vào thành quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế của TP.HCM…

 Mô hình “ATM lướt ống” của Nhà thờ Tân Sa Châu (phường 2, quận Tân Bình) đã giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19 những phần cơm, rau xanh, nhu yếu phẩm… Ảnh: MTTQ TP.HCM

Mô hình “ATM lướt ống” của Nhà thờ Tân Sa Châu (phường 2, quận Tân Bình) đã giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19 những phần cơm, rau xanh, nhu yếu phẩm… Ảnh: MTTQ TP.HCM

Lan tỏa tinh thần đoàn kết giúp TP.HCM vượt qua đại dịch

. Những năm qua, hệ thống MTTQ đã tập hợp và phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân để vượt qua khó khăn, thách thức, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19. Vậy quá trình ấy có điều gì đáng nhớ nhất?

+ Trước diễn biến phức tạp, chưa từng có tiền lệ trong giai đoạn dịch COVID-19, hệ thống MTTQ VN và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở đã tổ chức nhiều phương thức, giải pháp, tập trung vận động người dân bình tĩnh, yên tâm thực hiện quy định về phòng, chống dịch.

Hệ thống MTTQ VN TP.HCM chủ trì tiếp nhận hơn 1.237 tỉ đồng tiền mặt; hàng hóa trị giá tương đương hơn 339 tỉ đồng; trang thiết bị y tế trị giá hơn 3.190 tỉ đồng; vận động ủng hộ Quỹ vaccine ngừa COVID-19 hơn 2.318 tỉ đồng; thực hiện hơn 2,7 triệu túi an sinh; kịp thời hỗ trợ điều trị, chăm lo, hỗ trợ các hộ dân, lực lượng tuyến đầu tại các khu vực bị phong tỏa, cách ly.

Đơn vị còn tổ chức đường dây nóng tiếp nhận phản ánh, nắm bắt tình hình đời sống của người dân; hỗ trợ cấp giấy đi đường cho các cơ quan, cá nhân tham gia vận chuyển nhu yếu phẩm đến các điểm phòng, chống dịch, khu cách ly, phong tỏa, những nơi khó khăn. Đặc biệt, lập và phát huy hiệu quả mạng lưới an sinh xã hội thông qua Trung tâm An sinh TP.HCM.

Có nhiều mô hình, giải pháp đầy sáng tạo, nhân văn, nghĩa tình được xuất phát từ chính những người dân nghĩa tình. Đó là các mô hình “ATM gạo” của ông Hoàng Tuấn Anh; “ATM lướt ống” tại nhà thờ Tân Sa Châu (phường 2, quận Tân Bình) hay “Tủ lạnh 0 đồng” tại quận Bình Thạnh; phong trào “Sài Gòn cùng nhau nấu cơm” của ca sĩ Hà Anh Tuấn…

Những hành động sẻ chia, nhân ái của người dân đã để lại dấu ấn sâu đậm, là biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội; trở thành điểm tựa tinh thần để TP.HCM vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Huy động nguồn lực cùng TP.HCM thực hiện chính sách đặc thù

TP.HCM tự hào là nơi xuất phát nhiều phong trào được các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng tham gia và lan tỏa rộng khắp cả nước. Như phong trào Đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xóa đói giảm nghèo; “Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc”; cuộc vận động “Vì người nghèo”…

Đây là những việc làm mang đậm tính nhân văn, nghĩa tình, thể hiện truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của người dân TP.HCM.

Ông Ngô Thanh Sơn, Phó Chủ tịch MTTQ VN TP.HCM, trao kinh phí xây dựng Nhà tình thương trên địa bàn huyện Cần Giờ. Ảnh: MTTQ TP.HCM

Trên tinh thần đó, MTTQ VN TP.HCM nhiệm kỳ 2024-2029 sẽ xây dựng và triển khai thực hiện hai đề án, một công trình, một chương trình trọng điểm, gắn trực tiếp với quyền lợi của người dân, mục tiêu cao nhất chính là vì hạnh phúc của người dân.

Cụ thể, thực hiện giai đoạn 2 của Đề án 06 về “Nâng cao vai trò của MTTQ VN TP và nhân dân giám sát tổ chức Đảng, đảng viên và hoạt động của chính quyền các cấp TP.HCM giai đoạn 2021-2030”. Triển khai đề án “Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động Ban công tác Mặt trận trong tình hình mới”; thực hiện công trình “Vì TP thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư”; tổ chức chương trình “Chung sức - Vì TP nghĩa tình, bao dung, phát triển”.

