Khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc: Quan tâm chung, mối lo riêng

Covid-19, cạnh tranh Mỹ - Trung, Mỹ - Iran và vấn đề khu vực là tâm điểm phát biểu của lãnh đạo thế giới tại khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75.

Các phiên khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) luôn là dịp để nguyên thủ thế giới bày tỏ lập trường trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Khai mạc kỳ họp ĐHĐ LHQ khóa 75 ngày 22/9 không phải là ngoại lệ.

Do đại dịch Covid-19, sự kiện lần này phải tổ chức theo hình thức trực tuyến, song chẳng vì thế mà bớt “nóng”. Sau đây là những mối quan tâm chính được đề cập trong phát biểu của lãnh đạo thế giới tại khai mạc ĐHĐ LHQ khóa 75.

Toàn cảnh phiên khai mạc của ĐHĐ LHQ lần thứ 75. (Ảnh: LHQ)

Toàn cảnh phiên khai mạc của ĐHĐ LHQ lần thứ 75. (Ảnh: LHQ)

“Kẻ thù chung” Covid-19

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan và diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, mối lo từ dịch viêm đường hô hấp cấp này là chủ đề bao trùm, xuyên suốt bài phát biểu của lãnh đạo các nước.

Tổng thống Donald Trump khẳng định: “Chúng ta đã chiến đấu ác liệt chống lại kẻ thù vô hình đã tước đi vô số mạng sống tại 188 quốc gia.”

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lựa chọn một cách tiếp cận hòa hoãn hơn, khi cho rằng dưới sự dẫn dắt của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia cần đoàn kết và phối hợp, đưa ra phản ứng toàn cầu nhằm đánh bại đại dịch.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẵn sàng cung cấp vaccine điều trị Covid-19 miễn phí cho các nhân viên của LHQ.

Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi một sáng kiến chung tại Đông Bắc Á nhằm kiểm soát tình trạng sức khỏe công cộng và tốc độ lây lan của đại dịch, với sự tham dự của Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ và Triều Tiên.

Hầu hết các quốc gia đều mong muốn điều phối, đẩy mạnh hợp tác nhằm chung tay chống lại đại dịch Covid-19, sớm đưa kinh tế thế giới trở lại quỹ đạo tăng trưởng, ổn định chính trị nội bộ.

Mỹ - Trung gay gắt

Tuy nhiên, mối quan tâm chung về Covid-19 không thể ngăn lãnh đạo các nước lớn đấu khẩu thông qua các bài phát biểu, nổi bật là Mỹ và Trung Quốc.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Donald Trump cáo buộc Trung Quốc “là nước đã gây ra bệnh dịch này cho thế giới” và LHQ phải khiến Trung Quốc và WHO chịu trách nhiệm. Ông cho rằng Mỹ “đã chống lại sự lạm dụng thương mại của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ” và trong khi Mỹ đã giảm lượng khí thải Carbon nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trong Hiệp định Paris, Trung Quốc đã thải hàng triệu tấn nhựa, rác ra đại dương, đánh bắt quá mức vùng biển các quốc gia khác, phá hủy dải san hô và thải ra không khí nhiều thủy ngân độc hại.

Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Mọi nỗ lực chính trị hóa, áp đặt quan điểm về vấn đề này cần bị loại bỏ”. Ông kêu gọi các nước phản đối chủ nghĩa đơn phương và bảo hộ, tuyên bố Trung Quốc không muốn tham gia vào một “cuộc Chiến tranh Lạnh mới”, đồng thời đề cập đến hiểm họa “xung đột giữa các nền văn minh” và “bẫy xung đột”, những cụm từ trích dẫn từ cuốn “Định mệnh Chiến tranh” của học giả Allison Graham. Ngày 23/9, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cũng cho biết Bắc Kinh “kiên quyết phản đối việc Mỹ bịa đặt lời nói dối và đã đưa ra những cáo buộc vô căn cứ chống lại và vu khống Trung Quốc”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu được phát tại phiên khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 75.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bài phát biểu được phát tại phiên khai mạc Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 75.

Mỹ - Iran đối đầu

Căng thẳng, đối đầu giữa Mỹ - Iran cũng là chủ đề được đề cập trong bài phát biểu của lãnh đạo thế giới tại ĐHĐ LHQ khóa 75.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA) mà Washington đã rút khỏi là một “thỏa thuận khủng khiếp”, đồng thời thông báo đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với quốc gia này.

Đáp lại, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định sẽ “kiên cường trước mọi sức ép và Mỹ sẽ phải từ bỏ gia tăng sức ép với Iran”. Cùng ngày, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cũng cho rằng Washington đang “tự cô lập” khi quyết tâm tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tehran.

Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định việc Mỹ kích hoạt cơ chế trừng phạt trong khuôn khổ JCPOA dù đã rút khỏi thỏa thuận sẽ làm suy yếu nền tảng đoàn kết của Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như tính toàn diện của những quyết định của Hội đồng, gây nguy cơ kích động căng thẳng trong khu vực. Pháp cùng các đồng minh ở châu Âu sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai đầy đủ thỏa thuận hạt nhân Iran, không chấp nhận những vi phạm của Iran đẩy mạnh hoạt động hạt nhân để phản ứng với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Những câu chuyện khác

Bên cạnh đó, một số vấn đề khác cũng nhận được sự chú ý.

Cụ thể, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã bảo vệ những quyết dịnh gây tranh cãi xung quanh đến việc bảo tồn rừng nhiệt đới Amazon, cho rằng Brazil đã bị biến thành “kẻ thù của môi trường” bởi một số thế lực từ bên ngoài, nhằm phương hại lợi ích của chính phủ và người dân Brazil.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng không bỏ lỡ cơ hội thể hiện lập trường trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Hy Lạp. Theo đó, người đứng đầu Ankara kêu gọi tiến hành cuộc đối thoại “chân thành”, công bằng, dựa trên luật pháp quốc tế nhằm giải quyết xung đột tại phía đông Địa Trung Hải, song sẽ không tha thứ bất kỳ sự “can thiệp” nào từ phía phương Tây về vấn đề này.

Về phần mình, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani kêu gọi đối thoại không điều kiện và gỡ bỏ “lệnh cấm vận bất hợp pháp” của Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập. Đồng thời, ông cũng cho rằng cộng đồng quốc tế thất bại trong việc gây áp lực buộc Israel “trao trả lãnh thổ chiếm đóng bất hợp pháp từ người Palestine.”

Dường như ngay cả khi phiên họp khai mạc ĐHĐ LHQ khóa 75 tiến hành trực tuyến, sức nóng từ thông điệp của lãnh đạo thế giới trong sự kiện này không hề giảm và sẽ tiếp tục là chủ đề quan trọng, thảo luận xuyên suốt trong nghị trình của ĐHĐ LHQ những ngày tới.

Minh Quân

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khai-mac-dai-hoi-dong-lien-hop-quoc-quan-tam-chung-moi-lo-rieng-124540.html