Khai mạc Euro 2020 - khi tiếng quốc ca rền vang trong thanh quản

Các cầu thủ Italy và Thổ Nhĩ Kỳ luôn thể hiện tinh thần quyết tâm ngay từ khi hát quốc ca. Điều đó sẽ được tái hiện trong trận khai mạc Euro 2020.

Hình ảnh những chàng trai Thiên thanh hát vang bài quốc ca trước những trận đấu của họ từ lâu đã được coi là một điều gì đó khá ấn tượng đối với không ít người. Ấn tượng chính là ở thần thái, ở cách họ thể hiện.

Nhiều tấm ảnh các đội tuyển Italy, từ đội U21, đội tuyển nữ cho đến đội tuyển nam quốc gia, tay đặt lên trái tim, người nhắm mắt, người ngửa cổ lên trời, người quắc mắt hát vang những câu ca hào hùng khi tiếng nhạc vang lên trên loa của sân vận động thật sự gây chú ý mạnh mẽ.

Điều gì đã khiến họ cháy hết mình trong những câu ca như thế?

 Tuyển Italy sẽ mở đầu vòng chung kết Euro 2020 bằng trận gặp Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Tuyển Italy sẽ mở đầu vòng chung kết Euro 2020 bằng trận gặp Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters.

Khúc hát của những người Italy

Có lần, tôi đã hỏi điều này với một người bạn Italy, và câu trả lời thật đơn giản: “Quốc ca Italy là một bản nhạc chiến đấu, một bài ca xung trận với những câu hát khêu gợi niềm tự hào xứ sở và kêu gọi sự hy sinh đến giọt máu cuối cùng của những người chiến sĩ”.

Và anh nói thêm rằng, không chỉ có các vận động viên thể thao Italy khi đại diện cho quốc gia của mình trên các đấu trường, trong những bộ trang phục xanh màu trời, các công dân Italy khi hát quốc ca cũng thế bởi khi hát, họ thấy “máu chảy rần rật trong huyết quản, tim đập mạnh và một niềm xúc động trào dâng”.

Đêm nay, trước khi trái bóng lăn trên sân Olimpico cho trận khai mạc Euro 2020, những hình ảnh quen thuộc gắn liền với những cầu thủ Italy hát quốc ca như thể từng điệu nhạc in đậm vào những thớ thịt của họ sẽ trở lại trên màn ảnh nhỏ, và ở đứng ở phía đối diện, những người Thổ Nhĩ Kỳ cũng có một bản nhạc hoành tráng theo nhịp hành khúc, cũng một bài ca chiến đấu, với tình yêu Tổ quốc và tiếng gọi lên đường chiến đấu cho tự do.

Khác với quốc ca Thổ Nhĩ Kỳ ra đời năm 1921, khi đế chế Ottoman đang trên đà sụp đổ và đất nước nằm giữa Âu và Á, quốc ca Italy được sáng tác trong những năm Italy là một tập hợp lộn xộn của rất nhiều nước cộng hòa, vương quốc và công quốc trên mảnh đất hình chiếc ủng và nhiều phần lãnh thổ vẫn nằm trong sự cai trị của đế chế Áo.

Bài hát có tên “Khúc hát của những người Italy”, với lời thơ của chàng sinh viên yêu nước Goffredo Mameli và nhạc của Michele Novaro ra đời cuối năm 1847, khi tinh thần thống nhất đất nước của người Italy đang sôi sục, và bài hát vang lên khi những đội quân ra trận chống quân Áo trong cuộc chiến tranh năm 1848 và những năm sau đó, trong phong trào thống nhất Italy có tên “Risorgimento” (Nổi dậy), cho đến khi đất nước này hoàn thành công cuộc thống nhất vào năm 1870, khi các đội quân chiếm được Roma.

Khi Italy trở thành nước cộng hòa sau một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 1946, “Khúc hát của những người Italy” là quốc ca của nước Italy hiện đại.

Lời thơ của Mameli, người không sống được để chứng kiến nước Italy thống nhất, vì đã hy sinh ở tuổi 22, chỉ 2 năm sau khi sáng tác bài hát, rất đơn giản, cô đọng thành từng câu ngắn, nhưng thúc giục một cách mạnh mẽ, với những câu gợi lên niềm tự hào của một mảnh đất đã từng có những năm tháng bách chiến bách thắng của thời La Mã, như “Hỡi những người Italy/ Italy đã thức tỉnh/ Đội lên đầu chiếc mũ của Sciopio (tên của một viên tướng La Mã nổi tiếng thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, người đã đánh bại Hannibal hùng mạnh thời kỳ đó - A.N)/ Chiến thắng ở nơi đâu?”.