Với chức năng, nhiệm vụ được hiến định, MTTQ và các tổ chức thành viên cũng sẽ tuyên truyền, vận động các giới, các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình triển khai các nghị quyết. Đồng thời giám sát các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM theo Nghị quyết 98 để đảm bảo các chính sách được triển khai đúng tiến độ, mục tiêu đề ra.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM NGÔ THANH SƠN

*****

Tăng 10 ủy viên tham gia nhiệm kỳ 2024-2029

Đại hội đại biểu MTTQ VN TP.HCM lần thứ XII, nhiệm kỳ 2024-2029 diễn ra trong hai ngày (2 và 3-10) với chủ đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường dân chủ, thi đua xây dựng và phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Nhiệm kỳ này, Trung ương cho phép TP.HCM tăng số lượng ủy viên lên 150 vị, tăng 10 vị so với nhiệm kỳ trước. Đáng chú ý, có cơ cấu chủ tịch MTTQ phường, xã tham gia ủy viên Ủy ban để lắng nghe được nhiều hơn, sâu hơn tiếng nói của nhân dân.

Đồng thời, Mặt trận tiếp tục mời gọi 84 vị là cá nhân tiêu biểu trong các giới, các ngành cùng tham gia.

*****

Ông TRẦN THANH TÙNG, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN quận 10:

Phát huy hơn nữa vai trò “đầu tàu”

Điểm lại hành trình năm năm nhiệm kỳ này, MTTQ VN TP.HCM đã có nhiều công trình, mô hình, giải pháp thiết thực và ý nghĩa nhằm cụ thể các phong trào thi đua yêu nước và cuộc vận động gắn liền với tình hình thực tiễn. Trong giai đoạn COVID-19, hệ thống MTTQ các cấp lại càng thể hiện rõ nét hơn vai trò, vị trí trong vận động, huy động nguồn lực xã hội cùng chung tay chống dịch.

MTTQ Việt Nam TP cũng phát huy tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cùng cả nước”, kịp thời hỗ trợ, chăm lo cho các địa phương và người dân khác trên mọi miền của Tổ quốc. Nhiều ngôi nhà đại đoàn kết, nhiều cầu đi bộ nông thôn, nhiều phương tiện sinh kế… được trao gửi đến những gia đình khó khăn.

Việc tập hợp, đoàn kết các giới và tầng lớp Nhân dân, kiều bào cũng là một trong những hoạt động tiêu biểu trong nhiệm kỳ 2019-2024. Đội ngũ cán bộ tham gia công tác Mặt trận ngày càng được quan tâm, trẻ hóa và đào tạo bài bản, có chuyên môn…

Tôi kỳ vọng thời gian tới, hệ thống MTTQ các cấp phát huy hơn nữa vai trò “đầu tàu”, định hướng, đề ra các công trình, mô hình, giải pháp gắn liền với đời sống dân sinh của người dân; phát huy hiệu quả “tình làng nghĩa xóm” trong từng khu dân cư.

Với tinh thần đại đoàn kết, tôi tin tưởng rằng trong nhiệm kỳ 2024 - 2029, MTTQ VN TP sẽ hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, công trình đề ra, góp phần xây dựng TP.HCM “văn minh - hiện đại - nghĩa tình” và thực hiện thành công Nghị quyết 98.

-----

VÕ THỊ PHƯƠNG UYÊN, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN quận Bình Thạnh:

Nỗ lực đem lại niềm tin cho người dân

Với những nỗ lực vượt khó, đổi mới sáng tạo, trong nhiệm kỳ qua Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bình Thạnh đã tập hợp, đoàn kết và phát huy vai trò của các nhân sĩ, trí thức, cá nhân tiêu biểu trong tôn giáo và vận động có hiệu quả doanh nghiệp, tổ chức, mạnh thường quân đồng hành thực hiện các mục tiêu chung.

Cụ thể như phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Tháng cao điểm vì người nghèo”… được hệ thống MTTQ từ quận đến phường thực hiện sáng tạo qua nhiều chương trình, hoạt động.

Trong đó, hệ thống MTTQ quận đã thu hút được nhiều nguồn lực ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” với số tiền gần 8,5 tỉ đồng; hỗ trợ trao tặng trên 10.400 suất quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hơn 660 suất học bổng Nguyễn Hữu Thọ giúp các cháu được tiếp tục đến lớp - đến trường…

Tất cả những điều này đã tạo thành nét đẹp văn hóa, mang tính nhân văn sâu sắc, nghĩa tình góp phần giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.

Hướng đến nhiệm kỳ mới, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bình Thạnh sẽ tiếp tục đề ra các hoạt động, công trình thiết thực nhằm đem lại niềm vui cho người nghèo, niềm tin cho người dân, làm phong phú, sâu sắc thêm truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái…

BẢO PHƯƠNG thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/khai-mac-dai-hoi-dai-bieu-mttq-viet-nam-tphcm-lan-thu-xii-diem-tua-de-tphcm-lan-toa-yeu-thuong-va-tinh-doan-ket-post812859.html