Khai mạc Festival 'Nón lá - Việt Nam 2025': Gắn kết văn hóa truyền thống với phát triển du lịch
Ngày 30/4, tại Tràng An (thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), đã diễn ra lễ khai mạc Festival 'Nón lá – Việt Nam 2025' – sự kiện văn hóa, nghệ thuật và thể thao lớn nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 30/4 và 1/5.
Festival “Nón lá - Việt Nam 2025” diễn ra trong 4 ngày, từ 30/4 đến 3/5, với nhiều hoạt động phong phú, được tổ chức tại nhiều địa điểm văn hóa, du lịch trọng điểm của tỉnh.
Sự kiện được xây dựng với chủ đề xuyên suốt là “Nón lá” - một biểu tượng văn hóa đặc trưng, gần gũi của người Việt, đồng thời là điểm tựa để kết nối giữa di sản văn hóa dân tộc, các giá trị truyền thống và không gian phát triển du lịch đương đại.

Các đại biểu dự lễ khai mạc Festival. Ảnh: Minh Đường
Lễ khai mạc được tổ chức quy mô với sự tham gia của hàng nghìn người dân và du khách. Một số tiết mục tiêu biểu trong lễ khai mạc như màn trình diễn bản đồ Việt Nam được kết từ hơn 1.000 chiếc nón lá, diễu hành kỵ binh, kéo cờ Tổ quốc trên không trung và các tiết mục nghệ thuật dân gian như hát xẩm, trình diễn trống hội.

Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Festival. Ảnh: Minh Đường
Trong khuôn khổ lễ hội, các chương trình nghệ thuật đặc sắc được tổ chức liên tục tại các không gian mở, nhằm tạo điều kiện để công chúng dễ dàng tiếp cận. Tiêu biểu như chương trình “Gấm vóc Hoa Lư” - trình diễn cổ phục gắn với lịch sử vương triều Đinh - Tiền Lê, “Hoa Lư Vũ Họa” - màn trình diễn thực cảnh tái hiện làng nghề truyền thống và “Nhuộm sắc Lưu Giang”- chương trình nghệ thuật kết hợp biểu diễn trên thuyền tại khu du lịch Tam Cốc, với sự tham gia của các nghệ sĩ chuyên nghiệp. Các chương trình đều được đầu tư công phu, chú trọng yếu tố văn hóa bản địa, giúp khán giả hiểu rõ hơn về lịch sử, phong tục và nghề truyền thống của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Trình diễn cổ phục tại Festival. Ảnh: Minh Đường
Bên cạnh các hoạt động nghệ thuật, Festival còn lồng ghép nhiều nội dung thể thao và trải nghiệm gắn với đời sống cộng đồng. Giải chạy “Chạy về Làng” quy tụ đông đảo vận động viên không chuyên từ nhiều địa phương.
Cuộc thi đua xe địa hình, các hoạt động như trải nghiệm làm nghề thủ công, trò chơi dân gian, trồng cây xanh, thả đèn hoa đăng và diễu hành xe hoa được tổ chức đồng thời tại nhiều điểm trong tỉnh, tạo nên không khí sôi động, thu hút du khách tham gia tương tác trực tiếp.

Diễu hành kỵ binh tại Chương trình Festival. Ảnh: Minh Đường
Theo Ban Tổ chức, mục tiêu của Festival không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu các sản phẩm văn hóa truyền thống mà còn hướng tới xây dựng một mô hình tổ chức sự kiện văn hóa - du lịch có tính hệ thống, sáng tạo, bền vững.
Bằng việc tổ chức các hoạt động quy mô lớn trong dịp nghỉ lễ, tỉnh Ninh Bình kỳ vọng Festival sẽ trở thành điểm nhấn thường niên, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của du lịch địa phương, đồng thời phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất cố đô.