Và rồi có những câu ca khác nói lên thân phận của người Italy dưới ách đô hộ và sự chia rẽ: “Đã hàng thế kỷ/ Chúng ta bị áp bức, chế nhạo/ Bởi chúng ta không phải là một dân tộc/ Bởi chúng ta bị chia rẽ”. Và rồi bài hát hướng tới “Thời khắc đã điểm/ Để chúng ta đoàn kết lại”. Đoạn điệp khúc thì thật hào húng và nói đến sự hy sinh vì Tổ quốc: “Chúng ta sẵn sàng chết/ Chúng ta sẵn sàng chết/ Italy đã kêu gọi”.

 Nhờ tinh thần của bài quốc ca, các cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ thường thi đấu mạnh mẽ như những chiến binh. Ảnh: Eurosport.

Nhờ tinh thần của bài quốc ca, các cầu thủ Thổ Nhĩ Kỳ thường thi đấu mạnh mẽ như những chiến binh. Ảnh: Eurosport.

Niềm tự hào của người Thổ Nhĩ Kỳ

Quốc ca Thổ Nhĩ Kỳ có tên “Hành khúc độc lập”, là bài được chọn trong một cuộc thi tìm kiếm bài hát cho phong trào độc lập, ra đời sau quốc ca Italy gần 80 năm và trở thành hành khúc ra trận của những đội quân trong phong trào quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ.

Họ hát trước khi lao mình vào những trận đánh của cuộc chiến tranh giành độc lập cho Thổ Nhĩ Kỳ (1919-1924), sau khi đế chế Ottoman tan rã, bằng những trận đánh với người Hy Lạp, Armenia, Pháp, những người bảo hoàng, với Anh và Italy.

Với lời của nhà thơ nổi tiếng Mehmet Akif Ersoy và nhạc của Osman Zeki Ungor, nó thể hiện tình yêu với Tổ quốc, hướng đến tự do, với niềm tin tôn giáo, đồng thời nêu lên những ước vọng, sự hy sinh và tinh thần chiến đấu đến cùng để có được sự độc lập.

Lời thơ Ersoy thật đanh thép, với những câu như: “Đừng sợ! Lá cờ màu đỏ thắm tự hào tung bay trong bình minh vinh quang này sẽ không bao giờ phai/ Trước khi trái tim bừng cháy trong quê hương của tôi sẽ bị dập tắt/ Vì nó là ngôi sao của dân ta/ Và sẽ mãi mãi chiếu sáng/ Muôn đời thuộc về chúng ta, và chỉ thuộc về quốc gia anh hùng này thôi”.

Bài hành khúc kêu gọi chiến đấu vì tự do: “Máu của chúng ta để nhuộm đỏ người/ Để Tổ quốc muôn đời tự do”. Và rồi: “Hỡi các đồng chí! Đừng để những kẻ đê tiện xâm lấn Tổ quốc”.

Lời đầy đủ của bài quốc ca dài tới 41 dòng thơ, nhưng trong các nghi lễ chính thức, chỉ có 8 dòng đầu là được hát lên, nhưng vẫn thể hiện mạnh mẽ tinh thần yêu nước và chiến đấu vì tự do, độc lập của bản hành khúc.

Năm nay, Italy vừa kỷ niệm 75 năm ngày trở thành một quốc gia cộng hòa, còn Thổ Nhĩ Kỳ kỷ niệm 100 năm ngày bài “Hành khúc độc lập” được Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ công nhận là quốc ca.

Trận đấu Italy - Thổ Nhĩ Kỳ chính là trận mở đầu của một giải đấu mà cả thế giới đã đợi chờ. Nhưng trước khi trái bóng lăn, trong một lễ khai mạc đúng chất Italy, với 10 chiếc máy bay của không quân Italy nhả khói màu cờ xanh - trắng - đỏ của nước Italy bay qua bầu trên sân vận động, và danh ca Andrea Bocelli hát bản “Nessun Dorma” trong vở opera “Turandot” của Giacomo Puccini, sẽ là những bản quốc ca vang lên.

Các cầu thủ Italy và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hát, tay đặt lên trái tim, trong mấy phút ngắn ngủi chìm trong tình yêu và niềm tự hào xứ sở.

Và rồi trận đấu bắt đầu…

Loạt luân lưu cảm xúc giữa Italy và Hà Lan ở Euro 2000 Tại Euro 2000, huyền thoại Dino Zoff và các học trò vỡ òa cảm xúc khi hạ gục "Cơn lốc màu da cam" ở loạt luân lưu 11 m để giành quyền vào chơi trận chung kết.

Anh Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khai-mac-euro-2020-khi-tieng-quoc-ca-ren-vang-trong-thanh-quan-post1225959.html